Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Làm giàu kiến trúc bằng văn hóa

Nhiệt tình, tâm huyết làm nghề và bao quát những quan điểm, suy nghĩ về nghề nghiệp lâu nay, nhiều góp ý, đề xuất hăng hái của kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng được thể hiện qua cuốn sách “Kiến trúc một góc nhìn” của ông, do NXB Thế giới ấn hành.
0:00 / 0:00
0:00
Cần phát triển các công trình văn hóa để phục vụ nhu cầu vui chơi, thụ hưởng của người dân.
Cần phát triển các công trình văn hóa để phục vụ nhu cầu vui chơi, thụ hưởng của người dân.

Chọn lọc các bài viết qua thời gian dài làm báo, phê bình kiến trúc, quản lý báo, tạp chí chuyên ngành xây dựng, kiến trúc và đảm nhiệm vai trò Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam đã mấy nhiệm kỳ qua, tác giả thể hiện thống nhất và kiên trì quan điểm về việc xây dựng nền kiến trúc nhân văn; bảo vệ, tạo dựng và phát huy văn hóa của kiến trúc, trong kiến trúc.

Nhân văn và văn hóa, với KTS Phạm Thanh Tùng, đó mới là cái gốc tốt đẹp cho sự tồn tại bền vững của các công trình. Rộng hơn, là hoạt động kiến trúc, xây dựng. Rộng hơn nữa là công tác quy hoạch. Và hơn nữa, là sự phát triển các mô hình đô thị, nông thôn của đất nước.

Văn hóa: Để kiến trúc sâu hơn, sang hơn, có hồn hơn

Quan sát quá trình đô thị hóa của đất nước, trực tiếp từ những năm 70 của thế kỷ trước, đặc biệt bám sát thực tiễn ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ này từ những năm đổi mới đến nay và bao quát cả trăm năm hình thành các đô thị qua sử liệu, KTS Phạm Thanh Tùng thể hiện cái nhìn giàu ý nghĩa lịch sử, văn hóa, văn minh đối với hoạt động kiến trúc, phát triển xây dựng, quy hoạch không gian sống, nhất là quy hoạch đô thị. Các bài viết của ông chứng minh, khẳng định và kêu gọi tha thiết về việc phải có văn hóa và giữ lấy hồn cốt văn hóa. Nhiều lần ông cảnh báo, nếu không biết giữ và lấy văn hóa để làm giàu có tâm hồn con người và không gian sống, thì nhà cửa, phố xá, các công trình xây dựng sẽ là những… cái vỏ rỗng! Và như nhận xét của một KTS nổi tiếng thế giới mà ông trích dẫn, thì đừng để chung cư chỉ là nơi để về ngủ!

Trong chiều sâu xa của thời gian Hà Nội nơi ông gắn bó cả cuộc đời, KTS Phạm Thanh Tùng kể về những dáng nét văn hóa đã làm nên bản sắc đất, người và đô thị cổ chốn kinh kỳ. Đó là sự hình thành các phố Hàng quy tụ nghề cổ Thăng Long xưa từ các địa phương lân cận. Đó là nét làng trong phố qua các di sản kiến trúc là các đình miếu, đền chùa và những tập quán trong ẩm thực, lễ lạt và nếp sống cộng đồng quý báu. Đó là tiếng rao, là những gánh hàng rong, là lối sống mở hướng ra sông hồ, tìm đến cây xanh, thiên nhiên… Liên hệ rộng đến các đô thị khác hay mô hình các khu đô thị mới, các chung cư…, ông cũng nhấn mạnh vào ý nghĩa đa văn hóa, đa thành phần, địa phương để kiến nghị về việc xây dựng nền nếp sống chung văn minh, ứng xử có văn hóa, tôn trọng và xây dựng tập thể.

