Địa tầng di tích ở khu vực khai quật mang đặc trưng của một đoạn tường đất đắp nổi cao - bao gồm lớp gia cố chân thành, thân tường thành và các lớp đắp bồi thêm. Thành gồm nhiều lớp đất đắp, được gia cố vững chắc bằng các kỹ thuật và vật liệu khác nhau.
Cuộc khai quật còn thu được nhiều di vật là những mảnh gạch vỡ được trộn trong các lớp đất đắp thành. TS Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, người chủ trì cuộc khai quật, cho biết: “Đến nay đã có thể làm rõ các tường thành (nhân tạo) ở Hoa Lư đều được đắp trên nền đất trũng, lầy thụt, do vậy đều sử dụng kỹ thuật rải các thanh gỗ kết hợp đóng cọc chống lún, sụt. Tường thành được đắp hình con trạch hoặc có mặt cắt gần hình thang, trong đó mái ngoài thường được tạo dốc hơn bên trong. Kỹ thuật xây thành kiểu này cũng đã được thấy nhắc lại ở La thành Thăng Long (Hà Nội) trong giai đoạn sau”.
Một số phát hiện về tường gạch và những di vật gạch vụn trên thân tường thành còn cho thấy sự gần gũi với kỹ thuật xây và tạo xương cho tường thành do người Chăm thực hiện ở địa điểm thành Trà Kiệu (Quảng Nam). Thêm một lần tiếp biến văn hóa thể hiện rõ nét trong quá trình xây dựng đô/kinh thành. Những người thợ xây thành ở Thăng Long khi mở đầu thời Lý chắc chắn không ít người đã theo Lý Công Uẩn trong cuộc dời đô lịch sử từ kinh đô Hoa Lư đến vùng “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa” để dựng “kinh sư mãi muôn đời” (Thiên đô chiếu). Kỹ thuật đắp thành từ Hoa Lư có nhiều không gian để áp dụng với La thành chạy dọc theo “tứ giác nước” (chữ dùng của GS Trần Quốc Vượng) - là các con sông Nhĩ Hà, Tô Lịch, Kim Ngưu bao bọc Thăng Long xưa, nhưng với quy mô và tầm cấp vượt trội hơn nhiều. Những cuộc khai quật ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong những năm gần đây đều tìm thấy những viên gạch “Giang Tây quân”, “Đại Việt quốc quân thành chuyên” ở tầng văn hóa trước thời Lý và cả trong tầng văn hóa thời Lý là minh chứng cho mối liên hệ/kế thừa từ cố đô Hoa Lư tới kinh đô Thăng Long. Mạch nguồn văn hóa vẫn chảy trong bình yên mà không hề đứt đoạn. Dòng chảy liên tục đó cũng là “hằng số” đáng trân trọng của văn hóa Việt Nam.
Từ cuộc khai quật khẩn cấp, các nhà khoa học cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ quy mô, không gian phân bố, cách thức xây dựng các đoạn tường thành khác của Cố đô Hoa Lư, từ đó có thêm tư liệu làm rõ diện mạo các vòng thành, cấu trúc tường thành và cả hệ thống giao thông thủy/bộ ở kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê. Đồng thời sớm giải quyết những nhu cầu chính đáng của người dân trong vùng lõi di sản theo hướng bảo đảm cân bằng giữa bảo tồn - phát huy - phát triển. Đó cũng là nhân tố gắn kết giúp người dân thêm yêu di sản, bảo vệ di sản và chung sống cùng di sản hướng đến tương lai phát triển bền vững.