Quản lý kinh doanh vàng theo nguyên tắc thị trường

Hiện tượng chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới đã xuất hiện từ khi có Nghị định số 24 năm 2012 (Nghị định 24/2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sau 11 năm, mức chênh ngày càng lớn. Các chuyên gia cho rằng, những quy định trong Nghị định 24/2012 đã không còn phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Giá vàng SJC đang có sự chênh lệch lớn so với các thương hiệu khác. Ảnh: QUỲNH TRANG
Giá vàng SJC đang có sự chênh lệch lớn so với các thương hiệu khác. Ảnh: QUỲNH TRANG

Từ cuối tháng 11/2023, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa thị trường trong nước và thế giới ngày càng lớn. Đỉnh điểm, ngày 26/12/2023, bất chấp thị trường đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD/ounce thì giá vàng trong nước nổi sóng trong ngày và xác lập kỷ lục 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn thế giới 20 triệu đồng/lượng.

Những quy định không còn phù hợp

Khoảng chênh lệch lên tới 25% thực tế là quá phi lý trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và thế giới không phải bây giờ mới có mà đã bắt đầu xuất hiện sau khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, nhằm chống “vàng hóa” nền kinh tế. “Việc không cấp phép nhập khẩu vàng khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Một số doanh nghiệp thậm chí phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức nên càng khiến giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao”.

Không chỉ vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là đơn vị được giao quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng SJC. Vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này. Điều này cũng khiến người dân cảm giác rằng, đây là một loại tiền do Nhà nước đưa ra và sẽ mua vàng SJC thay vì mua thương hiệu vàng khác, khiến giá vàng miếng SJC khan hiếm và bị đẩy lên cao.

“Giá vàng SJC đang có sự chênh lệch rất lớn so với các thương hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu, tới 13-14 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là do vàng SJC đã biến thành đồng tiền trong con mắt của người tiêu dùng và điều này được kích thích từ nhân tố quản lý. Tới đây, sửa Nghị định 24 ngoài thực hiện đúng mục tiêu thị trường hơn, minh bạch hơn, thì cần phải bình đẳng hơn giữa các thương hiệu vàng và chống đầu cơ, lợi ích nhóm và trục lợi trong quá trình quản lý vàng”, ông Phong nêu rõ.

Còn theo quan điểm của ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, Nghị định 24/2012 đã tạo ra sự thay đổi lớn trong thị trường vàng Việt Nam, từ mua bán tài sản lớn như xe máy, đất đai đều tính “theo cây, theo chỉ”, đến nay vàng gần như chỉ là hàng hóa bình thường của nền kinh tế. Vì vậy, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế đã bị đẩy lùi từ năm 2013 đến nay.

Tuy vậy, trong giai đoạn 2013-2019, giá vàng miếng SJC chỉ dao động quanh mức 40 triệu đồng/lượng và cao hơn vàng thế giới ở mức 2 triệu đồng/lượng. Từ năm 2020, thời điểm bắt đầu dịch Covid-19, giá vàng tăng mạnh, lên mốc 50 triệu đồng/lượng rồi vượt mốc 60 triệu đồng/lượng vào năm sau đó, chênh lệch giá phổ biến là 13 triệu đồng/lượng. Song đến cuối năm 2023, giá vàng trong nước có thời điểm đắt hơn thế giới đến 20 triệu đồng/lượng.

Điều này cho thấy, một số nội dung quy định trong Nghị định 24/2012 đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay. Vì vậy, đã đến lúc sửa đổi theo hướng thị trường, để vàng trở thành hàng hóa bình thường, đáp ứng được nhu cầu về đầu tư, tích trữ của người dân nhưng phải bảo đảm yêu cầu an toàn về giá trị trong các tài sản đó.

“Sửa Nghị định 24 phải làm sao việc mua bán vàng liên thông với thế giới và không ảnh hưởng đến hoạt động khác của nền kinh tế. Để từ đó có được sự tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vào nền kinh tế “, ông Thịnh nêu rõ.

Cần điều hành theo nguyên tắc thị trường

Trước yêu cầu cấp bách, ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó, yêu cầu NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.

“Dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”, Công điện nêu rõ.

NHNN rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1/2024.

Ngay sau Công điện của Thủ tướng, tại buổi họp báo ngày 3/1/2024 về việc triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối, cho rằng, Nghị định 24/2012 đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và thực thi chính sách tiền tệ. Tuy vậy, trong hơn 10 năm qua cũng như thời gian gần đây, dù giá vàng tăng giảm thất thường nhưng tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng. Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24/2012 cơ bản hoàn thành.

Còn theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24/2012 là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Dù khẳng định Nghị định này đã đáp ứng được kỳ vọng đề ra, song vì đã ra đời cách đây 11 năm và các điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi nên việc sửa Nghị định 24 là cần thiết và đáng nhẽ phải sửa đổi sớm hơn.

“Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và bảo đảm quyền lợi của người dân”, ông Tú nêu rõ.

Trong quá trình chờ sửa Nghị định 24/2012, để chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, Thống đốc NHNN vừa ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623 ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.

Trước đó, ngày 28/12/2023, NHNN đã có Công văn số 10064 yêu cầu các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý bao gồm các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán phải báo cáo NHNN (Cục Phòng, chống rửa tiền) với các giao dịch mua, bán vàng có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC trong thời gian tới.

Đến nay, sau Công điện của Thủ tướng và thông điệp sẵn sàng can thiệp thị trường vàng của NHNN, dù đã được thu hẹp, song mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, khoảng 14 - 15 triệu đồng/lượng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, NHNN cần phải tăng thêm nguồn cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới.