Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh

Quyết tâm hành động của một Chính phủ kiến tạo thể hiện rất mạnh mẽ qua việc ban hành các quyết sách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, trong đó có việc củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, phát huy vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất động sản giảm sút khiến các doanh nghiệp phát hành gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NAM ANH
Thị trường bất động sản giảm sút khiến các doanh nghiệp phát hành gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NAM ANH

Từ tiềm ẩn rủi ro…

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hình thành từ những năm 2000 nhưng chỉ thật sự định hình kể từ khi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN có hiệu lực. Theo thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong giai đoạn 2016-2020, thị trường TPDN là hợp phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường tài chính. Tổng khối lượng TPDN phát hành trong giai đoạn này ước tính khoảng 1.224.000 tỷ đồng, bình quân gần 239 nghìn tỷ đồng/năm; gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ thì nguồn vốn trái phiếu là một giải pháp cho doanh nghiệp, dẫn tới TPDN phát hành riêng lẻ tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong hai năm 2020 và 2021, khối lượng phát hành lần lượt gần 462.000 tỷ đồng và 658.000 tỷ đồng. Mặc dù phải chịu lãi suất cao, trung bình khoảng 10%/năm nhưng các doanh nghiệp vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu, dẫn tới quy mô trái phiếu ngày càng lớn.

Nhận thấy thị trường trái phiếu bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ tác động đến sự an toàn của hệ thống tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt qua Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 và số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 để chấn chỉnh thị trường TPDN. Các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... cũng nhanh chóng vào cuộc để kiểm soát rủi ro, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực TPDN nói riêng và chứng khoán nói chung.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện là nhằm chấn chỉnh, tăng tính an toàn cho thị trường, đồng thời chỉ đạo đề ra các biện pháp nhằm phát triển thị trường TPDN lành mạnh, an toàn, hiệu quả là rất kịp thời và cần thiết, bảo đảm không tạo ra những rủi ro lớn cho hệ thống tài chính và xử lý các vấn đề tồn tại đối với TPDN đã phát hành. Sau các vụ xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phát hành và sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn, phát hành TPDN đột ngột giảm tốc. Khối lượng phát hành năm 2022 là 255.000 tỷ đồng. Tháng 1/2023, thị trường chỉ có một đợt phát hành thành công với giá trị huy động 110 tỷ đồng, tháng 2/2023 chỉ có 3 lô trái phiếu phát hành thành công, tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.

Để củng cố hành lang pháp lý cho thị trường TPDN, ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 65). Theo đó, Nghị định 65 đã bổ sung những khía cạnh pháp lý, khắc phục những điểm chưa hoàn thiện của các quy định trước đó về TPDN.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường TPDN đang gặp rất nhiều bất lợi. Từ cuối năm 2022 và sau đó, lượng TPDN đáo hạn quy mô lớn gây nên áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, các thị trường trọng yếu đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường bất động sản giảm sút nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khách quan, kết hợp với các nguồn vốn khác đều eo hẹp.

… đến hành động kịp thời

Thực tế, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có các giải pháp phù hợp hỗ trợ, củng cố hoạt động các thị trường, trong đó có thị trường TPDN và thị trường bất động sản, vốn là những thị trường có mối quan hệ cộng sinh sâu sắc. Bên cạnh việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 08), nhằm khắc phục những bất cập trong các quy định trước đây.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Nghị định 08 đã mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp không rơi vào ngõ cụt. Nghị định cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán với trái chủ để gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu lên tối đa hai năm. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dùng tài sản để thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu, dựa trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải bảo đảm tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin liên quan.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Nghị định 08 được ban hành đã thể hiện sự phản ứng linh hoạt chính sách, phù hợp các điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam, nhất là sau biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và trong nước, những khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và những biến động về địa chính trị. Theo một số chuyên gia, Nghị định 08 đã luật hóa việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc và lãi trái phiếu, cũng như việc dùng tài sản để thay thế nghĩa vụ nợ trên cơ sở pháp luật dân sự. Đây là một điểm rất quan trọng nhằm hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng đang đầu tư TPDN.

Gần đây nhất, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Nghị quyết 33). Một trong những nhóm giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 33 là tháo gỡ khó khăn cho nguồn vốn TPDN, bao gồm các giải pháp cụ thể: Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu); Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN; Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường TPDN một cách an toàn, lành mạnh, bền vững.