Workshop “Tơ óng màu cây: Đường thêu nét nhuộm xưa - nay” tại đình Tú Thị (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kéo dài đến 19/1 với việc sử dụng chất liệu tơ tằm bản địa, được ươm, xe và nhuộm tại Việt Nam làm chỉ thêu.
1/Khi còn nhỏ, lúc bắt đầu biết nhớ, Ngọc Trâm đã được bà của mình dạy thêu. Tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trâm bắt đầu công việc thiết kế đồ họạ. Khi người cha thân yêu qua đời vào năm 2012, chị chợt nhận ra cuộc sống quá ngắn và nên can đảm để theo đuổi những gì mình yêu thích. Trâm quyết định vào Hội An sống và thành lập một xưởng thêu nhỏ (Meo Meo Atelier) cùng vài người bạn.
Trong quá trình tìm hiểu về nghệ thuật thêu, Ngọc Trâm quan tâm đến việc sưu tầm các bản thêu cổ. Trước đây, với 50-100 euro là có thể mua được một tấm tranh lụa cổ, bây giờ mọi người bắt đầu nhận ra giá trị của cổ vật Việt Nam nói chung và tranh thêu cổ nói riêng, nên giá thành đã lên gấp 10, 20 lần.
Tuy không có đủ điều kiện để tiếp cận những hiện vật cung đình, nhưng đồ thêu thời Đông Dương vẫn còn khá nhiều để Trâm có thể học hỏi và tìm ra được những kỹ thuật của các nghệ nhân xưa. Cùng với đó là 20 năm lặn lội đi khắp các làng nghề, học hỏi và trau dồi kỹ năng thêu tay từ các nghệ nhân lão thành. Trâm nhận ra, kỹ thuật thêu sợi tơ tằm rất khác với kỹ thuật thêu chỉ cotton. Vì sợi tơ tằm rất nhỏ và bản thân chị khi chuyển sang tơ tằm, cũng mất rất nhiều thời gian để làm quen. Bởi vì khác từ cách cầm kim, cách mình đâm kim xuống, đều phải rất kỹ càng. Chị kể, cách đây 11 năm, tôi đến xưởng của nghệ nhân Vũ Giỏi, lúc đấy anh đang thêu chỉ tơ tằm lên áo bào. Người cô của anh, lúc đó đã 80 tuổi với ngón tay đẩy kim thêu đã mòn mất một nửa nhìn tôi thêu và bảo: “Ơ, con bé này không biết cầm kim”. Lúc đó tôi hoảng lắm, bởi vì đã 30 tuổi và biết thêu cũng 25 năm rồi. Tôi quyết định ở lại nhà anh Vũ Giỏi để sáng sớm hôm sau xuống xưởng nhờ bà chỉ cho cách cầm kim. Rồi hiểu rằng kỹ thuật tưởng đơn giản nhưng các cụ ngày xưa nhiều khi phải luyện đến cả năm trời. Từ lúc 6, 7 tuổi là phải luyện đâm kim qua lỗ đồng xu bé xíu rất nhanh. Cả mắt, tay và cách ngồi đều phải luyện kỹ thì chân tơ mới chính xác được. Bởi chân tơ tạo nên đường cong tua của một hình thêu, nên bản thêu đạt phải có chân tơ đều, đẹp. Như các cụ có câu soi chân tơ kẽ tóc là như thế.
Một mẫu thêu cổ được Trâm “chép” lại. |
2/Một trong những đặc điểm làm cho những bức tranh thêu Đông Dương rất có duyên đó là mầu tự nhiên. Họa sĩ Trâm đã tìm các chuyên gia hàng đầu về thuốc nhuộm tự nhiên tại Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và trao đổi kiến thức với cộng đồng thuốc nhuộm tự nhiên quốc tế. Sau nhiều năm học hỏi từ các cộng đồng di sản dệt may như người H’Mông, Thái và Khmer kết hợp với tự học và kinh nghiệm, Trâm đã có thể thành thạo một số kỹ thuật nhuộm tự nhiên xưa. Năm 2023, chị đã hoàn thành một bảng mầu nhuộm tự nhiên cho các sợi tơ của mình. Theo họa sĩ, có thể không giống 100% so màu nhộm xưa, nhưng có sự kế thừa. Thí dụ, các cụ đã dùng hoàng đằng để cho mầu vàng ánh xanh. Chi tử sẽ ra mầu vàng nhạt. Hồng hoa lên mầu đỏ magenta, rồi mầu chàm… có những mầu mà chị tìm được là cây cỏ bản địa trong môi trường sống hiện nay như cây bông lau. Hiện, chị đang duy trì một khu vườn nhuộm tự nhiên tại nhà của mình ở Hội An.
Nói về hành trình của mình, Ngọc Trâm tâm sự, với việc nghiên cứu, chị sẽ xuất bản một cuốn sách dưới dạng lưu trữ, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Còn về hướng thực hành, chị sẽ vẫn tiếp tục thêu vì mọi thứ đã ở trong đầu mình rồi và có rất nhiều nguồn cảm hứng. Hiện tại chị đang tập trung chép vốn cổ, bởi tư liệu vốn thêu cổ còn rất nhiều. Trong góc nhỏ của ngôi đình Tú Thị thờ tổ nghề thêu những ngày qua, Ngọc Trâm vừa cần mẫn với đường kim mũi chỉ vừa quay phát trực tiếp lên mạng xã hội nhằm lan tỏa hành trình di sản của mình. Sự kiện “Tơ óng màu cây” của chị đã được nhiều bạn trẻ quan tâm, yêu thích và lan tỏa mạnh mẽ, khiến ngôi đình Tú Thị vốn nằm khiêm tốn trong con ngõ nhỏ giữa phố cổ bỗng lên tốp xu hướng trên TikTok. Đã có hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước tham quan mỗi ngày.
Có những bức thêu Trâm phải mua đấu giá ở Pháp vì nó đã lưu lạc ở châu Âu từ thế kỷ trước. Chị hay mua cả một lô gồm đồ lành lẫn đồ rách, vì như thế mới dễ tháo ra xem được nghệ nhân xưa thêu như thế nào.