Theo đó, hầu như lĩnh vực nào cũng phải có trách nhiệm về vấn đề này. Ngoài vai trò chủ chốt của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong việc chủ trì, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng chính sách, thúc đẩy đầu tư, triển khai các chương trình, hoạt động…, thì Bộ Thông tin và Truyền thông được yêu cầu bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm phần mềm và trò chơi điện tử trên không gian mạng mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp xu thế của thế giới; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao trong xuất bản, phát thanh, truyền hình, phần mềm và trò chơi điện tử trên mạng… Bộ Công thương có trách nhiệm triển khai các sản phẩm, dịch vụ CNVH gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; triển khai kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thời trang, thiết kế… Cùng với đó còn có trách nhiệm của các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố, khối các hội, hiệp hội có liên quan đến công nghiệp văn hóa và các cơ quan báo chí.
Có thể thấy, theo định hướng chung của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy mạnh mẽ CNVH trong bối cảnh mới, Chính phủ đã yêu cầu khá cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trên, căn cứ theo đặc thù lĩnh vực. Điều này cũng có nghĩa cùng gánh vác sự nghiệp chung phát triển CNVH, mỗi bộ, ngành, địa phương có những đầu việc riêng, đòi hỏi sự kiến tạo, sáng tạo của mình, chứ không chờ vào sự khởi xướng của ngành “chủ công” văn hóa. Đáng chú ý nữa, là Chỉ thị cũng đòi hỏi cao ở tính liên kết, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương. Như vậy, lại càng đòi hỏi tính chủ động của các đầu mối trong việc khởi xướng, phối hợp với các đầu mối khác, với ngành văn hóa. Chính trong Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển các ngành CNVH”.
Rõ ràng, theo thực tiễn phát triển, CNVH nói riêng, lĩnh vực văn hóa nói chung đang được kỳ vọng khởi sắc hơn nữa trong sự phát triển kinh tế-xã hội, nhìn từ khía cạnh nhận thức cho đến hành động. Để từ đây thật sự có nhiều giá trị được bảo tồn, phát huy, sáng tạo từ văn hóa, bằng văn hóa, tạo ra nguồn lợi kinh tế, tạo nên của cải vật chất phục vụ cho xã hội. Để có được những thành quả tốt đẹp đó, cần lắm việc thực hiện trách nhiệm riêng, cụ thể của mỗi bộ, ngành, địa phương nhằm gây dựng, phát triển CNVH cho mình, trong mối liên kết CNVH của cả lĩnh vực, cả vùng, cả nước.