Bộ Công thương đánh giá, sản xuất công nghiệp cho thấy xu hướng tích cực, tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) liên tục ở mức hơn 50 điểm. Đặc biệt vào thời điểm giữa quý III, các điều kiện về sản lượng và đơn hàng gia tăng đáng kể, áp lực lạm phát đã nhẹ bớt... cho thấy "sức khỏe" lĩnh vực sản xuất cải thiện tích cực.
Nỗ lực giữ nhịp tăng trưởng
Tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, những tháng đầu năm 2024, Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng đẩy mạnh việc thực hiện những dự án ở nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ… Cùng với đó, doanh nghiệp chú trọng đầu tư máy móc, đào tạo nhân lực có tay nghề để sẵn sàng cho các đơn hàng lớn.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, bên cạnh việc tập trung sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn bám sát các diễn biến của thị trường, đặc biệt là các động thái chính sách của Việt Nam và các thị trường mục tiêu.
“Tìm kiếm thị trường mới đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm được xu hướng, tạo ra những dòng sản phẩm mới đặc biệt hướng tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững theo xu hướng thế giới. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách để gắn kết lâu dài với khách hàng lớn là rất quan trọng”.
Nhiều doanh nghiệp nhận định, thời điểm này là hết sức quan trọng để tập trung nguồn lực gia tăng đơn hàng, mở rộng sản xuất bởi đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là xu hướng giảm bớt áp lực lạm phát tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, tồn kho cũng giảm dần, đặc biệt các thị trường sắp bước vào mùa tiêu dùng cuối năm.
Nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu bằng những chiến lược đa đạng, linh hoạt trong việc tiếp cận khách hàng là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện.
Theo ông Đỗ Hoàng Trung, Chủ tịch HĐQT Idea Group, thị trường luôn là thách thức, cũng là chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp nhằm tìm ra những giải pháp linh hoạt nhất, phù hợp với từng giai đoạn của thương mại toàn cầu. Hiện, nhiều thị trường truyền thống có thể gặp khó về sức mua. Vì vậy, doanh nghiệp đang tập trung vào các đối tác có lượng tiêu thụ lớn để đáp ứng sự phục hồi của hoạt động sản xuất thông qua chiến lược đa dạng hóa thị trường bằng các sản phẩm mới với chất lượng tốt nhất.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh cho rằng, bối cảnh hiện nay buộc doanh nghiệp phải tăng năng lực cạnh tranh bằng việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, sử dụng các nguyên liệu sản xuất xanh, giảm phát thải. Đây cũng là một thách thức mà các doanh nghiệp công nghiệp phải vượt qua để chinh phục thị trường và khách hàng.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng 7-8%
Bộ Công thương cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực, theo đó, mục tiêu tăng trưởng IIP 7-8% trong năm 2024 có thể đạt được.
Tuy nhiên, Bộ đánh giá tình hình phát triển sản xuất và thương mại những tháng cuối năm cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức như: tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; diễn biến lạm phát và triển vọng hạ lãi suất của FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) chưa rõ ràng; tăng trưởng thương mại toàn cầu hồi phục nhưng chưa thể trở lại mức trước đại dịch; xung đột địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của một số đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam…
Vì vậy, Bộ Công thương cũng đưa ra 4 kế hoạch, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp năm 2025, cụ thể:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài. Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.
Thứ tư, tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô-tô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.