Bài viết tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025

Chuyện một người Hà Nội

Trong không khí phấn khởi kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp - một người con của Hà Nội bồi hồi nhớ lại những năm tháng cũ. Bà tự hào vì đã được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước, dân tộc...
Bà Ngọc Diệp hồi tưởng ký ức trước bức tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bà Ngọc Diệp hồi tưởng ký ức trước bức tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Con đường đúng đắn

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp (sinh năm 1936) dù đã gần bước sang tuổi 90 nhưng vẫn giữ được phong thái trẻ trung, nhanh nhẹn, sống lạc quan, yêu đời. Hằng ngày, bà Diệp luôn bận rộn với nhiều công việc, theo đúng tiêu chí “sống vui, khỏe, có ích”. Các buổi sáng trong tuần, bà Diệp vẫn dành thời gian hướng dẫn các chị em hội cựu chiến binh tập múa ngay tại nhà mình để chuẩn bị cho một chương trình văn nghệ sắp diễn ra.

Nhớ lại những ngày tháng cũ, bà Diệp kể: Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, bà chưa đầy 9 tuổi, sống cùng bố mẹ tại số nhà 86 Mã Mây, (Hà Nội). Trước đó, người cha thi đỗ tham tá và được tuyển làm công chức tại Nha trước bạ nên còn được bà con gọi là “ông Tham Đắc”. Mẹ bà cũng giống như nhiều phụ nữ thuở ấy, chuyên tâm ở nhà làm nội trợ, chăm lo nuôi dậy các con. Hưởng ứng “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “ông Tham Đắc” trút bỏ mọi chức tước, bổng lộc, một lòng, một dạ quyết tâm đi theo Cụ Hồ. Việt Nam giành độc lập, tự do chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở mặt, thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Tháng 10/1946, dưới sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng, người dân thủ đô được lệnh tản cư lên Việt Bắc để bảo toàn lực lượng.

Năm 1951, khi vừa tròn 15 tuổi, nhờ sự dẫn dắt của anh trai là chiến sĩ của Đại đoàn 308, Ngọc Diệp tình nguyện tham gia đội văn công của đơn vị. Những ngày tháng ấy, Ngọc Diệp cùng các đồng đội được học chính trị, nhận thức một cách rõ ràng kẻ thù của đất nước là gì? Tại sao phải chiến đấu? Tại sao phải giành độc lập, tự do? Thực dân Pháp cai trị dân ta như thế nào, khiến người dân bị đàn áp khổ cực ra sao. Nhờ đó cô thiếu nữ Hà thành thấy rõ con đường đúng đắn mình cần phải đi là làm cách mạng, đi theo Bác Hồ.

Nhưng để có được thay đổi lớn lao về tư tưởng cho đến hành động là một quá trình nỗ lực quyết tâm rất lớn của từng cá nhân. Bởi chỉ cần hình dung, một cô bé đang ở tuổi vô tư, hồn nhiên giờ đây hằng ngày phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ra thao trường, bất kể ngày đông rét buốt hay nắng nóng nung người thì không phải là thử thách dễ dàng ngay cả đối với người trưởng thành, nhưng Ngọc Diệp đã làm được. Ngọc Diệp và các đồng đội luôn cháy hết mình cho những đêm diễn giữa chiến trường khốc liệt, không sân khấu, không đèn đóm, giữa vòng tay yêu thương, trìu mến của đồng đội, có người mặt vẫn còn sạm đen bởi khói súng.

Hầu hết các anh chị em trong đoàn văn công khi đó đều không được đào tạo bài bản bởi vậy sự quyết tâm, chịu khó học hỏi của từng cá nhân là hết sức quan trọng. Trong điều kiện thiếu thốn nơi chiến trường, cô văn công Ngọc Diệp ngày ấy đã rất có ý thức tự đào tạo, nâng cao trình độ của bản thân, vừa phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ.

Chuyện một người Hà Nội ảnh 1

Cô văn công Ngọc Diệp (ở giữa) cùng đồng đội những ngày đầu trở về Thủ đô.

