1/Nằm trong vùng địa lý khá đặc trưng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và địa hình phía tây có núi chắn, giữa có đồng bằng, phía đông giáp biển nên Bình Định hằng năm chịu tác động mạnh của tự nhiên. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt như gió bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, gió Tây khô nóng, gió mùa Đông Bắc, giông sét, sương mù đã trở thành một quy luật của tự nhiên tạo nên các hiểm họa thiên tai như bão, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sa bồi gây hậu quả nặng nề đến tính mạng con người và tài sản, tàn phá môi trường sống, ngừng trệ các hoạt động sản xuất, kinh tế-xã hội. Theo số liệu điều tra trong nhiều năm qua, một số loại hình hiểm họa thiên tai chính ở Bình Định như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ bất thường, thủy triều, hoạt động địa chấn có thể gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, đời sống người dân địa phương.
Bão và áp thấp nhiệt đới là một trong những loại hình hiểm họa thiên tai đặc trưng nhất ở khu vực tỉnh Bình Định, thường xuất hiện vào thời kỳ mùa mưa. Đó là xoáy thuận nhiệt đới có tốc độ gió mạnh (10,8 m/s trở lên) phát tán trên diện rộng kéo theo mưa to hình thành lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Sự xuất hiện của chúng bắt đầu hình thành từ khu vực phía Tây Bắc Thái Bình Dương đổ bộ vào Biển Đông và tiến thẳng vào đất liền. Trung bình hằng năm có khoảng 30 cơn bão, tuy nhiên Việt Nam ảnh hưởng khoảng 10 cơn bão.
Vị trí bão đổ bộ vào Bình Định thường xuyên nhất là huyện Hoài Nhơn (phía bắc tỉnh) và thành phố Quy Nhơn (phía nam tỉnh), tác động của chúng thường rất mạnh làm tổn thương đến con người, tàn phá môi trường sống, đánh chìm tàu thuyền neo đậu, gây sập đổ nhà cửa, công xưởng và các công trình công cộng như trường học, cơ sở y tế, văn hóa, công trình hạ tầng kỹ thuật… chỉ trong một thời gian ngắn. Khả năng ứng phó của người dân trong việc phòng tránh thường gặp khó khăn hơn nếu vấn đề dự báo thiếu chính xác khi bão đổ bộ vào đất liền và suy yếu. Đặc biệt là khi phạm vi ảnh hưởng rộng, nhân lực không đáp ứng được kịp thời để triển khai phương án phòng tránh trong vòng 3 đến 6 giờ với một khối lượng công việc quá lớn. Tất nhiên, hậu quả đi kèm thường rất nặng nề, sau cơn bão các khu vực bị tổn thương môi trường sống bị tàn phá, các hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp năng lượng, nước sinh hoạt bị cắt đứt, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là không thể tránh khỏi. Để khắc phục, tái thiết lại các hoạt động dân sinh, xã hội phải mất khá nhiều tiền bạc, sức lực và thời gian.
2/Mặc dù Bình Định chưa bước vào mùa mưa lũ năm 2024 nhưng ngành chức năng đang khá lo lắng. Bởi vừa qua, nhiều tỉnh phía bắc đang “thất thủ” trước những cơn mưa lớn bất thường. Cách đây 2 năm, tại phường Gềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn) phải gánh chịu đợt mưa 77 mm/giờ khiến nhà cửa ngập lút nóc, trong khi khả năng chịu đựng lượng mưa của thành phố Quy Nhơn chỉ khoảng 30-40 mm/giờ nên mọi con đường ở Quy Nhơn hầu hết đều ngập lụt, nhất là trên địa bàn phường Gềnh Ráng.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, biến đổi khí hậu khiến thời tiết bất thường nên dẫu dự báo có chính xác đến mấy thì khả năng con người cũng có hạn, đôi khi khó lòng chống đỡ được. Bây giờ không còn mưa dàn trải như ngày xưa, mà mưa tập trung như trút nước. Mùa mưa đã cận kề, ngành chức năng Bình Định đang nặng lòng lo cả bão, lũ, lũ quét và sạt lở đất bởi diễn biến thời tiết năm nay khá cực đoan, ông Chương chia sẻ.
Theo ông Chương, hiện nay, Bình Định đã xây dựng phần mềm quản lý thiên tai từ cấp xã đến cấp tỉnh. Phần mềm này tích hợp mọi thông tin trong công tác phòng, chống thiên tai. Thí dụ như hộ ông A ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân đang ở trong ngôi nhà như thế nào, có bao nhiêu nhân khẩu, trong đó có bao nhiêu người bị tổn thương; địa phương ấy có công trình hạ tầng như thế nào… đều được cập nhật thường xuyên. Năm 2024 ngành chức năng đã hoàn tất công tác cập nhật, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ở Bình Định bão và áp thấp nhiệt đới không chỉ đổ bộ trực tiếp mà còn ảnh hưởng do bão đổ bộ vào các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trung bình đổ bộ trực tiếp 0,52 cơn và ảnh hưởng 0,98 cơn mỗi năm.