Đầu tháng 2 năm nay, tức là sau gần chín năm, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96). Đây là một chủ trương quan trọng, thể hiện rõ những đổi mới trong phương thức đánh giá cán bộ, xử lý kịp thời những bất cập trong công tác cán bộ hiện nay.
Quy định 96 có những điểm mới nổi bật về lấy phiếu tín nhiệm, thể hiện sự quyết liệt, tinh thần thẳng thắn, quyết tâm của Đảng ta trong công tác cán bộ. Đó là mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, qua đó góp phần đánh giá bao quát hơn, trên quy mô rộng hơn mức độ tín nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy định làm rõ hơn mục đích của lấy phiếu tín nhiệm, đó là: thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ…
Quy định 96 mở rộng nội dung của lấy phiếu tín nhiệm, làm rõ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó, nêu rõ: Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách… Đồng thời quy định cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm, góp phần khắc phục tính hình thức của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ trương, quy định của Đảng ta đã rất rõ ràng, với những nội dung cụ thể, chặt chẽ về quá trình lấy phiếu tín nhiệm. Trách nhiệm để quy định này phát huy hiệu quả tốt trong thực tế thuộc về các cơ quan, tổ chức, người được lấy phiếu tín nhiệm và người bỏ phiếu. Trong đó, người được lấy phiếu phải báo cáo đầy đủ công việc của mình, cung cấp trung thực, chính xác những thông tin liên quan. Các cơ quan, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cần tuân thủ nghiêm túc quy trình về lấy phiếu, xác minh thông tin người được lấy phiếu, tránh tình trạng tiếp nhận hình thức hoặc có biểu hiện che đậy.
Nhân tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn chất lượng lấy phiếu tín nhiệm chính là người bỏ phiếu. Mỗi người phải xác định đây là lá phiếu thể hiện tinh thần xây dựng Đảng, là trách nhiệm với Đảng, với nhân dân chứ không phải là lá phiếu của cá nhân mang suy nghĩ, định kiến chủ quan. Lá phiếu tuy chỉ là tờ giấy mỏng nhưng lại có sức nặng không nhỏ trong việc đánh giá uy tín, năng lực của cán bộ lãnh đạo. Vì vậy, thái độ khách quan, công bằng, không lợi ích cục bộ, không mang nặng yếu tố cá nhân sẽ có vai trò quyết định trong sự chính xác, công tâm của lá phiếu.
Trước khi Quy định 96 được ban hành, vào tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là hai nội dung quan trọng và có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong thực tế, có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo dễ bị "mất phiếu" bởi đôi khi sự đổi mới đang trong quá trình khẳng định giá trị lại rất có thể gây mất lòng, thậm chí ảnh hưởng lợi ích nhiều người… Những cán bộ lãnh đạo các cơ quan, tổ chức thường xuyên đối mặt giải quyết các vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm cũng có thể ‘thiệt thòi" trong đánh giá, nhìn nhận.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Quy định 96 hướng tới là quyết liệt khắc phục hiện tượng cán bộ uy tín thấp, năng lực kém, nhưng vẫn "vững vàng" trên vị trí hiện tại, thậm chí có thể phát triển cao hơn… Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ chốt tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức.