Phát triển điện gió ngoài khơi

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi, có thể lên tới 160 GW và đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển 7 GW, công suất có thể cao hơn nếu điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép. “Để hiện thực hóa được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh. Tuy nhiên, cả giới chuyên gia và nhà đầu tư đều lo lắng khi vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ cho loại hình năng lượng này phát triển.

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: EVN
Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: EVN

Vẫn “trống” chính sách

Tại cuộc hội thảo “Ảnh hưởng của xu hướng giá thành điện gió ngoài khơi thế giới đến Việt Nam” mới đây, đại diện Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết, với kinh nghiệm là quốc gia hàng đầu về điện gió ngoài khơi, để hoàn thành một dự án điện gió ngoài khơi nhà đầu tư phải mất trung bình tám năm để thực hiện. Bắt đầu từ việc chấp thuận đầu tư đến khi công nhận ngày vận hành thương mại, trong điều kiện thuận lợi, không có các rào cản.

Thông tin này đã khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng khi từ nay đến năm 2030 (thời điểm phải đạt mốc 7 GW) chỉ còn tám năm, nhưng chính sách “vẫn chưa rõ ràng” cho việc bắt đầu phát triển loại hình năng lượng này. Ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia COP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió La Gàn bày tỏ: “Chúng ta đã có mục tiêu, nhưng mục tiêu đấy triển khai như thế nào, lộ trình, hợp đồng mua bán điện ra sao thì chưa rõ ràng. Nếu không có sự bảo đảm nhất định, sẽ rất khó để thực hiện”.

Không chỉ lo lắng về chính sách còn “trống”, vị này còn băn khoăn “liệu khi dự án hoàn thiện, lưới điện có sẵn sàng để truyền tải công suất, truyền tải được bao nhiêu... khi việc đầu tư lưới điện để đáp ứng yêu cầu truyền tải đến năm 2030 cũng cần con số lớn”.

Với kinh nghiệm 20 năm phát triển điện gió ngoài khơi tại Anh và Nhật Bản, ông Stuart Livesey thẳng thắn, chính sách và quy trình rõ ràng có thể giúp các dự án phát triển theo đúng tiến độ đặt ra với chất lượng cao. “Sự thiếu rõ ràng trong chính sách và những rủi ro khác sẽ dẫn đến việc gia tăng chi phí, nguyên nhân là do các nhà đầu tư phải dự phòng một khoản ngân sách lớn cho các rủi ro trong trường hợp dự án bị đình trệ hoặc hủy bỏ. Đáng ngại nhất là vấn đề nâng cấp lưới điện”, ông Stuart Livesey nói. Ngoài ra, nhà đầu tư này cũng cho rằng, điện gió ngoài khơi đòi hỏi các khoản đầu tư lớn, do đó cần một hợp đồng mua bán điện (PPA) có khả năng giải quyết được các vấn đề liên quan như: Cắt giảm công suất phát lên lưới điện, khoản thanh toán khi chấm dứt PPA, cơ quan giải quyết tranh chấp…

Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Công ty ørsted khẳng định, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi thuộc nhóm “tốt nhất châu Á” và chúng ta đang có nhiều thuận lợi để phát triển loại năng lượng này. Bởi, biểu giá điện gió ngoài khơi  đã gần cạnh tranh với các dự án nhiệt điện, trong khi chi phí sản xuất điện từ nguồn nhiệt điện dự kiến sẽ tăng, còn chi phí của điện gió ngoài khơi  sẽ giảm, như thực tiễn công nghệ đã được chứng minh ở châu Á, châu Âu và Mỹ… Điều đáng nói, điện gió ngoài khơi  mang lại lợi ích kinh tế địa phương đáng kể, khi điện gió ngoài khơi  là nguồn năng lượng nội địa đáng tin cậy, quy mô lớn, có thể tiết kiệm cho Việt Nam hàng tỷ USD từ nhiên liệu nhập khẩu như điện than, điện khí. Điểm nhấn nữa, điện gió ngoài khơi  sẽ là trung tâm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cách thức hiệu quả về chi phí…

Phát triển điện gió ngoài khơi -0
Nhiều dự án điện gió đang được triển khai. 

“Rối” ở đâu?

Cơ quan quản lý cho biết, hai vấn đề lớn còn chưa có lời giải rõ ràng. Đầu tiên chính là Quy hoạch không gian biển. “Vấn đề ở chỗ giải quyết khung pháp lý thì ai là thẩm quyền quyết định, vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng...”, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhìn nhận. Theo ông Hùng, nếu kế hoạch triển khai chậm sẽ làm giảm hiệu quả của Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, cũng cần phải hoàn thiện khung pháp lý cho quy hoạch này. Thực tế, điện gió ngoài khơi  có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, ở chỗ phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn. Đây cũng là vấn đề cần tìm ra giải pháp sớm.

Vấn đề thứ 2 nằm ở chỗ đấu nối nguồn điện lên hệ thống điện quốc gia. Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Viện Năng lượng cho biết, hiện vẫn chưa có quy hoạch hệ thống tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án điện gió ngoài khơi  để giảm tác động đến hệ sinh thái, giao thông vận tải biển và sinh kế ngư dân. Do vậy, cần có nghiên cứu sâu hơn, đưa các tuyến cáp như “hành lang cao tốc”, chứ không thể chạy loạn dưới biển. Bên cạnh đó, do còn chưa xác định được rõ nét dự án điện gió ngoài khơi  nào sẽ được cấp chủ trương đầu tư, dẫn tới sự bị động trong đầu tư nâng cấp lưới điện đồng bộ với dự án. Ngoài ra, phạm vi nghiên cứu đầu tư, đấu nối giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ra sao để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; các ràng buộc đầu tư lưới điện và dự án điện gió ngoài khơi để đồng bộ với nhau. Cuối cùng là thủ tục đầu tư và cấp phép dự án vẫn còn nhiều phức tạp vì sự chồng chéo về quản lý giữa nhiều bộ, ngành quản lý dự án, như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, các tỉnh có dự án vẫn còn chưa thống nhất, dẫn tới nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện đầu tư.

Ông Cường nhấn mạnh: “Quy trình, thủ tục đầu tư còn phức tạp, sự chồng chéo về quản lý giữa các bộ, ngành địa phương đối với vùng biển, dẫn tới thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài và tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện”.

Quyết tâm đột phá

Với khoảng thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu đạt 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá: “Chúng ta sẽ đi trên vai người khổng lồ, quyết tâm đột phá, chúng ta phải bắt tay vào triển khai mới có thể đạt được mốc quy hoạch đến năm 2030”. Theo ông Hùng, Luật Điện lực đang được sửa đổi là đột phá của Chính phủ, thực hiện xã hội hóa cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải. Bộ đã họp với các đơn vị, góp ý kiến cho các văn bản hướng dẫn. Hiện nay, một số nhà đầu tư tư nhân đã tham gia đầu tư lưới như Trung Nam, Xuân Thiện,... nhưng trục xương sống truyền tải liên miền, liên vùng vẫn phải do Nhà nước, còn lại các nhánh đấu nối từ các trung tâm nguồn điện, hoặc vị trí không ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh thì có thể xem xét, hướng dẫn tư nhân đầu tư.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện các công việc cần làm để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi  như: Quy hoạch điện VIII sớm được phê duyệt (hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch); Sau khi được duyệt, Bộ Công thương còn chuẩn bị kế hoạch thực hiện. Bộ Công thương đang rất nỗ lực hoàn thiện quy hoạch, khung pháp lý, đấu thầu dự án...