Đổi mới sáng tạo lấy người dân là trung tâm

Mới đây, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã khép lại sau hai ngày diễn ra đầy sôi nổi tại Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc.
Sinh viên theo học ngành công nghệ đang có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: NGUYỄN NAM
Sinh viên theo học ngành công nghệ đang có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: NGUYỄN NAM

Hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới. Thủ tướng đã nêu rõ ba quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong đó chỉ rõ, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững. Đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Thủ tướng đã công bố Ngày 1/10 hằng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia. Về các nhiệm vụ, giải pháp chung, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, bảo đảm tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp (DN); tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50 nghìn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.

Tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính, nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách nhà nước (NSNN), DN, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước… Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, DN. Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế, trong đó lưu ý vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của toàn cầu..

Với tinh thần “bốn cùng”: “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển”, “cùng chia sẻ niềm vui hạnh phúc và niềm tự hào”, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương luôn trân trọng lắng nghe và cảm ơn những ý kiến đóng góp để rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan.

Sau 5 năm thành lập, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã và đang tạo ra một môi trường thuận lợi để các DN, startup và nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng những công nghệ tiên tiến. NIC phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái AI và bán dẫn cũng như vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 2 bậc so năm 2023, tăng 4 bậc so năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên hợp quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 lên vị trí 71/193.

“NIC giờ đây đã là hạt nhân của hệ sinh thái, cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện - trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo… để dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam…”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết. Bộ trưởng kỳ vọng: “Làm sao biến NIC trở thành đẳng cấp khu vực, Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới, trước mắt là hình thành 9 ngành công nghệ đã xác định ưu tiên lựa chọn, giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất từng cơ hội nhỏ nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Đổi mới sáng tạo lấy người dân là trung tâm ảnh 1

Một mô hình trưng bày tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Rộng mở cơ hội việc làm trong những lĩnh vực công nghệ cao

Thời gian qua, NIC đã rất chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. NIC cũng tổ chức rất nhiều hội thảo tìm kiếm cơ hội việc làm. Tại sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm, thu hút sự góp mặt của hàng trăm sinh viên đến từ hơn 20 trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước.

Khi đặt câu hỏi: “Nếu có cơ hội làm việc cho một tập đoàn hàng đầu thế giới, bạn sẽ chọn tập đoàn nào?”, nhiều bạn sinh viên đã có những câu trả lời: “Cá nhân em chọn Google”. “Còn em chọn Meta”. “Em chọn SamSung”… Rất nhiều bạn sinh viên có mặt tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 chọn những cái tên này làm nơi làm việc yêu thích của mình sau này. Cơ hội việc làm đang rất rộng mở khi NIC đã ký rất nhiều chương trình hợp tác với hai tập đoàn này, cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đem những công nghệ hàng đầu thế giới về với Việt Nam.

Sau 5 năm hình thành và phát triển, NIC đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Meta, Google… Thông qua NIC, Google đã cung cấp 40 nghìn suất học bổng về AI cho các startup, sinh viên và giảng viên của hơn 80 trường đại học trên khắp cả nước. Còn Meta, dự kiến sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm và hàng triệu USD cho Việt Nam nhờ vào việc sản xuất kính thực tế ảo. Ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại toàn cầu, Tập đoàn Meta cho biết: “Chúng tôi đã quyết định sẽ sản xuất kính thực tế ảo tại Việt Nam. Hoạt động này sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm mới giúp Việt Nam ở vị trí trung tâm của bản đồ thế giới về các sản phẩm và công nghệ vũ trụ ảo Metaverse”.

Không chỉ cung cấp học bổng, trụ sở của NIC tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc còn đang trở thành vườn ươm đổi mới sáng tạo cho thế hệ trẻ với nhiều trung tâm đào tạo trong nước và quốc tế được xây dựng. Tại đây nhiều kỹ sư giàu kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia sẽ đào tạo chuyên sâu cho các nhân sự hạt giống theo chương trình đạo tạo “thầy” (train for trainer) giải quyết giảng viên bán dẫn thiếu hụt cho Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, NIC còn được giao một nhiệm vụ quan trọng là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Đây là mục tiêu rất tham vọng, chiến lược, đó là từ nay đến năm 2050 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam và có thể là nước ngoài. “Chúng ta đang có nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải khai thác triệt để chứ không đào tạo không có tay nghề đáp ứng được. Nhu cầu rất lớn, con người rất sẵn, chúng ta sẽ đào tạo được, niềm tin chúng ta sẽ nhanh chóng vươn lên, chiếm lĩnh chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một trong những nhiệm vụ mà NIC đang hướng rất mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Sản phẩm Công ty CT Semiconductor (DN chuyên về công nghệ vi mạch bán dẫn (OSAT), trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch tuyển giáo viên nước ngoài, có kinh nghiệm thực chiến trong mảng bán dẫn từ 15-20 năm, tận dụng lợi thế kinh nghiệm của họ để đào tạo nhân lực hạt giống giúp ta. Từ đó, nhân rộng lên tạo ra một nguồn lực từ đội ngũ thầy rồi đến các em sinh viên”.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa giao cho NIC phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học Bang Arizona triển khai chương trình tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói kiêm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025. Đồng thời Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc) để cùng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Cơ hội việc làm trong những lĩnh vực công nghệ cao đang rộng mở với thế hệ trẻ Việt Nam nhờ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang ngày càng phát triển.

Sau 5 năm hoạt động, NIC đã kết nối 50 doanh nghiệp, tập đoàn; hơn 200 quỹ đầu tư; khoảng 10 viện, trường; phát triển Mạng lưới 2.000 chuyên gia, trí thức tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 60 trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước; 80 tổ chức hỗ trợ.