Học để thêm yêu Hà Nội

Hun đúc tình yêu với thành phố nơi các bạn nhỏ được sinh ra, được học hành, đó là lý do môn Hà Nội học được hình thành và giảng dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn Thủ đô hiện nay.
Học sinh Trường THCS Ngoại ngữ trải nghiệm tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Học sinh Trường THCS Ngoại ngữ trải nghiệm tại Nhà hát Múa rối Thăng Long.

1/Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng tại các cấp học từ năm học 2024-2025 có thêm một số môn học mới, trong đó Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc và có vị trí tương đương các môn học khác. Môn này nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…

Hà Nội học là môn Giáo dục địa phương tại thành phố Hà Nội. Thời gian qua, các trường đã có nhiều sáng tạo trong việc đưa môn Hà Nội học vào thực tiễn. Như với các trường thuộc quận Đống Đa, các di tích lịch sử như Gò Đống Đa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… vốn rất gần gũi với học sinh nhưng qua các buổi nói chuyện lịch sử hay tổ chức lễ kết nạp đội viên tại đây, các em đã rất tự hào về truyền thống của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Hay tại quận Ba Đình, các em học sinh tham quan Bảo tàng Chiến thắng B52 vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, khắc ghi sự kiên cường của quân dân Hà Nội quyết tâm bảo vệ Thủ đô.

2/Sáng 7/10, tại Trường THCS Cầu Giấy, buổi sinh hoạt chủ điểm với chủ đề “Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô” kết hợp bộ môn Lịch sử và Giáo dục địa phương, Mỹ thuật đã diễn ra sôi nổi. Những thước phim tư liệu đặc sắc về ngày tiếp quản Thủ đô, những câu hỏi giao lưu thú vị, những con đường triển lãm tranh đa sắc mầu đã gây bất ngờ cho các bạn trẻ. Các em học sinh khối 9 đã mang đến phần giới thiệu sách “Sống mãi với Thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất sống động. Hình ảnh các em đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Học sinh Hà Nội, sống chết không rời Hà Nội” đã trở thành điểm nhấn của chương trình, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước của thế hệ trẻ cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

Em Nguyễn Gia Bách, học sinh lớp 6A9 chia sẻ: “Em rất thích môn học Lịch sử và nay được tham gia chương trình, em đã hình dung được khí thế hào hùng của Hà Nội trong những ngày rực lửa chống Pháp. Sự hiểu biết này sẽ giúp em thêm yêu Hà Nội hơn và luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ ông cha đã đổ xương máu để bảo vệ từng tấc đất của Thủ đô!”.

Thầy Trình Tiến Đức, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Cầu Giấy cho biết: Nhà trường đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để gây hứng thú cho học sinh với môn học Giáo dục địa phương như: Làm Lịch để bàn giới thiệu về các di tích lịch sử-văn hóa Hà Nội; các hoạt động sân khấu hóa nhân kỷ niệm các sự kiện lịch sử lớn; tham quan các làng nghề truyền thống trên địa bàn như làng cốm Vòng; làng Cót (làm giấy)... Bằng kiến thức kết hợp giữa các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục địa phương, năm 2022, thầy trò nhà trường đã làm mô hình chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, đạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thành phố Hà Nội và giải nhì cấp quốc gia.

Trong buổi chào cờ đầu tuần vừa qua, thầy trò Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) đã có buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ điểm: “Hà Nội trong trái tim em” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cô giáo Hoàng Kiều Lam, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A6 cho biết: “Tại cấp tiểu học việc dạy môn Giáo dục địa phương sẽ được lồng ghép trong các bài dạy môn Lịch sử, Địa lý và các hoạt động trải nghiệm với các hình thức tổ chức dạy học linh hoạt. Thí dụ, cô giáo sẽ giao cho các con sưu tầm tranh ảnh, tư liệu trên sách báo, mạng internet về các danh lam thắng cảnh của Hà Nội và cho học sinh lên chia sẻ trước lớp… Từ những kiến thức đó, các con sẽ có thêm những hiểu biết về Hà Nội”.

Còn tại Trường THCS Ngoại ngữ (UMS) thuộc Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong chương trình Giáo dục địa phương, nhà trường luôn khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh hay ngôn ngữ các nước để giao lưu với bạn bè quốc tế như Nhật Bản, Australia, Đức, Malaysia, Indonesia…, giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa độc đáo của Thủ đô. Trong hoạt động giao lưu trực tuyến với các bạn học sinh Nhật Bản hay với đoàn sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ CHLB Đức mới đây, các em học sinh UMS đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về các điểm đến của Hà Nội như làng diều Bá Dương Nội, làng tò he Xuân La, nghệ thuật múa rối nước mà các em từng trực tiếp trải nghiệm, cùng với đặc sản ẩm thực Hà Nội như các món phở, bún chả… Qua đó, vừa phát huy được khả năng ngôn ngữ của học sinh vừa truyền bá nét đẹp Thủ đô đến bạn bè năm châu.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường đại học Thủ đô Hà Nội có nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án 1209). Theo đó, đến năm 2025, tất cả các giáo viên môn Giáo dục địa phương ở ba cấp phổ thông được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Đề án cũng bảo đảm 100% sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường đại học Thủ đô Hà Nội.