Nỗi lo thiếu nhân lực ở Bình Dương

Trong gần hai năm, tỉnh Bình Dương chứng kiến hơn 1.100 trường hợp là công chức, viên chức “dứt áo ra đi” vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, áp lực công việc, chế độ đãi ngộ thấp, sợ phải chịu trách nhiệm là những lý do chính. Bình Dương sẽ phải giải quyết ra sao về sự thiếu hụt này trong thời gian tới?
0:00 / 0:00
0:00
Y tế là một trong những lĩnh vực có số người nghỉ việc nhiều ở Bình Dương.
Y tế là một trong những lĩnh vực có số người nghỉ việc nhiều ở Bình Dương.

1/Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tổng biên chế được giao năm 2023 của tỉnh là 24.722 người. Trong đó, công chức 1.780, viên chức 22.942. Từ ngày 1/1/2022 đến 30/9/2023, số lượng công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc là 1.125 trường hợp, trong đó có 70 người đang giữ chức vụ lãnh đạo. Trong đó, viên chức sự nghiệp của ngành giáo dục là 675 trường hợp và viên chức ngành y tế là 270 trường hợp, cũng là hai ngành có tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao nhất. Ngoài ra, ở một số địa phương trọng điểm khác như Thuận An, Dĩ An tình trạng này cũng xảy ra nhiều.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc. Trong đó, chính sách tiền lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Bởi thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân và gia đình, chưa tạo được động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, gắn bó lâu dài với cơ quan nhà nước. Trong khi, các cơ sở ngoài quốc doanh, ngoài nhà nước có chế độ đãi ngộ và mức lương hấp dẫn nên nhân lực cơ sở công chuyển công tác.

Bên cạnh đó, do sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế. Mặt khác, Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, khối lượng công việc ngày càng cao, trong khi biên chế được giao thấp. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, công chức phải làm việc ngoài giờ hành chính ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc và sức khỏe. Điều đáng nói là hệ thống văn bản quy định còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi, chưa cụ thể, rõ ràng nên dẫn đến tình trạng cán bộ có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ bị trách nhiệm…

Về tình trạng trên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Minh chia sẻ, Bình Dương giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh với những áp lực tương đồng, song địa phương không có chính sách đặc thù nên lương vẫn bình thường như các tỉnh khác, do đó dẫn đến mức lương vẫn thấp. “Đơn cử, một nam công chức mới vào làm lương dưới 5 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp người vợ cũng là công chức, viên chức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, với thu nhập cả vợ và chồng được khoảng 10 triệu đồng/tháng, khó để trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học”, ông Minh đưa ra dẫn chứng cụ thể.

2/Để tăng nhân sự còn thiếu, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương thông tin, tỉnh có các chính sách thu hút, giữ chân, đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể là Nghị quyết 05/2019 về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực; Nghị quyết 16 hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng các chính sách như công chức cấp xã.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 16 còn hỗ trợ cho những chức danh hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố cao gấp đôi mức của Trung ương; đồng thời có chế độ cho một số chức danh như phó bí thư chi bộ ấp, phó trưởng ấp, phó mặt trận ấp, các chi hội trưởng các đoàn thể ấp.

Dự kiến cuối năm 2023, Bình Dương sẽ sửa đổi Nghị quyết 05 về chính sách mời gọi nhân tài về công tác. Cụ thể, mức hỗ trợ Giáo sư 700 triệu đồng/người/năm, Phó Giáo sư 650 triệu đồng, Tiến sĩ 600 triệu đồng, Thạc sĩ 500 triệu đồng, bác sĩ hơn 400 triệu đồng… và còn hỗ trợ thêm tiền thuê nhà hằng tháng bằng 0,7 lần mức lương cơ sở, hỗ trợ tiền xăng. Riêng bác sĩ còn được hỗ trợ tăng thêm 3-3,5 lần mức lương cơ bản.

Song song đó, Bình Dương cũng thực hiện thi tuyển công chức hai lần/năm bổ sung vào những nơi đang thiếu; tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý để bảo đảm tính công bằng trong tuyển dụng. Đổi mới quy trình, chế độ tuyển dụng công chức, viên chức căn cứ vào quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực để các cơ quan, đơn vị có thể lựa chọn, tuyển dụng nhân sự theo yêu cầu, nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để nâng cao chất lượng đầu vào của công chức, viên chức.

Đặc biệt, tỉnh chủ động xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài vào công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện cải cách tiền lương phù hợp theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động…

Để tháo gỡ được nút thắt trên, Bình Dương kiến nghị Trung ương rà soát, cân đối lại biên chế giữa các địa phương, nhất là những địa phương có dân số cơ học tăng nhanh, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội cao như Bình Dương. Để giảm áp lực công việc cho cán bộ, tỉnh cũng đề nghị tăng thêm khoảng 500 biên chế công chức.

Hiện tại, số biên chế của tỉnh Bình Dương đang có mức thấp nhất so các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, ít hơn Đồng Nai 1.000 người; Bình Phước khoảng 100 người, Tây Ninh 80 người. Biên chế ít, khối lượng công việc gấp ba nên gây áp lực lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong khi đó, dân số của Bình Dương cao gấp nhiều lần so các địa phương khác (khoảng 2,7 triệu dân).