Cái nhìn văn hóa của tác giả không bó hẹp và bảo thủ vào truyền thống. Ông nhìn bằng sự hòa quyện, kết nối của truyền thống bản địa, bản sắc địa phương với những giá trị mới được hình thành trong thời Pháp thuộc, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và suốt mấy chục năm đổi mới, kiến tạo. Vì thế, văn hóa vừa là ký ức đô thị, vừa là vẻ đẹp bền bỉ, hữu ích đang hiện hữu cùng ta trong các không gian sống hôm nay.

Làm giàu kiến trúc bằng văn hóa ảnh 1

Dân sinh: Để kiến trúc nhân văn hơn

Văn hóa mà tác giả cuốn sách nhấn mạnh ấy, cũng bao hàm cả những nguyện vọng và đề xuất mục tiêu cho nền kiến trúc, xây dựng, quy hoạch vì con người, hướng đến sự bình an, đời sống lành mạnh, được tôn trọng và bảo đảm những điều kiện thiết yếu cả về vật chất lẫn tinh thần. Hướng đến dân sinh, vì nhân sinh, đó là cái cốt lõi nhân văn, là giá trị văn hóa mà KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Qua nhiều bài viết, ông ghi nhận sự phát triển của các công trình mới mẻ, đồ sộ, sang trọng, các khu đô thị mới cao cấp hướng đến khách hàng có điều kiện về kinh tế. Nhưng ông quan tâm sâu sắc và thường xuyên đến đối tượng người lao động phổ thông, người nghèo, công nhân các khu công nghiệp, người tàn tật…, những thành phần chiếm số đông hoặc yếu thế trong xã hội. Để từ đó, đặt vấn đề thiết thực và cần kíp mà cho đến nay vẫn là những khoảng trống lớn trong việc phát triển hệ thống nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ông phân tích về sự khuyết thiếu và kiến nghị phát triển không gian xanh, bảo vệ diện tích mặt nước và làm sạch hệ thống sông ngòi, ao hồ. Cùng với đó, đa dạng hóa các không gian công cộng đáp ứng nhu cầu thư giãn, vui chơi, tham quan, thưởng lãm nghệ thuật… của mọi người dân.

Nhắc đến những cái mới sang trọng, đến sự phát triển ồ ạt của đô thị, KTS Phạm Thanh Tùng không quên cảnh báo, phê phán những thực trạng mang màu sắc tiêu cực của sự xa cách, phân biệt, sự phá vỡ quy hoạch, xây dựng và kiến trúc tùy tiện, cẩu thả, sự bỏ quên hay chậm chạp của những điều kiện thiết yếu phục vụ người dân như đường đi, nước sạch, không gian xanh, trường học, bệnh viện… Chúng đều khiến cho ý nghĩa nhân sinh, mục tiêu vì con người, công năng phục vụ quần chúng nhân dân nói chung bị suy giảm. Những vấn đề bất cập của đô thị, những vấn đề nóng của kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn… như thế được KTS Phạm Thanh Tùng phân tích, phản ánh thẳng thắn, cùng nhiều kiến nghị cụ thể qua các bài viết, đều dẫn đến những giải pháp rất cần được tham khảo, hưởng ứng và hiện thực hóa.

Được tiếng là người nói thẳng, không ngại va chạm nhưng chân thành, thấu đáo, thường xuyên được mời góp ý, phản biện qua các hoạt động nghề nghiệp, các diễn đàn văn hóa, khoa học, KTS Phạm Thanh Tùng thể hiện trách nhiệm cao hướng về xã hội, gắn bó với xã hội, con người, đời sống. Cuốn sách mang cái tên “Kiến trúc một góc nhìn” rất nên được lan tỏa đến các kiến trúc sư, các nhà đầu tư và thi công, đội ngũ quản lý và triển khai các hoạt động quy hoạch, kiến trúc, xây dựng. Tất nhiên không nên thiếu chính quyền các địa phương và giảng viên, sinh viên học tập trong các lĩnh vực trên. Cùng hiểu và làm giàu hơn nội dung cuộc sống qua mạch chảy của kiến trúc văn hóa, kiến trúc nhân văn.