Đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công

316 dự án, tiểu dự án nguồn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2024 là 0% tại 48 địa phương. Đây là những dự án mà Bộ Tài chính vừa công khai nhằm đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều vướng mắc trong triển khai dự án

Dự án đường hành lang kinh tế phía đông (đường tránh quốc lộ 19) thuộc tỉnh Gia Lai có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng được triển khai từ tháng 12/2022. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuy nhiên dự án đang bị chậm tiến độ do nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Quảng, Công ty CP xây dựng công trình 510 cho biết, quá trình triển khai vướng mắc nhất là việc giải phóng mặt bằng. Mỗi đầu cầu chỉ có 100 m thôi nhưng muốn hoàn thiện là phải có mặt bằng nhưng hiện vẫn chưa giải phóng được. Việc tìm kiếm nguồn đất để san lấp cũng gặp không ít khó khăn.

Hều hết các dự án đều gặp vướng mắc khi triển khai nhưng chậm được tháo gỡ khiến tiến độ hoàn thành không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn kéo dài nhiều

năm qua.

Chia sẻ về tiến độ của Dự án đường nối QL37, QL32C với đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ông Vũ Duy Kiên, Tư vấn trưởng gói 10 Dự án cho biết, tổng mức đầu tư dự án là hơn 400 tỷ đồng, gói xây lắp 230 tỷ đồng. Dự án dự kiến kết thúc vào ngày 30/4/2024, tuy nhiên đã chậm so với tiến độ hoàn thành 5 tháng. Thời điểm bàn giao mặt bằng trên toàn tuyến không đồng loạt, ban đầu chỉ được vài trăm mét. Trong quá trình thi công, lượng đá không đủ do việc nổ mìn hạn chế nhằm giảm ảnh hưởng hộ dân nên thời gian kéo dài.

Theo Bộ Tài chính, ước 4 tháng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023, bởi cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 7 bộ, cơ quan T.Ư và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Nhưng vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.

Điện Biên là tỉnh có số lượng dự án chưa giải ngân nhiều nhất, lên tới 105 dự án, tiếp đó là các tỉnh Sơn La là 22 dự án; Hòa Bình 18 dự án; Quảng Bình 13 dự án, Bắc Kạn 9 dự án; các tỉnh Đắk Nông, Nghệ An, Hà Tĩnh là 8 dự án; Bắc Giang, Quảng Trị, Bình Thuận, Hà Giang là 7 dự án…

Tỉnh Lâm Đồng dù chỉ có 6 dự án chưa giải ngân nhưng số vốn đầu tư địa phương triển khai năm 2024 chưa giải ngân đến ngày 30/4/2024 lên tới gần 1.076,955 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, nếu coi vốn đầu tư công là vốn mồi với tăng trưởng 1% từ khu vực này có thể thúc đẩy tăng trưởng 0,6% GDP, thì các địa phương, bộ, ngành cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai các dự án. “Tình trạng chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư công không chỉ gây ra lãng phí mà còn hạn chế cơ hội cho Việt Nam hướng tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn khi hạ tầng cứng vẫn chậm phát triển, hạn chế khả năng kết nối”.

Đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công ảnh 1

Trên công trường Dự án đường tránh quốc lộ 19 ở Gia Lai. Ảnh: BÁO ĐẦU TƯ

Cắt vốn dự án ì ạch

Đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức); nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7 - Nhà Bè); mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp)… là những dự án đang thi công bị UBND TP Hồ Chí Minh ra “tối hậu thư” đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư để hoàn thành trong năm 2024 này.

Đặt mục tiêu quý I/2024 giải ngân đầu tư công 12-15%, song TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 7%. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, thành phố cắt vốn những dự án chậm ngay từ quý I, chuyển vốn sang những dự án có tỷ lệ giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý các đơn vị chậm triển khai để bảo đảm tiến độ các công trình. Cần có sự giám sát chặt chẽ các dự án bằng việc báo cáo tiến độ hằng ngày.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, việc cắt vốn các dự án ì ạch là biện pháp cần thiết, bởi việc điều chuyển vốn sớm sẽ giúp các chủ đầu tư có thời gian đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào hoạt động, tránh lãng phí. Trong 4 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh đã điều chuyển vốn từ 63 dự án bị chậm sang 170 dự án có tỷ lệ giải ngân tốt.

TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị tham gia trong hoạt động đầu tư công của thành phố, đẩy mạnh phân công, ủy quyền gắn với trách nhiệm trong lĩnh vực do mình quản lý, thực hiện. Thành phố cũng tăng cường giám sát kế hoạch thực hiện theo cam kết của các đơn vị để xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém, chây ỳ, chậm tiến độ.

Năm 2024, TP Hồ Chí Minh được giao thực hiện đầu tư công 79.263 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2024, thành phố mới giải ngân được 7.988 tỷ đồng, đạt 10,1%. Để đạt được mục tiêu giải ngân từ 30% vào quý II và 70% vào quý III, thành phố sẽ tiếp tục rà soát và điều chuyển vốn nhằm đạt tỷ lệ giải ngân 95% vào cuối năm 2024.

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, địa phương nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, với phương châm không để "đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng", ngay từ đầu năm, tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình, dự án, gắn với giải ngân. Ước đến hết tháng 4/2024, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 1.600 tỷ đồng, đạt hơn 27% so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Công Việt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, công tác giải ngân cơ bản theo đúng tiến độ. “Để bảo đảm kế hoạch thì đối với những dự án có biểu hiện chậm tiến độ, chúng tôi kịp thời làm việc để tham mưu cho UBND tỉnh ra những chính sách tháo gỡ khó khăn ngay”, ông Việt chia sẻ.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, các đơn vị được giao số vốn lớn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, điều chuyển vốn giữa dự án khó khăn trong quá trình thực hiện sang các dự án triển khai thuận lợi, có khả năng giải ngân cao hoặc đề xuất bổ sung thêm vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt.

“Vướng mắc, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó; vướng mắc, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết; thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào thì ngành đó giải quyết” là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là tôn chỉ trong việc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95%. Các địa phương, bộ, ngành cần nhanh chóng vào cuộc để khơi thông vốn đầu tư công, nguồn "vốn mồi" kích thích đầu tư toàn xã hội, tạo động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.