Nỗ lực hơn để nâng hạng tín nhiệm

Mới đây, Fitch Ratings đã xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức “BB” với triển vọng tích cực. Tuy nhiên, cũng theo tổ chức này, triển vọng vẫn bị hạn chế bởi những rủi ro về trách nhiệm pháp lý liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước và những yếu kém về cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng. 

Trong năm 2021, dự trữ ngoại hối tiếp tục được cải thiện. Ảnh: SONG ANH
Trong năm 2021, dự trữ ngoại hối tiếp tục được cải thiện. Ảnh: SONG ANH

Fitch Ratings là một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn và uy tín nhất trên thế giới. Báo cáo và xếp hạng của tổ chức này có ảnh hưởng lớn đến các quyết định đầu tư của nước ngoài. Từ năm 2018, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định. Sự kiện tổ chức này khẳng định xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức “BB+” với triển vọng tích cực vào ngày 28/3 vừa qua, phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn mạnh mẽ và có thể dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn.

Xếp hạng BB được đánh giá bằng rất nhiều yếu tố như triển vọng tăng trưởng, nợ công, dự trữ ngoại tệ, chính sách tài khóa, chỉ số quản trị... Theo đánh giá của Fitch, tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2,6% năm 2021 sẽ lên mức 6,1% trong năm nay và 6,3% trong năm 2023, với sự phục hồi của nhu cầu trong nước, xuất khẩu mạnh và dòng vốn FDI cao, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng, bao gồm tác động kinh tế toàn cầu của cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga, các cú sốc liên quan dịch Covid-19 và giá hàng hóa cao. 

Hiện tại, mặc dù có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của nhu cầu bên ngoài do mức độ mở cửa cao của nền kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong trung hạn, được hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh về chi phí, sự chuyển hướng thương mại từ các nước láng giềng và việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng. Dòng vốn FDI liên quan đến xuất khẩu vẫn chưa suy yếu mặc dù xuất hiện sự gián đoạn trong nguồn cung vào quý III/2021. Đầu tư vào nước ngoài vẫn tăng mạnh trong năm 2021 ở mức 19,7 tỷ USD, giảm nhẹ so với 20 tỷ USD vào năm 2020. 

Trong năm 2021, dự trữ ngoại hối tiếp tục được cải thiện do Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách để ổn định tiền tệ. Dự trữ ngoại hối được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI lớn đã tăng lên mức 109,4 tỷ USD vào cuối năm 2021. Theo dự báo của Fitch thì tỷ giá hối đoái sẽ tăng dần và thặng dư tài khoản vãng lai có thể đảo ngược vào năm 2022 và 2023 từ mức thâm hụt khoảng 1% GDP vào năm 2021. Trong trường hợp tiền tệ biến động quá mức, dự trữ ngoại hối sẽ là một lớp đệm chống lại các cú sốc và hỗ trợ tỷ lệ thanh khoản đối ngoại mạnh mẽ, vào khoảng 340% vào cuối năm 2021, trên mức trung bình “BB” là 175%. 

Về chính sách tài khóa, đầu năm 2022, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022-2023 để thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, với ngân sách chi tối đa 240.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP năm 2021. Gói chính sách tài khóa này gồm các biện pháp như cắt giảm, hoãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm phúc lợi xã hội, tạo việc làm, nâng cao vấn đề chăm sóc y tế. Gói hỗ trợ này sẽ dẫn đến thâm hụt tài khóa rộng hơn là 4,8% GDP năm 2022 và 4,2% năm 2023.

Gói kích thích tài khóa cũng bao gồm thành phần chi phí vốn trị giá khoảng 2% GDP năm 2022, có thể hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trung hạn, mặc dù có những rủi ro đối với năng lực thực hiện của các cơ quan chức năng. Cơ sở doanh thu thấp của Việt Nam so với các nước đồng cấp vẫn là một điểm yếu trong hồ sơ tín dụng.

Riêng nợ công ở Việt Nam thấp hơn so mức trung bình “BB” do thành công sớm trong việc ngăn chặn đại dịch. Dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tăng lên khoảng 42% vào năm 2023, từ mức ước tính 39,7% vào năm 2021. Con số này thấp hơn nhiều so mức trung bình “BB” là 54,5% vào năm 2022 và 55,3% vào năm 2023. Nợ công trên doanh thu là 213,5%, thấp hơn mức trung bình “BB” là 239,3%. Nhưng vẫn tồn tại các rủi ro trong các doanh nghiệp nhà nước. Sự yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng cũng là yếu tố cản trở thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, như vốn hóa mỏng, tồn tại các khoản nợ xấu chưa được đánh giá đúng mức...

Về thu nhập bình quân đầu người và các chỉ số phát triển con người, Việt Nam đang yếu hơn so các nước đồng cấp. Fitch ước tính thu nhập bình quân đầu người là 3.685 USD vào cuối năm 2021, so mức trung bình “BB” là 5.261 USD. Việt Nam nằm ở phân vị thứ 38 trong Chỉ số phát triển con người của LHQ, so với phân vị thứ 50 của trung vị “BB”. Trong Bảng xếp hạng mới nhất về quản trị của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng của Việt Nam ở phân vị thứ 43, dưới phân vị thứ 46 của mức trung bình ngang hàng.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến Việt Nam được xếp hạng ở mức “BB” với triển vọng tích cực. Tuy nhiên, xếp hạng “BB” được định nghĩa là “Xếp hạng BB cho thấy mức độ dễ bị tổn thương cao đối với rủi ro vỡ nợ, đặc biệt trong trường hợp có những thay đổi bất lợi trong điều kiện kinh doanh hoặc kinh tế theo thời gian; tuy nhiên, tồn tại sự linh hoạt về kinh doanh hoặc tài chính hỗ trợ việc thực hiện các cam kết tài chính”. Điều này cho thấy Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để nâng hạng BBB-, trở thành một thị trường thật sự đáng đầu tư trong con mắt quốc tế.