Quê hương thứ hai của những người “Điện Biên mới”

70 năm trước, hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ khắp các tỉnh, thành phố đã góp mồ hôi, xương máu cống hiến tuổi xuân cùng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Rồi họ còn khơi “mạch sống”, mang lại ấm no cho nhân dân lòng chảo Điện Biên với việc xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm.
0:00 / 0:00
0:00
Cánh đồng Mường Thanh góp phần bảo đảm nguồn lương thực cho người dân Điện Biên.
Cánh đồng Mường Thanh góp phần bảo đảm nguồn lương thực cho người dân Điện Biên.

Từ thời chị gánh anh thồ

Chiến thắng lừng lẫy năm ấy có sự góp sức của 260 nghìn dân công hỏa tuyến cùng xe đạp thồ, các loại ô-tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Hai phần ba thế kỷ đã trôi qua…

Trong ngôi nhà nhỏ gần cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi gặp cựu dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Lý nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn hoạt bát. Khuôn mặt bà rạng ngời khi nhớ lại tuổi xuân nơi chiến trường. Năm 1953, khi cán bộ địa phương vận động đi tải lương cho chiến dịch, bà mới 18 tuổi, cùng nhiều thanh niên ở thôn An Lạc, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nô nức xung phong. Năm ấy bà đã vào hội phụ nữ của xã, vận động mọi người tham gia các phong trào sản xuất tại địa phương. “Mình hay nói hay làm, không nói thì thôi, mà đã nói thì mình làm luôn. Khi cán bộ hỏi đề nghị các đồng chí ai xung phong đi thì giơ tay nhé, thế là hàng chục cách tay cùng giơ lên một loạt”, bà nhớ lại.

Thời đó, các tỉnh Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình… là những địa phương góp người, góp lương thực cho chiến dịch với số lượng lớn. Tại Thanh Hóa, đợt bà Lý đi số lượng nữ thanh niên đông lắm, hầu như ai cũng hồ hởi, vui vẻ chẳng chút đắn đo. Mỗi người hai bao tải gạo khoảng 40 kg, cứ thế gánh lên tiền tuyến bất kể đèo cao, suối sâu hay núi non hiểm trở. Gồng gánh gạo đến các điểm tập kết, từ Thọ Xuân lên Lang Chánh, Cẩm Thủy rồi Mai Châu qua đèo Pha Đin rồi tập trung tại các kho trong huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Có tuyến còn từ Mường Lát xuyên qua đất bạn Lào rồi vòng vào Điện Biên. Trước mỗi chuyến tải gạo, chị em trong đoàn cùng ngồi bàn, thống nhất kế hoạch và đề ra các quy định cho chuyến công tác. Mọi người đều nhất trí tán thành, một lòng quyết tâm, nhất nhất tuân theo, nên các chuyến tải gạo hầu như đều an toàn, không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra, bảo đảm lương thực đến với tiền tuyến đúng số lượng, kịp thời gian. Đến mỗi điểm nghỉ, các bà tranh thủ nấu cơm, chăm sóc nhau, họp bàn rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục lên đường.

Long lanh khóe mắt, bà Lý kể, mỗi lần về đến đến lán nghỉ trong rừng, bọn tôi vui lắm, đặt gánh gạo xuống là hỏi han xem ai có ngã hay trầy xước khi đi đường không. Rồi tranh thủ may vá, kiếm rau rừng nấu cơm để sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường. Mọi người cùng cố gắng tiết kiệm, dè sẻn từng hạt gạo để dành cho tiền tuyến. Hết chuyến lại về gánh tiếp, cứ thế liên tục ròng rã cho đến ngày giữa đường nghe tin thắng trận mà vỡ òa sung sướng, mọi người cứ ôm nhau trào nước mắt.

Hồi đó bà và chồng là người cùng làng, cả hai xung phong đi chiến dịch cùng một đợt. Bà làm dân công hỏa tuyến, ông là chiến sĩ Điện Biên, trực tiếp chiến đấu, tham gia trận đánh đồi A1 lịch sử. Bà kể, lúc đi chiến dịch tôi với ông ấy mới là bạn bè cùng quê. Sau thời gian cùng nhau vào sinh ra tử trong chiến dịch, hai người mến nhau không biết lúc nào. Trong chiến dịch, thỉnh thoảng lắm mới gặp được nhau. Cứ có dịp tải gạo vào gần nơi ông ấy đóng quân là tôi tranh thủ tìm gặp động viên ông cố gắng chiến đấu, còn ông thì luôn dặn dò tôi phải cẩn thận trên đường tải gạo. Những cuộc gặp chớp nhoáng giữa trận tiền giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để cùng nhau đi đến ngày chiến thắng.

Sau chiến dịch, đến năm 1957 hai ông bà mới tổ chức đám cưới tại quê hương rồi lại cùng nhau lên làm công nhân quốc phòng thuộc Quân khu II (tại Sơn La). Khi đại thủy nông Nậm Rốn khởi công năm 1962, ông bà xung phong tham gia lực lượng xây dựng công trình trọng điểm này. Với những cống hiến cho đất nước, ông bà đều được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì.

Quê hương thứ hai của những người “Điện Biên mới” ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Lý giới thiệu chiếc kỷ niệm chương của lực lượng TNXP xây dựng đại thủy nông Nậm Rốm.

Đến khơi “mạch sống” cho lòng chảo Điện Biên

Sau ngày giải phóng, trước tình trạng đời sống của đồng bào, nhân dân gặp nhiều khó khăn, lương thực thiếu thốn, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm. Lực lượng nòng cốt để xây dựng công trình vẫn là thanh niên xung phong được huy động từ các địa phương miền bắc cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ngày 3/10/1963, đại thủy nông Nậm Rốm công trình thủy lợi lớn thứ hai thời đó (chỉ sau hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải) chính thức khởi công.

Trực tiếp lên tham gia xây dựng công trình này từ năm 1965 khi mới 18 rồi ở lại coi Điện Biên là quê hương thứ hai, ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên nhớ lại, lúc mới từ quê nhà Hưng Yên lên, rất gian khổ. Thiếu lương thực trầm trọng, mọi người thường phải ăn cơm độn ngô, chia suất ăn xong bụng vẫn đói. Cả vùng rừng núi vẫn còn nhiều thú dữ, có lần hổ báo còn về bắt gia súc của người dân. Đã có người rủ ông trốn về quê do gian khổ quá không chịu được, nhưng ông nhất quyết bám trụ công trình.

Phong trào thi đua vẫn cứ rầm rập. Tất cả những điểm khó khăn, phức tạp nhất đều được đặt những mục tiêu phấn đấu với khí thế rất cao. Toàn công trường đã phát động nhiều phong trào thi đua lao động như phong trào Nguyễn Văn Trỗi, phong trào Nguyễn Viết Xuân…, đơn vị nào làm 8 tiếng là ở mức độ thấp. Nhiều đơn vị phấn đấu tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì phải làm từ 10 đến 12 tiếng một ngày. Phát động các phong trào đó đi cùng với các đợt kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng.

Ông Chính lúc đó tuy chỉ khoảng hơn 53 kg nhưng rất khỏe, được anh em đặt cho biệt danh “Chính trâu”. Do đập đầu mối được xây cốt bằng đá, bên ngoài ốp bê-tông dày khoảng 1 m, ông là một trong vài người duy nhất có thể sử dụng được đầm dùi để đầm bê-tông, bởi lực mút rất lớn. Với tinh thần gương mẫu, luôn đi đầu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ ông được bầu làm tổ trưởng tổ lao động XHCN và được kết nạp Đảng khi còn rất trẻ (20 tuổi). Ông kể, công đoạn đắp đất cho đập mỗi tổ đắp 15 m3/ngày là đạt kế hoạch đề ra, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phấn đấu bảo đảm đủ 20 m3 để đầm xuống sao cho độ dày đúng 10 cm đủ bảo đảm chất lượng cho công trình.

Việc bảo vệ đập đầu mối rất nghiêm ngặt, cấm tất cả người lạ mặt không được vào, tránh tình trạng phản động hoặc những kẻ xấu đến phá hoại như ốp mìn, vật liệu nổ hay gương chiếu phản sáng để báo hiệu mục tiêu cho máy bay địch đánh bom. Có lần, ông Chính cùng đồng đội đã bắt được hai thám báo của địch, giao cho quân đội.

Trong suốt quá trình xây dựng công trình trọng điểm này, lực lượng thanh niên xung phong vừa phải bảo đảm tiến độ vừa phải bảo vệ và sẵn sàng chiến đấu chống lại các đợt ném bom của máy bay Mỹ. Ông Chính có thời gian được chuyển sang đơn vị trực chiến để bắn máy bay địch đánh bom và chống địch nhảy dù phá hoại công trình. Lực lượng bảo vệ đập thủy lợi được bộ đội huấn luyện để bắn máy bay tầm thấp và cơ động sẵn sàng truy kích lực lượng địch khi chúng vừa nhảy dù. Đơn vị ông được trang bị súng trung liên, đại liên và súng máy 12 ly 7. Ông kể, chúng tôi luôn nắm chắc trong đầu, khi máy bay bổ nhào ở độ cao bao nhiêu thì mới được nổ súng, mỗi lần bắn là bao nhiêu viên. Với vũ khí như vậy thì không thể bắn đón đầu khi máy bay bổ nhào được, mà phải bắn trực diện. Đây là việc hết sức nguy hiểm cho khẩu đội bởi sẽ thu hút hỏa lực địch vào trận địa. “Nhiều trận chúng tôi đã bị trúng bom, có lần một quả bom rơi cách khẩu đội chỉ khoảng 10 m. Lúc đó tôi chỉ kịp hét cậu xạ thủ phụ bắn hết tất cả đạn đi, đằng nào cũng chết, rất may bom không nổ”, ông nhớ lại.

Gần 7 năm xây dựng, lực lượng thanh niên xung phong đã đào đắp hàng nghìn khối đất đá, xây dựng nhiều hạng mục của đại thủy nông như: đập tràn bằng đá hộc và bê-tông dài 127 m qua sông Nậm Rốm; hệ thống cống lấy nước, xả cát; tường chắn bê-tông cốt thép dài 68 m, cao 17 m. Nhất là 34 km mương dẫn nước ôm trọn cánh đồng Mường Thanh. Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành năm 1969 là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, bảo đảm tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, giải quyết vấn đề lương thực cho bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Mầu xanh của lúa đã phủ kín những hầm hào công sự, những hố bom, đạn đầy chết chóc. Ông Chính cùng vợ, cũng là thanh niên xung phong, lại tiếp tục lên xây dựng hồ chứa nước Ba Khoang rồi ở lại hẳn mảnh đất Điện Biên cho đến ngày hôm nay.