Kết quả đột phá
Ngay trước thời hạn chót, Nhà trắng và các nhà đàm phán đã đạt một thỏa thuận trên nguyên tắc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút trong ngày 27/5 để thảo luận về thỏa thuận. Theo thỏa thuận, mức chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi đối với tài khóa hiện tại và tài khóa 2024. Nhóm đàm phán nỗ lực hoàn tất nội dung thỏa thuận và giới hạn ngân sách sau năm 2025.
Kết quả đột phá này đạt được sau cuộc đàm phán nước rút trước thềm hạn chót đạt thỏa thuận nâng trần nợ công vào tháng 6 tới. Trước đó, hai bên đều giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công. Họ cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid - chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất, cũng như các tập đoàn hiện được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Theo Tổng thống Biden, không nên trút toàn bộ gánh nặng lên tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động Mỹ.
Nợ công của Mỹ hiện ở mức 31.400 tỷ USD. Một số khoản thanh toán an sinh xã hội trị giá 25 tỷ USD đáo hạn vào ngày 2/6 tới có thể bị đình chỉ nếu Bộ Tài chính không có khả năng chi trả đúng hạn.
Tránh được kịch bản vỡ nợ
Việc Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp phe Cộng hòa đã đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công trước thời hạn chót đã giúp nước Mỹ tránh được kịch bản vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, Bộ Tài chính ước tính sẽ không còn nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ của Chính phủ nếu Quốc hội không nâng trần nợ công trước ngày 5/6.
Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre cảnh báo, kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc khi kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo. Trước đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ . Cụ thể, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Mỹ ở mức AAA trong Danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực. Fitch nêu rõ, mức xếp hạng AAA phản ánh tình trạng chia rẽ đảng phái gia tăng ảnh hưởng việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay, cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ vào năm sau. Theo IMF, tăng trưởng GDP thực của Mỹ trong năm nay dự kiến đạt 1,7%, cao hơn so mức dự báo 1,6% đưa ra hồi đầu năm, trước khi giảm xuống 1% vào năm 2024. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, kinh tế Mỹ đã cho thấy sự phục hồi. Theo bà Georgieva, “thị trường tài chính Mỹ như mỏ neo của hệ thống tài chính toàn cầu và mỏ neo này cần phải được giữ vững”.