Phát triển dịch vụ văn hóa, giải trí Hà Nội (kỳ 1)

Xã hội phát triển đem lại cho người dân điều kiện sống ngày một nâng cao. Theo đó, không chỉ những nhu cầu vật chất, mà đời sống tinh thần cũng ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những bất cập, mất cân đối giữa đời sống giải trí, văn hóa thường thức với khả năng đáp ứng, định hướng phát triển các dịch vụ này.
0:00 / 0:00
0:00
Cần phát triển nhiều hơn các không gian văn hóa phục vụ công chúng. Ảnh: KHIẾU MNH
Cần phát triển nhiều hơn các không gian văn hóa phục vụ công chúng. Ảnh: KHIẾU MNH

Kỳ 1: Chưa đáp ứng được nhu cầu cộng đồng

Các hoạt động văn hóa nói chung cần có sự liên kết của nhiều bộ, ban, ngành để phát triển, quản lý. Với mục tiêu phát triển du dịch là ngành kinh tế mũi nhọn cũng như nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, Hà Nội cần lập quy hoạch và phát huy mạnh mẽ các cơ chế cho vấn đề này.

Bức thiết là lẽ tự nhiên

Dạo quanh một vòng khu nội đô Hà Nội lúc 18 giờ, các nhà hàng, quán ăn đã bắt đầu rục rịch có khách, hình thức vô cùng đa dạng, từ bia hơi vỉa hè, cho đến nhà hàng sang trọng đều tấp nập người ra vào. Đối với nhiều người, sau mỗi giờ làm việc căng thẳng, việc được ngồi lại ăn uống với bạn bè là cách xả hơi hiệu quả, phổ biến nhất. Sau mỗi bữa ăn đó, người dân cũng có không ít lựa chọn giải trí, có nhóm sẽ tìm những quán hát karaoke, quán bar; có nhóm nhẹ nhàng hơn, sẽ chọn rạp chiếu phim, nhạc kịch, cà-phê… Trong ngày, người ta đến với bảo tàng, các di tích văn hóa.

Em Vũ Thảo My (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Trung bình một tuần bọn em tụ họp hai lần. Hình thức giải trí thì rất nhiều, nhưng những ngày trong tuần thường chỉ xem phim, cà-phê, những hình thức giải trí, thư giãn nhẹ nhàng để hôm sau còn đi làm, đi học. Cuối tuần thì sẽ lên những nơi náo nhiệt hơn như quán bar hay đi hát karaoke chẳng hạn”. Theo một khảo sát nhỏ do phóng viên Thời Nay thực hiện về hoạt động vui chơi giải trí hiện nay, 85% của 300 người được hỏi ở tất cả các quận của Hà Nội cho biết sẽ gặp gỡ bạn bè từ 1-2 lần/tuần để giải tỏa áp lực hoặc vui chơi giải trí đơn thuần. Nhất là những người trong độ tuổi từ 18-35. Thực tế cho thấy nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân là rất lớn.

Tuy nhu cầu của người dân cao là vậy, thế nhưng các khu vui chơi, giải trí hiện nay ở Hà Nội được đánh giá là đang chủ yếu ở bốn quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Thực tế này khiến cho số lượng người dân tập trung lên các khu vực này rất đông, đặc biệt là cuối tuần. Trung tâm phố đi bộ hồ Gươm, trung bình trong ba ngày cuối tuần, số khách trong và ngoài nước có thể lên đến 50 nghìn lượt. Trong đó, các phố đi bộ khác lại có số lượng kém hơn rất nhiều, như phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) chỉ với vài nghìn lượt khách trong hai ngày cuối tuần. Trong khi đó con phố này cách Hồ Gươm chỉ vài cây số. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), trung bình một tuần, tuyến phố thu hút từ 10 nghìn đến 15 nghìn lượt khách.

Trong khảo sát của phóng viên, có đến 60% số người được hỏi ở các quận thuộc Hà Nội thường xuyên lên khu vực trung tâm Hoàn Kiếm để giải trí, 30% không thường xuyên và 10% không lên bao giờ. Mặc dù tại địa phương sinh sống không thiếu các trung tâm thương mại (TTTM), khu vui chơi, các nhà hàng, quán xá, dịch vụ karaoke... “Nhà em cách TTTM Aeon Mall Hà Đông 3km, nhưng từ khi khai trương, em vào được hai lần, còn toàn thấy các mẹ vào đi siêu thị. Bọn em hầu hết toàn hẹn nhau trên Hoàn Kiếm, hoặc khu Ba Đình”, Nguyễn Hoàng Việt (25 tuổi, quận Hà Đông) nói. Một ý kiến khác của anh Hoàng Trung Kiên (30 tuổi, Hà Đông) cho rằng, “có khu TTTM này cũng tiện, nhưng bạn bè mình hầu hết ở Ba Đình rồi Đống Đa, mỗi lần hẹn nhau đều “chê” dưới này xa nên có muốn gặp mình lại lên đó thôi. Ở đây mình hay cho gia đình ra chơi vào tối, cuối tuần mình cũng lại cho con lên trên phố đi bộ Hoàn Kiếm chơi, loanh quanh ở nhà cũng chán”.

