Hợp tác chống khủng bố
Bản tóm tắt cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Jalil Abbas Jilani và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian nêu rõ, hai Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí cần tăng cường hợp tác chống khủng bố và giảm leo thang tình hình. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nhấn mạnh hai nước cần dung hòa và việc phá hủy các căn cứ khủng bố ở Pakistan là cần thiết.
Trước đó, Thủ tướng Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar đã tiến hành cuộc họp khẩn với các tướng lĩnh quân đội và tình báo của nước này, tái khẳng định rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan là bất khả xâm phạm và cảnh báo bất kỳ âm mưu nào nhằm thay đổi dù với bất cứ lý do gì cũng sẽ bị đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh quốc gia. Tuy nhiên, tuyên bố đưa ra sau cuộc họp cũng nêu rõ Pakistan và Iran cần giải quyết các quan ngại an ninh của nhau trong tổng thể lợi ích lớn hơn của hòa bình và ổn định khu vực.
Những ngày qua, căng thẳng giữa Iran và Pakistan leo thang nghiêm trọng khi hai bên đều đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu khủng bố trên lãnh thổ của nhau khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Tehran khẳng định, cuộc tấn công này nhằm vào lực lượng Jaish al-Adl, vốn thừa nhận tấn công lực lượng an ninh Iran ở khu vực biên giới với Pakistan.
Lập tức, lực lượng an ninh Pakistan đã tấn công các đồn bốt của hai nhóm ly khai là Mặt trận giải phóng Balochistan và Quân giải phóng Balochistan ở tỉnh Sistan - Baluchestan của Iran. Sau các cuộc tấn công này, Pakistan đã triệu hồi Đại sứ tại Tehran, đồng thời tuyên bố đại diện ngoại giao của Iran tại Islamabad, người đang có chuyến công cán về nước, không được quay trở lại Islamabad.
Kêu gọi hai bên kiềm chế
Liên hợp quốc (LHQ) và Mỹ đã hối thúc Iran và Pakistan kiềm chế sau khi hai quốc gia láng giềng Nam Á này thực hiện các vụ không kích gây thương vong cho dân thường. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Chính phủ Iran và Pakistan kiềm chế tối đa, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ tấn công quân sự lẫn nhau giữa hai nước này.
Phát ngôn viên Nhà trắng John Kirby cho biết, Mỹ đang theo dõi sát tình hình và giữ liên lạc với giới chức Pakistan. Ông Kirby nêu rõ: “Đây là hai quốc gia vũ trang tốt và chúng tôi không muốn thấy tình hình leo thang hơn nữa”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Islamabad và Tehran giảm căng thẳng tại khu vực biên giới, đề nghị hai bên giải quyết bất đồng bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao. Hiện, Trung Quốc đề xuất làm trung gian hòa giải, giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Pakistan và Iran.
Trước khi xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng khủng bố ở khu vực biên giới, hai bên bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác thương mại song phương. Đại sứ Pakistan tại Iran Mudassir Tipu cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế của Pakistan đang rơi vào vòng xoáy đi xuống, nước này và Iran sẵn sàng thúc đẩy thương mại song phương lên 5 tỷ USD. Hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác thương mại giai đoạn 2023-2028 vào tháng 8/2023 nhằm giải quyết các rào cản trong thương mại song phương, hoàn tất Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và tạo thuận lợi khu vực tư nhân.
Pakistan đã nỗ lực cải thiện thương mại song phương với các đồng minh, đặc biệt là các nước láng giềng, để giải quyết tình trạng nền kinh tế đang sụp đổ dẫn đến lạm phát tràn lan và giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt do các chỉ số tài chính xấu đi - đặc biệt là sau trận lũ lụt lớn gây thiệt hại 30 tỷ USD.