Nâng cao hiệu quả đào tạo và tuyển dụng lao động

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đổ vào Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là chúng ta phải tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ giỏi, năng lực chuyên môn cao để làm chủ công nghệ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cần đáp ứng yêu cầu mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
 Những ngành nghề về cơ khí, kỹ thuật đang thiếu lao động có tay nghề cao.
Những ngành nghề về cơ khí, kỹ thuật đang thiếu lao động có tay nghề cao.

Khó khăn trong tuyển dụng lao động chất lượng cao

Báo cáo mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nhận định: Tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ tăng dần góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Quy mô đào tạo giáo dục nghề nghiệp tăng. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ năm 2023 đã đạt 27,6%.

Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao hiện nay vẫn chưa đáp ứng được ngay nhu cầu thực tế của thị trường lao động, doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong bối cảnh đầu tư nước ngoài, trực tiếp nước ngoài đang hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện-điện tử.

Khái quát về cơ cấu chuyển dịch lao động và nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Search (Công ty về cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) cho rằng: Thứ nhất, thị trường lao động đang có thêm những cơ hội việc làm cho lao động (LĐ) Việt Nam để họ có thể gia nhập với những DN mới, đặc biệt là những DN đầu tư nước ngoài. Thứ hai, khi thị trường lao động càng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng LĐ thì có nghĩa rằng, thậm chí có rất nhiều LĐ hiện tại đang chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. “Một thực tế mà chúng tôi nhìn thấy trong thời gian gần đây, với mỗi yêu cầu tuyển dụng, số lượng người ứng tuyển tương đối thấp, chỉ khoảng vài ba chục người thì bây giờ, số lượng người ứng tuyển đã cao lên gấp đôi nhưng chưa chắc DN đã tuyển được người. Vì tiêu chí tuyển dụng của họ đã nâng cao hơn trước đây rất nhiều”, bà Lan chia sẻ.

Dù DN thật sự cần tìm và tuyển dụng LĐ kỹ thuật và thị trường vẫn có nhưng không khả quan, do nguồn LĐ qua đào tạo thiếu. DN muốn tuyển LĐ có nghề, trả lương thật cao nhưng rất khó tuyển.

Kết thúc năm 2024, kế hoạch nhân sự tuyển đủ 3.000 LĐ vẫn là một thách thức của Công ty TNHH Công nghệ Laser Ibe. Mức lương cạnh tranh, tiền thưởng cùng các chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn, thậm chí công ty nhận hồ sơ phỏng vấn ngay trong ngày song vẫn vắng bóng người nộp hồ sơ. Đặc biệt, các vị trí dành cho LĐ kỹ thuật lại càng khó khăn hơn. Ông Zhou Jian Chao, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Laser Ibe Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm khoảng 3.000 LĐ trong năm nay. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tình hình tuyển dụng gặp khá nhiều khó khăn vì LĐ kỹ thuật có tay nghề trong khu vực không nhiều và số lượng ứng viên đến ứng tuyển cũng không nhiều”.

Chuyên cung cấp giải pháp thông minh cho các nhà máy, Công ty CP Công nghệ thiết bị Tân Phát cũng liên tục tuyển mới nhiều LĐ. Ông Trương Thanh Tuyển, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty CP Công nghệ thiết bị Tân Phát, cho biết: “Khó khăn với chúng tôi không phải là vốn đầu tư mà công nghệ đòi hỏi nhiều LĐ kỹ thuật tay nghề cao. Hiện tại công ty liên tục tuyển mới và tạo ra các khóa đào tạo để LĐ có thể làm việc ở công ty. LĐ có thể làm việc ở các nơi khác thì Công ty vẫn sẵn sàng đào tạo lại”.

Thực tế, việc khó khăn trong tuyển dụng LĐ chất lượng cao đang diễn ra ở nhiều ngành nghề. Cũng vì thế, nhiều DN gặp khó trong kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Nửa cuối năm 2024, DN dự kiến sẽ đi vào hoạt động sản xuất lớn, ông Wuzong Sheng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Green Precision Components Việt Nam chia sẻ: “Với số lượng công nhân hiện có khoảng 150 nhân lực, DN dự kiến cần thêm ít nhất từ 500 đến 1.000 nhân lực. Khó nhất trong hoạt động tuyển dụng là tuyển dụng lao động kỹ thuật bởi tại Bắc Ninh, sự cạnh tranh giữa các công ty về nguồn LĐ là rất lớn”.

