Dự án do Ban quản lý (BQL) dự án Điện 1 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm đại diện chủ đầu tư. Tuyến đường điện dài 74,4 km mạch kép đi qua bảy tiểu khu thuộc hai xã Na Ngoi và Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn với 33 cột điện/19,3 km; đi qua 20 tiểu khu thuộc năm xã và một thị trấn của huyện Tương Dương với 112 cột/51,5 km. Dự án khởi công năm 2020. Dự kiến hoàn thành quý IV/2022. Tổng mức đầu tư 588.182.701.000 đồng.
“Mượn” đất rừng để… phá rừng
Giữa lưng chừng dông núi, một vùng đất đỏ rộng khoảng 1.000 m2 đang xây dựng móng cột điện. Người dân địa phương cho biết, đây là móng cột số 4 của dự án nằm trên địa bàn bản Buộc Mú, xã Na Ngoi.
Đi tiếp một chặng đường quanh co dưới chân dãy núi, một máy xúc đang san lấp mặt bằng để xây móng cột số 3. Không gian vắng lặng, chỉ có tiếng máy xúc xoay trở trên đỉnh đồi đất đỏ ối.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đi tiếp lên phía cột mốc L10 trên biên giới Việt-Lào, cũng thuộc bản Buộc Mú. Tại đây, chúng tôi sững sờ khi nhìn thấy một tuyến đường mở ra từ dưới chân rừng vòng vèo lên dãy núi chạy dọc dài biên giới. Đường nhão, hăng mùi bùn. Phía trước, một xe tải đang tập kết nguyên vật liệu dưới chân núi cách khoảng một cây số. Từ đây, chúng tôi vòng ngược lên dãy núi thì chạm cột mốc L10. Đây là điểm cuối của tuyến đường mới xẻ mà chúng tôi vừa đi qua, sẽ là nơi xây móng cột số 1. Chúng tôi lần theo tuyến đường (tạm gọi là đường công vụ) để biết độ dài của nó mà như bị lạc vào hi hút cánh rừng già bị xẻ thịt từ ta luy dương sang ta luy âm. Sau khi xây xong móng cột số 1, nhà thầu sẽ xây móng số 2 rồi thông tuyến. Để xây móng số 2, nhà thầu cũng phải mở một tuyến đường công vụ tương tự như móng số 1 vì móng cột số 2 ở trên đỉnh núi của rừng phòng hộ giáp biên giới Việt-Lào.
Người dân địa phương cho hay, xã Na Ngoi có nhiều tuyến đường “xẻ rừng” như thế này. Những móng cột nằm trong rừng phòng hộ nên các tuyến đường phải xẻ rừng phòng hộ. Nói đoạn, họ mở điện thoại, chuyển cho chúng tôi hình ảnh cây rừng bị máy xúc ủi ngả rạp, nằm ngổn ngang giữa những nẻo rừng. Có tấm ảnh ghi hình những cây gỗ được cưa khúc cho dân đưa về làm củi…
Theo tài liệu của chúng tôi, trong 33 móng cột điện được xây dựng tại Kỳ Sơn có bảy móng xây trên đất rừng phòng hộ, gồm: móng số 1, 2, 15, 16, 19, 20, 29 (hiện chỉ còn móng cột số 2 và 29 chưa thi công). Theo đó, có bảy tuyến đường công vụ từ chân rừng lên móng cột đã xẻ rừng để vận chuyển nguyên vật liệu. Số liệu đầu tiên do ông Vừ Bá Lì, Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho biết, riêng tuyến đường công vụ của móng cột số 1 có chiều dài 1.150 m, rộng khoảng 4 m. Một phép tính đơn giản cho thấy, tuyến đường này chiếm 0,46 ha rừng phòng hộ đã bị xẻ nát. Tương tự, bảy tuyến đường đi lên bảy móng cột nêu trên có khoảng 3-4 ha rừng phòng hộ bị phá. Dư luận không chỉ ở Kỳ Sơn đã, đang bức xúc về thực trạng rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới đang bị xâm hại nặng nề.
Ngày 7/4, khi trao đổi thực trạng này với ông Đỗ Công Tráng (chỉ huy trưởng các gói thầu) và ông Nguyễn Thanh Hải (chủ thầu gói thứ 2 gồm cột 1-10), chúng tôi nêu câu hỏi: “Khi thi công hạng mục móng cột điện, phía nhà thầu có nắm được việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác không”. Ông Tráng nói: “Tôi ký hợp đồng với BQL dự án điện 1 của EVN xây dựng 33 móng cột điện. Khi ký với chủ đầu tư, họ chỉ giao công việc xây móng cột. Do đẩy nhanh tiến độ nên chúng tôi mượn đường để vận chuyển nguyên vật liệu cho nhanh”. Còn ông Hải nói: “Gói thầu của tôi có móng số 1 và số 2 nằm trong rừng phòng hộ. Tôi cũng mượn đường để chuyển vật liệu là vì công việc”. Cả hai ông đều “thừa nhận việc mở đường, xẻ rừng phòng hộ là sai, nhưng mượn xong sẽ hoàn trả lại nguyên trạng của rừng” (!?).