Điều này không phủ nhận tính hiệu quả mà các TTTM, các khu vui chơi của từng khu vực mang lại. Nhưng khu phố cổ Hà Nội hay các khu vui chơi của các quận nội thành từ rất lâu đã là điểm đến “uy tín” của người dân Thủ đô, phần lớn du khách trong và ngoài nước vẫn đổ dồn về đây, nơi đã “ăn” vào ký ức, thói quen của người dân. Điều này cũng dễ hiểu bởi phố cổ có nhiều hoạt động hơn, đồ ăn ngon, đông đúc, vui tươi hơn… Tuy nhiên điều đó cũng dẫn tới bất cập, dẫn đến tình trạng mất cân bằng trên địa bàn Thủ đô.

Hiện nay, nhiều khu chung cư, nhà ở đang mọc lên như nấm sau mưa ở các quận mới, ở khu vực ngoại thành. Đi kèm với dịch vụ nhà ở cũng phải có dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ người dân. Do đó, người dân cũng như nhiều chuyên gia đô thị, xã hội học, văn hóa cho rằng, cần có định hướng của chính quyền và tập trung phát triển bền vững, quy củ dịch vụ ở các khu vực này, cộng thêm việc chủ động kích thích nhu cầu liên tục nhằm giữ chân người dân và du khách. Đặc biệt khi các hoạt động giải trí về đêm, vốn đang kém hẳn so khu vực nội đô.

Dịch vụ giải trí đặc thù suy yếu, bất cập

Vào các tháng cuối năm, đang diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa, nghệ thuật và được đẩy mạnh vào ban ngày. Nhưng sau 19 giờ, các cơ sở giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường lại hoạt động mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây chính các hoạt động này cũng đang gặp khó khăn do nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và của khiến nhiều quán karaoke không đáp ứng được các quy định về phòng, chống cháy nổ buộc phải đóng cửa để cải tạo theo đúng quy định. Được biết, hầu hết các mô hình quán karaoke được cải tạo từ nhà ở thông thường, thế nên để đạt tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy là rất ít.

Theo TS Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay ở các địa phương đều đã có quy hoạch về hoạt động karaoke, tuy nhiên người dân có tâm lý thích sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí ở khu vực trung tâm, nơi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, lịch sử, điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu nhất. TS Quảng đề xuất, trong tương lai, Hà Nội cần có quy hoạch đối với dịch vụ karaoke, vũ trường. Vấn đề là cần làm rõ cơ sở kinh doanh karaoke cần bảo đảm những vấn đề gì, yêu cầu về kỹ thuật, xây dựng, an toàn cháy nổ, trật tự xã hội… ra sao.

Đặc biệt, cần quy định rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không được sử dụng nhà ở bình thường và cần bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là yếu tố an toàn. Bởi thực tế, quy hoạch karaoke khác với quy hoạch các loại hình kinh doanh dịch vụ khác khi nhu cầu của người dân thường hướng đến một số tuyến phố trung tâm theo thói quen, thuận tiện, có sức thu hút. Điều đáng nói là ở những tuyến phố trung tâm lại không dễ để thiết kế những khu vực riêng biệt phục vụ giải trí karaoke mà thường sử dụng, cải tạo lại nhà ở thông thường thành cửa hàng kinh doanh. Do đó, nhiều yêu cầu về thiết kế, thẩm định không bảo đảm tiêu chuẩn, tuy nhiên vì những lý do nào đó việc giám định, giám sát những cơ sở này vẫn được thông qua.

Nhu cầu của người dân thì không thiếu, nhưng để đáp ứng tương đối đầy đủ cũng như bảo đảm được mức độ an toàn theo quy định pháp luật thì chưa. Trong khi đó, các hoạt động kể trên vẫn được coi là hình thức giải trí thiết yếu, khó thay đổi bởi các hình thức khác.

PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển văn hóa lấy phát triển con người làm trung tâm, nhất định cần phải có những cơ sở hạ tầng, đội ngũ có chuyên môn làm văn hóa, tổ chức hoạt động văn hóa thường xuyên, đa dạng và có sức hút để lan tỏa, thấm nhuần những giá trị tốt đẹp. Đời sống tinh thần của người dân nhất thiết phải có sự cân bằng giữa các hoạt động vui chơi, giải trí thường thức với hoạt động phát triển văn hóa, hài hòa giữa truyền thống lẫn hiện đại, xây dựng hệ giá trị con người vừa có bản sắc vừa là một “công dân toàn cầu”.

(Còn nữa)