Khơi dậy sức mạnh văn hóa

“Quà tặng tâm hồn” cho trẻ vùng sâu

Trong số những món quà mà trẻ con vùng sâu nhận được, sách chính là điều các em trân quý nhất. Cho rằng trẻ con ở những nơi xa xôi “khát sách” không có gì là sai.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THPT Mang Thít - Vĩnh Long nhận quà sách. Ảnh: QUỐC HƯNG
Học sinh Trường THPT Mang Thít - Vĩnh Long nhận quà sách. Ảnh: QUỐC HƯNG

Nhà sách ít hơn quán game

Những vùng quê xa xôi rất hiếm nhà sách, còn quán game thì… nhiều. Vùng nông thôn, không phải ai cũng có máy tính, laptop riêng để trải nghiệm các hoạt động giải trí trên mạng. Thế nên các quán game vẫn luôn là điểm đến lý tưởng của mọi người, nhất là giới trẻ.

Ngoại trừ trung tâm thành phố hay trung tâm huyện có quy mô lớn thì những huyện nhỏ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa rất hiếm nhà sách. Trẻ muốn trải nghiệm đọc sách hoặc muốn tìm mua những tựa sách phù hợp lứa tuổi, nhu cầu của mình, phải đi xa. Những loại sách như truyện tranh, văn học, kỹ năng, ngoại văn... thường không có. Vì lẽ đó, nhà sách ở nông thôn hay thưa vắng những ngày thường.

Tại quê hương tôi - huyện U Minh, tỉnh Cà Mau - đi quanh quẩn trong trung tâm huyện chỉ có hai đến ba nhà sách nhỏ như Tú Trinh, Trường Kỷ (đều tọa lạc tại khóm 1, thị trấn U Minh). Hai nhà sách này đều bán sách giáo khoa cho học sinh, vài tựa truyện tranh như Doraemon, Conan… còn những loại sách khác thì vắng bóng. Bà Trinh (chủ cửa hàng sách, văn phòng phẩm Tú Trinh) chia sẻ: “Ở đây mà nhập các loại sách văn học, sách kỹ năng, ngoại văn về thì lỗ vốn, sách để lâu không ai mua sẽ cũ, đem thanh lý cho các nhà sách cũ không thu lại được bao nhiêu. Nhập sách giáo khoa và văn phòng phẩm về là an toàn nhất. Đó là những thứ cần thiết cho học sinh vào mùa tựu trường”.

Trong thư viện trường học vùng sâu, vùng xa, nguồn sách còn ít ỏi, kém đa dạng. Nhiều trường học chỉ có vài tủ sách, chủ yếu là sách giáo khoa và sách giáo viên, sách tham khảo phục vụ nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Sách giải trí thường ít, hoặc nếu có cũng chỉ là những đầu sách đã được phát hành từ lâu. Trường THCS Hoàng Xuân Nhị (ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), mặc dù có thư viện, nhưng sách ở thư viện lại “nghèo nàn”. Chúng tôi trở lại thăm mái trường xưa, chợt nhận ra những quyển sách mình đã đọc cách đây nhiều năm vẫn còn, còn những quyển sách mới đang “làm mưa làm gió” trên thị trường sách lại không xuất hiện. Vài trường tiểu học nhỏ trên địa bàn xã Nguyễn Phích hoàn toàn không có thư viện.

Câu trả lời trong tầm tay

Trẻ con cần đọc sách gì? Đó là câu hỏi không khó để trả lời, nhưng ít nhiều bị lãng đi ở những vùng sâu, vùng xa. Có nhiều loại sách rất cần cho trẻ như sách văn học, chủ yếu là văn học thiếu nhi. Thông qua những câu chuyện gần gũi, những bài thơ, các em sẽ có tính đoàn kết, tự lập, tình yêu thương, sự lễ phép… Sách về thế giới quanh ta, cỏ cây, hoa lá, muôn loài được viết dễ hiểu giúp các em biết thêm về thế giới tự nhiên. Những mẩu chuyện trong “Quà tặng cuộc sống”, “Hạt giống tâm hồn”, “Những tấm lòng cao cả”… sẽ giúp các em biết rung động, biết trao yêu thương và mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Những quyển sách phù hợp chính là “nguồn nước mát lành” tắm tưới tâm hồn của trẻ thơ.

Việc khơi dậy văn hóa đọc ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa là điều vô cùng cần thiết. Nhà trường là nơi thích hợp nhất để ươm mầm tình yêu sách cho học sinh, nhất là các em nhỏ đang dần hình thành những thói quen tốt, sẽ theo các em suốt quá trình trưởng thành. Lãnh đạo nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến thư viện, bên cạnh hoạt động giảng dạy. Thư viện cần được nâng cấp, không nhất thiết phải có các trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất cao cấp mà quan trọng hơn hết là việc bổ sung các tựa sách, đặc biệt là cập nhật nhanh chóng những tựa sách mới, để nguồn sách trở nên phong phú. Sách ở thư viện các trường vùng sâu, vùng xa nên được phân loại để học sinh thuận tiện hơn trong việc tìm những quyển sách phù hợp với nhu cầu cá nhân. Tủ sách truyện tranh, văn học, sách kỹ năng nhất định không thể thiếu bởi thông qua những quyển sách đó, học sinh có thể bồi đắp tâm hồn, tích lũy cho mình những bài học đáng quý trên bước đường phát triển bản thân.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức thêm những buổi chia sẻ, trò chuyện xoay quanh việc chọn sách để đọc, đọc như thế nào để đạt được hiệu quả. Thực trạng thường thấy ở các trường học vùng sâu, vùng xa là rất ít khi tổ chức những sự kiện liên quan đến sách, hoặc nếu có những sự kiện về văn hóa đọc thì cũng mang tính chất sơ lược, hình thức. Khi tình yêu sách trong các em được khơi dậy, nhu cầu đọc ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ học tập sẽ tăng lên, các nhà sách nơi xa xôi sẽ không ngại nhập về những tựa sách mới mẻ, phong phú. Văn hóa đọc sẽ nhờ đó bén rễ và phát triển mạnh ở nông thôn.

Mong việc đưa sách về vùng sâu, vùng xa sẽ còn phát triển để trẻ em nơi đó được tiếp xúc nhiều hơn với sách vở, nuôi dưỡng giấc mơ của mình.

Những năm gần đây, việc đưa sách về vùng nông thôn, tặng sách cho trẻ nghèo đang cho thấy ý nghĩa to lớn. Có thể điểm qua một số hoạt động như: “Sách hóa nông thôn”, “Tủ sách Lam Sơn” - ở Thanh Hóa, Thư viện ở vùng cao - của Hoa hậu H’Hen Niê… Gần nhất là dự án cộng đồng do Fellows (Giáo viên) từ Teach For Vietnam (TFV) khởi xướng, xây dựng “Không gian học tập cộng đồng Quế Sơn” (Quảng Nam) với mong muốn trở thành một nơi để các em học sinh hoạt động học tập, trải nghiệm, đọc sách.