Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, dân số thế hệ Z - những người sinh vào khoảng 1998-2012, đang trong độ tuổi lao động (15-24 tuổi) là khoảng 13 triệu người trong năm 2019, chiếm khoảng 19% số lượng trong độ tuổi lao động. Dự đoán đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần một phần ba dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.
Thế hệ Z quen thuộc nhanh với công nghệ nhưng chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần thiết để theo kịp yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả là chúng ta đang chứng kiến những người trẻ đang đi làm thêm những công việc bán thời gian như chạy xe công nghệ, làm nghề phục vụ không chuyên ở các quán xá... hoặc những công việc có nguy cơ tự động hóa cao hơn các nhóm độ tuổi lao động khác. Trong tương lai, đây là những nhóm ngành nghề không mang lại nhiều giá trị cho xã hội.
Để tận dụng lợi thế của lực lượng lao động trẻ, chúng ta phải giải quyết vấn đề khoảng cách giữa kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động. Khoảng cách kỹ năng sẽ ngày càng lớn hơn do thế hệ Z gia nhập thị trường lao động ở thời điểm công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Giải bài toán này cần phải có sự kết hợp của gia đình-nhà trường-doanh nghiệp-Nhà nước và các đơn vị tổ chức thúc đẩy phát triển.
Thực tế cho thấy, hiện tại nhiều gia đình vẫn giữ tư duy cố hữu là phải cho con đi học đại học. Phụ huynh có con đỗ đại học thường phải chu cấp cho con cái trong ít nhất là bốn năm. Điều này vừa là gánh nặng kinh tế trong gia đình vừa gây ra sự mất cân đối trong thị trường lao động. Để thay đổi hiện trạng này cần thay đổi tư duy từ các bậc phụ huynh, tìm cách để họ đồng hành cùng các mục tiêu của nhà trường, hiểu được mục tiêu học tập không chỉ thuần túy là ở cấp bậc mà phải khiến cho con cái nuôi dưỡng thói quen tự học để có thể bắt kịp với phát triển của xã hội, với yêu cầu công việc liên tục phát triển trong suốt hành trình sự nghiệp của thị trường lao động trong tương lai.
Về phía nhà trường, thay vì tập trung vào sự xuất sắc trong học tập thì cần chuyển trọng tâm sang việc hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành để xác định lại sự sẵn sàng trong nghề nghiệp, để truyền đạt các kỹ năng phù hợp cho sinh viên trong thị trường lao động. Ở các cấp bậc như trung học cơ sở, trung học phổ thông cần coi việc giảng dạy nghề cho học sinh là một vấn đề quan trọng chứ không nên để việc học nghề chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Hiện, đã xuất hiện những trường dạy nghề cho phép học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở được phép vừa học trung học phổ thông vừa học nghề. Chúng ta cần nhân rộng những mô hình như vậy.
Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau cũng cần hợp tác với nhà trường, với các tổ chức giáo dục để cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao khả năng phát triển năng lực cho học viên. Đồng thời, ưu tiên các chương trình dạy nghề và giáo dục đúng trọng tâm, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp. Nhà trường cần phát triển mô hình học tập linh hoạt, phù hợp với mô hình làm việc trong tương lai. Quan trọng nhất là phát triển thói quen học tập liên tục và suốt đời của thế hệ Z. Song song với những điều trên, cần kết nối trường học với các tổ chức giáo dục trên thế giới, tạo cầu nối giữa văn bằng chứng chỉ quốc gia với quốc tế để năng lực của học viên được công nhận trên toàn cầu.
Cùng với những giải pháp nêu trên, các nhà quản lý vĩ mô có thể hợp tác với các doanh nghiệp và đơn vị trong nhiều ngành để hiểu rõ hơn về nhu cầu công việc trong tương lai và ban hành các chính sách để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Các chính sách định hướng này sẽ mang lại lợi ích cho các trường học và cơ sở đào tạo khi thiết kế các chương trình giảng dạy để giải quyết khoảng cách giữa cung và cầu về năng lực của lực lượng lao động.
Các tổ chức hỗ trợ, phát triển cần phải thúc đẩy tầm nhìn, thiết lập các cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc làm, tăng cường các lĩnh vực được chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng một lộ trình toàn diện và chi tiết để phát triển các năng lực mục tiêu của người lao động bao gồm: đào tạo năng lực phù hợp với sự phát triển vai trò công việc; xác định rõ các mốc quan trọng và nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu đã xác định; áp dụng cách tiếp cận cá nhân hóa để động viên và hỗ trợ người lao động khi họ tham gia học tập nâng cao năng lực.
Cuối cùng, để thay đổi hiện trạng của thị trường lao động phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề mấu chốt vẫn là tư duy của thế hệ Z. Họ cần tự xác định được các năng lực mình cần có, tập trung xây dựng chúng và hiểu được cách sử dụng chúng thế nào cùng với xu thế công nghệ đang phát triển và thay đổi liên tục như hiện nay.