Ông Tráng cho biết, vì mở đường không phép nên đã bốn lần bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công. Ông Hải hai lần bị lập hai biên bản, buộc dừng thi công. Nhưng trước buổi làm việc này, khi chúng tôi thâm nhập những nẻo rừng bị phá, chứng kiến gói thầu của ông Hải đang thi công tại móng số 1.
Các cơ quan liên quan nói gì?
Đi tìm hiểu sự cố xâm hại rừng phòng hộ theo kiểu “mượn rừng” lạ lùng này, chúng tôi lần lượt có nhiều cuộc trao đổi với các cơ quan liên quan.
Đầu tiên, ông Lê Hoàng, Phó Trưởng ban quản lý bảo vệ rừng (BQLBVR) Kỳ Sơn là chủ rừng thừa nhận “bên thi công có vi phạm” do lấn chiếm đất rừng để mở đường công vụ. Nhưng trả lời câu hỏi về cách xử lý, ông Hoàng cho biết: “Anh em không được xử lý. Chủ rừng chỉ phát hiện, lập biên bản báo cáo huyện”. Khi được hỏi BQLBVR Kỳ Sơn lập bao nhiêu biên bản, ông Hoàng không nhớ và hẹn “trả lời sau”. Ông Hoàng nói: “Vụ việc này mới chỉ báo cáo miệng với ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chứ không báo cáo về cơ quan chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Trong lúc đó, ông Hoàng Văn Huynh, Hạt trưởng Kiểm lâm Kỳ Sơn cũng chưa nắm được việc nhà thầu không xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để mở đường công vụ. “Nghe kiểm lâm địa bàn báo có chặt cây nên Hạt cho cán bộ pháp chế vào kiểm tra, lập biên bản, xử phạt 11 triệu đồng”. Khi chúng tôi hỏi, hiện việc xử phạt đã thực hiện chưa. Ông Huynh nói: “Đang chờ xác minh lại để phạt”.
Trước đó, trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) của UBND huyện Kỳ Sơn (tháng 4/2021) với đại diện chủ đầu tư, đã có ý kiến của một số thành viên hội đồng phản hồi “vì sao chủ đầu tư chỉ được phép chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng tại chân móng cột điện nhưng lại tự ý mở các tuyến đường công vụ từ chân rừng lên móng cột là xâm hại rừng, trái với quy định của Luật Lâm nghiệp. Đại diện chủ đầu tư nói rằng, các nhà thầu sẽ dùng phương pháp thủ công để chuyển nguyên vật liệu lên bằng tời hoặc sức người. Làm như thế để không phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đỡ ảnh hưởng đến rừng”. Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn xác nhận thông tin này.
Riêng tại địa bàn huyện Tương Dương (112 cột điện đi qua 51,5 km thuộc 20 tiểu khu thuộc năm xã và một thị trấn) nhưng ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch Hội đồng GPMB của huyện này hẹn “để nắm lại, sẽ trả lời” những tình tiết liên quan như ở Kỳ Sơn.
Ngày 8/4, trao đổi với ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về sự cố này, chúng tôi nêu câu hỏi: Vì sao Quyết định số 3750 của UBND tỉnh (ngày 12/10/2021) chỉ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại chân các móng cột điện nhưng nhà thầu vẫn mở đường vận chuyển nguyên vật liệu, gây xâm hại rừng.
Ông Hiếu nói: “Phía nhà thầu yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở đâu thì HĐND và UBND tỉnh xem xét, quyết định ở đó. Họ chỉ xin chuyển đổi tại chân các móng cột điện để thi công thì tỉnh đáp ứng tại các vị trí này. Họ không xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các tuyến đường công vụ mà tự ý mở đường là sai. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập đoàn kiểm tra liên ngành kết hợp với huyện Kỳ Sơn khẩn trương kiểm tra. Vi phạm thì đình chỉ ngay. Riêng việc đại diện chủ đầu tư nói sẽ vận chuyển bằng phương pháp thủ công nhưng thực tế đã mở đường để vận chuyển bằng máy móc thì sẽ là chuyện khác liên quan đến dự toán của dự án”.
Tạm dừng thi công
“Ngày 12/4, UBND huyện Kỳ Sơn đã có quyết định yêu cầu các gói thầu tạm dừng thi công. UBND huyện sẽ tổng hợp những sai phạm để báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý” (Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn).