Kim ngạch xuất khẩu, biên lợi nhuận giảm
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản xuất thủy sản quý III và tháng 9/2023 duy trì tăng trưởng ổn định. Sản lượng thủy sản quý III/2023 ước đạt 2.520,2 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: cá đạt 4.859 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 957,4 nghìn tấn, tăng 4,2%; thủy sản khác đạt 980,4 nghìn tấn, tăng 1,6%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của năm 2023 đang thấp hơn nhiều so với năm 2022. Xuất khẩu các sản phẩm như mực, bạch tuộc, cua - ghẹ, nhuyễn thể có vỏ thấp hơn cùng kỳ, với mức giảm từ 6-12%. Tính tới hết tháng 9, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ… Tương tự, xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sự sụt giảm liên tục trong giai đoạn đầu năm khiến lũy kế chín tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23%, đạt 623 triệu USD.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên. Do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD. Nhưng con số này thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của năm 2022.
Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín dụng FiinRatings, những khó khăn trong năm 2023 một phần đến từ những vướng mắc đã có từ năm 2022 như biên lợi nhuận thấp, khó hút vốn, chi phí sản xuất tăng cao...
Nhìn lại năm 2022, mặc dù có mức tăng trưởng xuất khẩu và doanh thu rất lớn nhưng biên lợi nhuận gộp của cả ngành thủy sản chỉ tăng nhẹ, thậm chí có xu hướng giảm ở các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản biển phục vụ xuất khẩu. Giai đoạn năm 2019 - 2022, biên lợi nhuận gộp của ngành thủy sản dao động quanh mức 7% và đạt 8% trong năm 2022. Ngành nuôi trồng thủy sản biển có biên lợi nhuận dao động quanh mức 28% giai đoạn 2018 - 2021, đã giảm xuống còn 17% trong năm 2022.
Mức biên lợi nhuận gộp thấp của ngành thủy sản chủ yếu do tỷ trọng chi phí đầu vào rất lớn. Biên lợi nhuận gộp thấp làm giảm sức hấp dẫn và khiến ngành khó thu hút được cả nguồn vốn đầu tư lẫn vốn vay.
Tiếp theo là sự gia tăng chi phí sản xuất của ngành càng được phản ánh rõ thông qua xu hướng tăng liên tục của chỉ số giá sản xuất từ năm 2020 tới đầu năm 2023. Giá sản xuất ngành thủy sản tăng mạnh vào cuối năm 2022 với chỉ số giá sản xuất năm 2022 đạt mức 111% so với năm 2021. Xu hướng tăng này vẫn tiếp tục duy trì vào nửa đầu năm 2023 khi chỉ số giá sản xuất sáu tháng đầu năm 2023 ở mức 106% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cả các hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản cao, chi phí logistics gia tăng từ năm 2022 hay chi phí nhân công là các nhân tố khiến các chi phí sản xuất chế biến thủy sản luôn ở mức cao.
Cần nhiều biện phá pchính sách và nỗ lực của doanh nghiệp
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Đầu tiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước. Hai nhân tố trên đã tác động làm giảm giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD trong năm 2022 về còn giá trị ước tính là 9,2 tỷ USD trong năm 2023.
Trong bối cảnh giá xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu quốc tế giảm, ngành thủy sản Việt Nam cũng cần phải giải quyết vấn đề hàng tồn kho nội địa cao của năm 2022. Theo nhận định của FiinRatings, bình quân tồn kho ước tính đã tăng tới gần 30%, từ 4,4 tỷ VND lên hơn 5,6 tỷ VND vào cuối thời điểm năm 2022. Tình trạng hàng tồn kho cao trong khi thời gian luân chuyển hàng tồn kho chậm có thể dẫn tới chi phí lưu trữ bảo quản tăng thêm.
Hiện tại, những khó khăn đối với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở khâu bán hàng, việc tìm kiếm nguồn vốn, đặc biệt là vốn vay cũng đang đặt ra một số trở ngại nhất định cho ngành thủy sản. Tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản luôn ở trên mức 50% và tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn chủ sở hữu ngành thủy sản có xu hướng giảm trong giai đoạn 2018 - 2022. Điều này cho thấy vốn chi dài hạn cho doanh nghiệp thủy sản thường là vốn tự có. Cuối năm 2022 tới nửa đầu năm 2023, việc lãi suất tăng cao cùng với chính sách thắt chặt tín dụng khiến cho các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn trong duy trì sản xuất - xuất khẩu. Do khó tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp chưa thể đầu tư phát triển công nghệ để giải quyết bài toán năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Để tháo gỡ các khó khăn nhằm phục hồi xuất khẩu cho ngành thủy sản, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn tài chính, tìm các nguồn vốn dài hạn để tập trung nghiên cứu phát triển, đầu tư vào công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu và giảm được áp lực giá bán.
Từ phía cơ quan quản lý, việc tăng tốc thực thi các biện pháp cụ thể để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thủy sản là cực kỳ quan trọng. Điều này bao gồm việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu cấp vốn, tối ưu hóa chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Đồng thời, tích cực thúc đẩy xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, cải thiện hiệu suất và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng là các biện pháp hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai.