Nỗ lực vượt khó duy trì sản xuất

Trong ngành da giày và dệt may, số lượng đơn hàng giảm từ đầu năm cho đến nay khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa xưởng sản xuất. Các doanh nghiệp còn hoạt động thì cố gắng tổ chức sản xuất trong bối cảnh đơn hàng ít và việc làm thiếu.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động đăng ký thông tin tìm việc tại trung tâm giao dịch việc làm.
Người lao động đăng ký thông tin tìm việc tại trung tâm giao dịch việc làm.

Cố giữ lao động khi đơn hàng giảm

Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão, khoảng 1.000 công nhân tại một công ty da giày đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phải nghỉ việc và chuyển việc. Công ty này đã dồn lao động từ xưởng ở các khu vực khác về để tiết kiệm chi phí.

Còn tại Công ty TNHH Sao Vàng, giờ này năm trước, công nhân chạy ba ca, còn bây giờ chỉ 8 giờ đồng hồ. Doanh nghiệp cũng phải cân đối lại đơn hàng để chia đều việc cho các nhà máy. Công nhân ở xưởng ít việc được bố trí xe đưa đón đi làm ở các xưởng có nhiều việc. Chị Nguyễn Thu Thủy, Công nhân Công ty TNHH Sao Vàng cho biết: “Tăng ca tuy ít hơn mọi năm nhưng thu nhập công nhân chúng tôi vẫn ổn định, bảo đảm đời sống. Trong công ty chưa có ai phải nghỉ việc”. Chị Phạm Thị Mai, Công nhân Công ty TNHH Sao Vàng chia sẻ: “Thu nhập dù không dư dả, chỉ đủ trang trải cuộc sống thôi nhưng so với nhiều công ty khác thì chúng tôi vẫn có mức thu nhập ổn định”.

So với thời gian trước, mỗi tháng thu nhập của một công nhân giảm khoảng ba triệu đồng, dù vậy Công ty TNHH Sao Vàng vẫn cam kết đóng đầy đủ bảo hiểm và bảo đảm phúc lợi cho người lao động. Ông Lê Văn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sao Vàng cho biết: “Hiện tại công ty chúng tôi chưa sa thải bất kỳ người lao động nào. Từ giờ đến cuối năm công ty cũng chưa có kế hoạch cắt giảm lao động. Ban lãnh đạo công ty vẫn cố gắng tìm kiếm những đơn hàng mới, bạn hàng mới. Lượng đơn hàng hiện nay vẫn đủ cho công nhân làm, mức thu nhập của người lao động ổn định. Mọi chế độ, chính sách về lương, thưởng cho người lao động sẽ vẫn được bảo đảm”.

Thống kê của Hiệp hội da giày cho thấy, số lượng đơn hàng giảm tới 30%. Với những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, điều cần quan tâm lúc này là tìm việc làm mới cho người lao động.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: “Việc đẩy mạnh giao dịch việc làm và hỗ trợ kết nối cung cầu là then chốt vì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang cần tuyển lao động nhưng không tuyển được. Hiện nay, ngay cả ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và Bình Dương có những doanh nghiệp sa thải lao động nhưng có những doanh nghiệp vẫn tuyển dụng lao động nhưng không tuyển hết được. Chúng ta phải tăng cường đào tạo ngắn hạn để người lao động thích ứng với công việc mới trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc làm hiện nay”.

Về lâu dài, hỗ trợ cho người lao động khi bị thiếu hay mất việc làm, không đơn thuần là tìm việc làm mới cho họ, mà cần phải thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực. Quá nhiều lao động phổ thông sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi phụ thuộc vào các đơn hàng từ nước ngoài.

Doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long tăng tuyển dụng

Trong lúc này, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều doanh nghiệp, công ty lại đang có nhu cầu tăng tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất. Thậm chí, có doanh nghiệp tuyển dụng cùng lúc hàng nghìn lao động. Các lĩnh vực thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long như thủy sản, trái cây… đang được đầu tư mở rộng các nhà máy chế biến. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Một hợp tác xã cho biết, chanh không hạt, bưởi Năm Roi… của hợp tác xã dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường Australia, Nhật Bản, New Zealand. Kéo theo đó các đơn hàng sáu tháng cuối năm sẽ tăng hơn 30% so với năm ngoái. Do vậy, hợp tác xã tăng tuyển dụng thêm khoảng 120 lao động.

Theo ông Lê Công Lập, đại diện Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh, doanh nghiệp này đang cần thêm 150 lao động nhằm kịp sản xuất trái xoài đang bước vào mùa chín rộ. Dự kiến sản lượng đợt này khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, tính mùa vụ là bài toán nan giải mà doanh nghiệp phải đối mặt khi cần một lượng lớn công nhân.

“Khi vào mùa chúng tôi cần số lượng lớn lao động phục vụ sản xuất. Nhưng lúc cần nhiều thì tuyển nhanh lại không có người. Mà lúc có người rồi thì khi hết vụ làm sao phải giữ được họ, duy trì một lượng công nhân ổn định”, ông Lập nói về bài toán giữ chân lao động.

Còn theo Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, đơn hàng từ doanh nghiệp đã quay trở lại ổn định. Điều này đã kéo theo nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp tăng thêm 3.600 lao động, tập trung vào các ngành nghề: may mặc, chế biến thủy sản, thực phẩm, cơ khí - điện tử…

Dự báo nửa năm còn lại, nhu cầu lao động sẽ còn tăng do nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Đại diện một số doanh nghiệp nhận định, trong bối cảnh đơn hàng còn đang gặp nhiều khó khăn thì việc mở rộng, tìm thêm các thị trường mới là cách để doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng sản xuất. Do vậy, lực lượng lao động đóng vai trò khá quan trọng giúp họ hoàn thành kế hoạch đã đề ra.