Nâng cao hiệu quả đào tạo và tuyển dụng lao động ảnh 1

Doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị máy móc để sinh viên thực tập ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Vai trò nhà trường - doanh nghiệp và Nhà nước

Thực tế cho thấy, cùng với dòng đầu tư vào Việt Nam, thị trường lao động trong nước cũng rất sôi động, nhu cầu tuyển LĐ có trình độ, tay nghề ngày một lớn. Vấn đề đặt ra là làm sao khâu đào tạo nguồn nhân lực có thể ăn khớp được với nhu cầu đó? TS Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Dầu khí Việt Nam (PVU) cho biết: “Mặc dù nguồn nhân lực của thị trường thiếu hụt nhưng không vì thế mà các DN tuyển dụng những sinh viên không đáp ứng được yêu cầu. Đối với Trường ĐH Dầu khí Việt Nam cũng như Trường cao đẳng (CĐ) Dầu khí Việt Nam thì hầu như 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có được việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Đối với Trường ĐH Dầu khí Việt Nam, thậm chí ngay trong quá trình học tập hay làm luận văn tốt nghiệp, các em đã có cơ hội việc làm đến 60%”.

Kinh nghiệm được lãnh đạo ĐH Dầu khí chia sẻ chính là nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo và kết hợp “ăn ý” với DN. “Tất cả các chương trình đào tạo của Trường ĐH Dầu khí Việt Nam hiện tại được công nhận theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Tổ chức Giáo dục Mỹ (APUS) và hệ thống giáo dục của Trường ĐH Dầu khí Việt Nam cũng được công nhận kiểm định cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường CĐ Dầu khí cũng đạt được chứng chỉ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó thấy rằng, chương trình đào tạo cũng như hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, nhà trường xác định việc gắn kết với DN là rất quan trọng. Với tính khắt khe và đặc thù của ngành dầu khí, trong thời gian vừa qua, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam đã phối hợp, tham vấn ý kiến của các DN để xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng những chuẩn đầu ra để khi sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng ngay được nhu cầu của thị trường lao động. Trong quá trình học, nhà trường tìm cơ hội cho sinh viên thực tập tại DN. Điều này giúp sinh viên có thể nhuần nhuyễn kỹ thuật trong công việc và cũng để làm quen với môi trường làm việc thực tế. Sau khi sinh viên tốt nghiệp, nhà trường vẫn thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến đánh giá từ DN để phản hồi lại chất lượng sinh viên của mình. Từ đó, tiếp tục cải thiện chương trình đào tạo.

Còn với lĩnh vực điện - điện tử, bán dẫn, hệ thống trang thiết bị phòng thí nghiệm vi mạch điện tử, các thiết bị ngoại vi đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhưng không phải trường nào cũng có thể chủ động được hạ tầng cho giảng dạy. Ông William Liu, Tổng Phụ trách Trung tâm Quản lý nguồn nhân lực, Công ty Goertek Vina chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng kết hợp với các nhà trường để lấy nguồn nhân lực, sau đó, đưa ra phương án đào tạo liên kết, cùng nghiệm thu tính hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mấu chốt là làm sao đẩy nhanh kỹ năng thực hành, kiểm thực kỹ sư trẻ chuyên sâu điện - điện tử”.

Ông Vũ Quang Khuê, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp với khoảng hơn 30 DN chiến lược để thành lập các hội đồng tư vấn nghề, bao gồm thành viên của nhà trường và các thành viên của DN. Mỗi một DN có một đặc thù và một chương trình định hướng mở. Mục đích cuối cùng là sản phẩm đầu ra của chúng tôi phải đáp ứng ngay vị trí việc làm của DN”.

Như vậy, những cái bắt tay giữa DN với các trường ĐH và CĐ tại địa phương sẽ giúp sinh viên có thể tham gia ngay và làm việc tại tổ hợp, giải quyết bài toán LĐ tại chỗ cho nhà đầu tư.

Bên cạnh mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và DN. Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Search khẳng định không thể thiếu vai trò của Nhà nước. “Trên thị trường lao động đã có một số ngành nghề mới phát triển ở Việt Nam. Vậy vai trò của Nhà nước là vừa định hướng thu hút đầu tư, vừa đưa ra những định hướng cho các cơ sở giáo dục. Có cơ chế đào tạo hoặc mở thêm các cơ sở đào tạo phục vụ đúng ngành đó. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng để DN đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường được thuận lợi hơn nữa”, bà Lan đề xuất.