Nổi bật bản sắc cây tre Việt Nam

Những tuần cuối của năm 2023, Việt Nam vẫn bận rộn lịch trình dày đặc, vừa đón tiếp trọng thị các đoàn cấp cao nước ngoài, nâng tầm các mối quan hệ song phương, vừa tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của khu vực và thế giới. Trong dòng chảy hợp tác sôi động, bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam" rực sáng trong bức tranh thành tựu mới của đất nước, nổi bật lên hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 12/12/2023. Ảnh: DUY LINH
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 12/12/2023. Ảnh: DUY LINH
Phát biểu trong Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ngành ngoại giao đã "đi đầu trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước", "đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ kết quả, thành tựu chung của đất nước"; đồng thời chỉ đạo: "Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế".

TRÊN gốc vững và thân chắc, cành nhánh cây tre ngoại giao Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục uyển chuyển vươn xa, với việc "dải đất hình chữ S" thiết lập quan hệ ngoại giao với Bahamas, Trinidad và Tobago, cũng như Tonga, nâng số quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên 193, qua đó tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Vừa thiết lập các mối quan hệ mới, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy, nâng tầm quan hệ song phương với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Hiện Việt Nam có 18 Đối tác chiến lược, trong đó có sáu Đối tác chiến lược toàn diện, cùng 12 Đối tác toàn diện. Toàn bộ năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, trong đó có ba Đối tác chiến lược toàn diện, qua đó tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.

Khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, tạo thêm xung lực cho hợp tác ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cục diện đối ngoại rộng mở được củng cố vững chắc, là điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Năm qua, hơn 20 chuyến thăm, công tác của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược và nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống, cùng số lượng tương đương chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, đáng chú ý là các chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden..., tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước, củng cố vững chắc độ tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác ngày càng rộng mở, thực chất và hiệu quả. Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược; Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới không chỉ phù hợp lợi ích của mỗi bên, mà còn mang đến sự phát triển lâu dài, toàn diện ở khu vực, đóng góp cho hòa bình và phát triển chung của thế giới.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, khó lường, nhiều thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn. Nhận thức rõ nhiệm vụ và yêu cầu nặng nề hơn trước đối với công tác đối ngoại, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xử lý khéo léo, đúng đắn các vấn đề ngoại giao, quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, linh hoạt, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ và nguồn lực tạo xung lực và cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn sẵn sàng thúc đẩy sáng kiến, đóng góp bằng những nỗ lực cụ thể tại các cơ chế đa phương, thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tại ASEAN, Việt Nam lan tỏa thông điệp hướng tới khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như định hướng thiết thực củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng. Tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương, Việt Nam tiếp tục khẳng định là mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hay Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường", Hội nghị cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tuần lễ cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28)..., những đóng góp của Việt Nam được thế giới ghi nhận, là cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Nổi bật bản sắc cây tre Việt Nam ảnh 1
Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VĂN HIẾU

Không chỉ lan tỏa những thông điệp lớn, quan trọng góp phần vào nỗ lực chung xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể để giải quyết các thách thức toàn cầu, Việt Nam còn mang đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu một tinh thần trao đổi cởi mở, truyền tải mạnh mẽ thành tựu phát triển đất nước, cũng như tiềm năng, thế mạnh của "dải đất hình chữ S", từ đó giúp giới doanh nghiệp hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, để mạnh dạn tăng niềm tin và đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam.

Năm 2023 cũng là năm ghi dấu nhiều trọng trách quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam tham gia có trách nhiệm và thể hiện dấu ấn ngay trong khóa họp đầu tiên. Việt Nam cũng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, đồng thời trúng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO... Việt Nam đóng góp tích cực vào các vấn đề chung, như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo các quốc gia chịu xung đột, thiên tai…

BỘ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, những thành tựu kể trên là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, là kết tinh nỗ lực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị. Kết quả đó cũng khẳng định bản sắc độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, thấm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Bộ trưởng cho rằng, có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.