Ông vua không ngai của núi rừng Tây Côn Lĩnh

Trẻ con ở vùng Tây Côn Lĩnh này, ngay từ khi còn nhỏ xíu đã được khuyên răn phải kính cẩn với những ngọn núi quanh vùng, vì ít nhiều chúng đều gắn bó với vua Hoàng Vần Thùng…

Khám phá núi Thăm Kỳ.
Khám phá núi Thăm Kỳ.

Kỳ 2: Người giàu có bậc nhất thiên hạ

Kho báu của nhà vua

Ở thôn Làng Giang (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) có một ngọn núi đá lớn, sừng sững án ngữ trên lối đi. Ngọn núi đó có tên là Thăm Kỳ, nhưng không ai dám sỗ sàng nhắc tên núi một cách tùy tiện. Họ chỉ lén gọi là ngọn núi có hang vàng của vua, hoặc núi của Thần giữ của. 

Nhìn từ xa, núi Thăm Kỳ như một con rùa đá khổng lồ đang trườn xuống dòng suối lớn để uống nước. Dưới chân núi có tảng thạch anh trơ trọi nổi lên giữa mặt ruộng, như những con voi lớn. Trên dòng suối thỉnh thoảng nổi lên những khối đá vuông vức, liền khối, to như ngôi nhà, trông như những chiếc thuyền lớn kỳ dị. Già làng Nguyễn Văn Minh và nhiều người dân Làng Giang tin rằng, đó là đoàn voi ngựa thuyền mảng mà vua Hoàng Vần Thùng trổ phép thần thông để vận chuyển vàng bạc, chẳng may gặp phải một người đàn bà chửa mà mất thiêng, bị hóa đá tại chỗ. Ông Minh kể huyền thoại rằng, Hoàng Vần Thùng sống ở thời rất xa xưa, nổi tiếng giàu có, lắm tài lạ, sức khỏe hơn người, có chí làm vua. Ông còn có thể biến đất đá thành trâu ngựa, vàng bạc và quân lính… 

Người Làng Giang coi khu vực này là chốn linh thiêng, bất khả xâm phạm. Núi của vua Hoàng Vần Thùng cất giữ của cải, nên đương nhiên đầy rẫy những câu chuyện hoang đường kinh dị, có thể làm nản lòng bất cứ con mắt tham lam thèm muốn nào. Ngày xưa, muốn qua đất này, người ta phải cúi đầu, xuống ngựa, bỏ mũ, nín thở mà bước đi qua thật nhanh. Nay đã có đường liên xã đi qua, một số hộ dân đã dựng nhà, làm vườn dưới chân núi, nhưng việc tò mò lên núi khám phá vẫn là điều cấm kỵ.

Đúng như tên gọi, Thăm Kỳ quả là một phiến đá khổng lồ, liền khối, vách rất lớn và dựng đứng. Núi Thăm Kỳ rộng dài hàng trăm mét, đột khởi giữa vùng đất đồi lô nhô đá cuội và đất mùn, uy nghi vững chãi. Dáng núi khum khum như chiếc mai rùa khổng lồ, có vành cổ, có khối đá hình đầu rùa. Người Tày gọi dáng núi này là “Hâu tẩu”. 

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Trước đây, ngọn núi có một chiếc hang đá rộng mênh mông, trâu có thể chạy tung tăng, bên trong chứa đầy vàng bạc châu báu. Nhưng nay hang núi đã bị sập xuống bịt kín lối vào. Tất cả vàng bạc châu báu vẫn đang còn cất giữ trong hang núi ấy. Xa xưa, người dân Làng Giang vốn có thể ra vào hang vàng và mượn bất cứ thứ châu báu nào đem về nhà sử dụng, nhưng đúng hẹn phải đem trả lại. Có một vài người nổi lòng tham, đem vàng bạc về nhưng không đem trả, nên “Thần giữ của” nổi giận, làm sập cửa hang, đoạn tuyệt với dân làng”. Từ đó, ai dám xâm phạm đến vùng núi có chứa vàng đều phải chịu những hình phạt thảm khốc. Người dân Làng Giang tin chắc như thế, nhưng đó cũng có thể là câu chuyện dọa người thường thấy, mỗi khi có liên quan đến các báu vật mà thôi.

Không ai có thể đếm xuể số của cải mà vua Hoàng Vần Thùng có. Cũng không ai đếm xuể các nơi vua Hoàng Vần Thùng đã cất giữ của cải. Thăm Kỳ cùng với một ngọn núi khác ở mạn Chiêm Hóa (Tuyên Quang) được coi là hai nơi cất giấu nhiều của cải nhất của Hoàng Vần Thùng. 

Nếu quả thật Hoàng Vần Thùng có khối tài sản khổng lồ như vậy, ông hoàn toàn có thể là người giàu có nhất thế gian. 

Hang vàng trong lòng núi Thăm Kỳ

Gạt đi những lời khuyên can của già làng Nguyễn Văn Minh, tôi cùng anh cán bộ xã người Tày có tên là Vần Kim Hưởng bạo gan lên núi Thăm Kỳ khám phá. Thật ra thì Thăm Kỳ không quá cheo leo và hiểm trở đến mức có thể làm ngán ngại người dân sơn tràng hoặc người đam mê khám phá, nhưng bức màn tâm linh huyền bí đã ngăn cản bước chân khám phá của con người hàng trăm năm nay.

Chúng tôi lặng lẽ bám sát nhau trèo núi, lần lượt vượt qua những khối đá dài chừng 30 m, rộng chừng 5 m, cao cỡ hơn 2 m, có thể đủ chỗ cho chừng 30 người ngồi bên trên. Lại vượt qua rất nhiều những khối đá hộp lớn nằm đè ngổn ngang lên nhau, có khối to như ngôi nhà ngói ba gian. Loay hoay tìm lối, bám dây leo trèo qua các kẽ đá để đi, chui rúc qua cả chục ngóc ngách lớn nhỏ, cả hai vẫn không thể tìm thấy một manh mối nào có thể xâm nhập vào lòng núi. Toàn những hang cạn và hẹp, chiếc rộng nhất cũng chỉ rộng cỡ nửa gian phòng. Cửa hang giấu vàng truyền thuyết vẫn không thấy đâu. Vách đá nơi chót đỉnh cao lớn thẳng đứng như bề ngoài của tòa cao ốc, không một nơi bấu víu, chỉ có mọc cánh mới có thể vượt lên. Cả hai đành chấp nhận rằng, suốt nửa ngày leo trèo luồn lách qua hàng trăm khối đá sừng sững, chúng tôi cũng chỉ khám phá được một phần nhỏ của quả núi. Trời xẩm tối, cả hai đành tìm lối quay xuống núi, lòng nuối tiếc khôn nguôi vì không dễ gì có cơ hội thứ hai được khám phá ngọn núi này. 

Chuyện đi tìm kho báu của vua Hoàng Vần Thùng vẫn được kể suốt mấy trăm năm nay, âm ỉ mà có sức lôi cuốn mãnh liệt. Người ta đồn đại về những cuộc truy tìm phiêu lưu và kinh khiếp. Nơi nọ, nơi kia có khả năng giấu vàng của Hoàng Vần Thùng, những mảnh ký ức, bản đồ chỉ dẫn…, ngay đến uy lực hoang đường của thần giữ cũng chẳng làm những người truy tìm nản lòng. Nhưng cả trăm năm nay, chưa thấy câu chuyện nào về những kho báu được phát lộ.

Ông Hoàng Ngọc Lâm, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì có lần tâm sự: “Tôi cũng từng động viên dòng họ Vàng (Vương) của người La Chí khôi phục lại họ cũ của mình. Từ mấy trăm năm nay, người họ Hoàng phải chuyển sang họ Vàng, rồi Vương. Nhưng bà con vẫn còn ngần ngại vì một nỗi sợ hãi mơ hồ, rằng mình là hậu duệ của Hoàng Vần Thùng, chắc chắn sẽ khiến người khác chú ý”. Đến nay, người họ Vương vẫn gắn bó với ngôi đền thờ Hoàng Vần Thùng và hàng trăm ngôi mộ giả ở Lùng Cẩu, cuộc sống khá lam lũ vất vả, chưa từng có dấu hiệu gì là hậu duệ của người giàu có bậc nhất thiên hạ.

Đứng trước Thăm Kỳ, ta dễ nhận thấy sự giống nhau đến kỳ lạ với bối cảnh núi Văn Dú trong câu chuyện đường rừng “Vàng và máu” của nhà văn Thế Lữ. Chuyện kể về cuộc đi tìm vàng đầy tài trí và quả cảm của ông quan Châu Kao Lâm trong hang Thần, vừa huyền bí, rùng rợn, vừa đầy những kiến văn khoa học. Manh mối luôn bắt đầu từ những tấm bản đồ cũ kỹ của gia tộc họ Hoàng ở miền sơn cước, giáp biên giới. Núi Văn Dú huyền bí âm u tịch mịch ẩn chứa vô vàn của cải nằm bên cạnh dòng suối lớn, không khác gì khung cảnh hang vàng và Thăm Kỳ đang sừng sững bên suối Làng Giang. Không biết nhà văn Thế Lữ khi chắp bút tuyệt tác ấy, có lấy gợi ý từ câu chuyện đi tìm kho báu của vua Hoàng Vần Thùng? 

Hiện nay, theo thông tin của người viết, ở vùng Hoàng Su Phì vẫn đang âm thầm có những cuộc truy tìm kho báu ấy. Những kẻ phiêu lưu được trang bị những thiết bị tinh vi và hiện đại hơn, nhiều văn bản, tài liệu cổ xưa và rành mạch hơn. Và, không chỉ có người Hoa, người Nùng, người Tày, người Kinh…, sự quan tâm đến kho báu của Hoàng Vần Thùng còn kích động cả đến những người từ bên kia bán cầu. 

(Còn nữa)