Tất cả vì niềm tin chiến thắng

Nhập ngũ năm 1951, Trung tá Ngọc Diệp có vinh dự trải qua hai chiến dịch lớn là Chiến dịch Hòa Bình (diễn ra từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952), và Chiến dịch Trần Đình (Chiến dịch Điện Biên Phủ). Nhằm bảo đảm bí mật nên thời điểm đó dù có tên trong danh sách, Ngọc Diệp cũng không biết mình sẽ đi vào mặt trận nào hay tên chiến dịch là gì. Nhưng với tinh thần nhiệt huyết của tuổi đôi mươi chỉ cần có lệnh là cô sẵn sàng lên đường. Cô văn công người Hà Nội mười tám đôi mươi vai nặng trĩu quân trang gồm một chiếc ba-lô, một bao gạo khoảng 3-4 kg, một cái xẻng kiêm cuốc và một ống nước bằng tre, miệt mài hành quân giữa thời tiết khắc nghiệt, ròng rã ngày này sang ngày khác nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Không chỉ làm nhiệm vụ biểu diễn văn nghệ, đội văn công còn được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Như trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, gần sát ngày tổng phản công, bà Diệp và một người đồng đội được giao làm lá quân kỳ “Quyết chiến, quyết thắng” nhằm cổ vũ tinh thần cho bộ đội ta. Vải đỏ thì đã được chỉ huy đơn vị phát cho, nhưng làm thế nào để có được ngôi sao vàng chính giữa và dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng” là điều bà Ngọc Diệp vô cùng băn khoăn. Chưa kể quanh lá cờ cũng cần phải có tua trang trí. Giữa chiến trường biết tìm đâu ra phụ liệu để hoàn thành lá cờ như cấp trên giao? Cái khó ló cái khôn, bà Diệp nảy ra ý tưởng lấy những viên thuốc sốt rét màu vàng giã ra, nhuộm mầu cho miếng băng gạc được phát phòng khi bị thương, rồi cắt ra ghép lại thành ngôi sao 5 cánh. Chữ “Quyết chiến, quyết thắng” cũng được khâu theo cách tương tự, còn tua cờ thì ghép từ dây dù.

Dồn tâm huyết hoàn thành xong lá quân kỳ bà Diệp trân trọng giao lại cho nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiền để chuyển xuống hầm cho bộ đội. Nghe kể lại bộ đội ta phấn khởi ôm lấy lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”, tuyệt đối tin tưởng vào chiến thắng, nguyện cống hiến hết mình vì độc lập tự do cho dân tộc, bà Ngọc Diệp xúc động đến ứa nước mắt. Bà rưng rưng: “Tôi tự hào vì tuổi thanh xuân đã cống hiến cho chiến trường, tiếp lửa tinh thần cho bộ đội, tất cả vì chiến thắng”. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngọc Diệp được tổ chức xem xét là đối tượng ưu tú để phát triển đảng. Năm 1955, cô thiếu nữ Hà Nội vừa tròn 19 tuổi đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Sau 8 năm rời xa Hà Nội, kể từ ngày theo gia đình tản cư lên chiến khu, cuối tháng 10/1954 nữ văn công Ngọc Diệp và các đồng đội được về Hà Nội. Đi giữa phố phường Thủ đô những ngày đầu giải phóng rực rỡ sắc cờ, rộn rã tiếng nói cười, tận hưởng không khí thu dịu dàng, lòng bâng khuâng nhớ lại những ký ức ngày cũ, cô thiếu nữ Ngọc Diệp tự thấy mình trưởng thành, chững chạc lên thật nhiều. Nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào của bà lúc đó là được cùng các đồng đội biểu diễn phục vụ cho những người dân Thủ đô. Các đêm diễn hầu hết được tổ chức ngay cạnh khu vực cạnh hồ Hoàn Kiếm, bà con háo hức kéo đến xem rất đông, vây kín quanh sân khấu. Buổi biểu diễn thường kết thúc bằng múa sạp, người dân thủ đô tay trong tay cùng các văn công trong đoàn rộn ràng hát múa, tạo nên một không khí vô cùng sôi nổi, hào hứng.

Trong không khí rộn ràng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, bà Ngọc Diệp không khỏi xúc động, bồi hồi, nhớ lại những ngày tháng hào hùng trong lịch sử. Điều hạnh phúc nhất của bà là các con cháu mình luôn tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, và luôn mong muốn được nghe bà kể thật nhiều câu chuyện về những năm tháng chiến tranh để hiểu thêm về lịch sử của dân tộc cũng như hiểu hơn sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh, trong đó có cha mẹ mình. Trong những câu chuyện gia đình, trong dòng hồi tưởng về quá khứ, tinh thần nhiệt huyết, luôn sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng, xã hội vẫn luôn được bà truyền sang các con mình, để từ đó biến thành những việc làm, hành động có ý nghĩa.

Trong số các sáng kiến của Ngọc Diệp được đồng đội đánh giá cao phải kể đến sáng kiến dùng nắp bật lửa xâu vào dây dù thay chuông đeo vào tay khi biểu diễn điệu múa xòe hoa học được từ đồng báo Thái, tạo ra âm thanh vui tai. Bộ đội ta đã gọi vui đó “điệu xòe bật lửa” độc nhất vô nhị trên chiến trường Tây Bắc.