Nỗ lực “hạ nhiệt” giá cước vận tải biển

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Giá cước tàu vận chuyển đường biển liên tục biến động, tăng gấp hai lần so với hồi quý I/2024. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Giá cước tàu vận chuyển đường biển liên tục biến động, tăng gấp hai lần so với hồi quý I/2024. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9%; trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD.

Doanh nghiệp đau đầu với cước vận tải biển tăng đột biến

Chưa kịp vui mừng vì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có sự phục hồi mạnh mẽ đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái, giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu trong các mặt hàng nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, giá cước tàu vận chuyển đường biển liên tục biến động, tăng gấp 2 lần so với hồi quý I/2024. Hiện nay, cước hàng đi từ TP Hồ Chí Minh đến Mỹ loại container 40 feet đã tăng lên 7.000 USD, trong khi hồi đầu năm, giá cước chỉ neo ở mức hơn 3.000 USD. Giá cước tàu tăng tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tương tự, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, trong 6 tháng vừa qua, một loạt các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc đều có tăng trưởng khá. Tuy vậy, ngành gỗ cũng đang đau đầu với chuyện cước vận tải biển tăng rất đột biến. Điều này đã gây thiệt hại lớn doanh nghiệp trong nước do sản phẩm gỗ là sản phẩm cồng kềnh chi phí vận tải biển lớn. “Không chỉ cước phí tăng cao, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thiếu tàu biển và container rỗng để vận chuyển hàng. Trên thực tế, các doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu thậm chí rất khó khăn để hàng được vận chuyển đi, khiến phụ phí tại các cảng biển cũng tăng lên đáng kể”.

Nhìn nhận thực tế này, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, chi phí logistics gắn liền với vận tải biển bị tăng lên rất nhiều. So sánh giá cước kết nối Việt Nam, Đông Nam Á sang châu Âu hay Bờ Đông, Bờ Tây nước Mỹ hiện nay đã lên cao bằng giai đoạn dịch Covid-19. Nguyên nhân là do ảnh hưởng xung đột địa chính trị trên thế giới, tình hình bất ổn ở Biển Đỏ làm cho các hãng tàu mẹ thay đổi hành trình. Thay vì đi trực tiếp qua kênh Suez thì lại phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng làm cho cung đường tăng lên khoảng hơn 8.000 hải lý và thời gian kéo dài đến 2 - 3 tuần.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu trên thế giới tranh thủ xuất khẩu và nhập khẩu nhiều mặt hàng trước quyết định tăng thuế của Mỹ và châu Âu từ 1/8, làm cho nhu cầu vận chuyển tăng lên, gây tắc nghẽn cục bộ. Điều này khiến cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung bị động và phát sinh thêm nhiều khoản phụ phí từ các hãng tàu đưa ra. Có trường hợp doanh nghiệp đã giao hàng lên tàu 2 tuần mới nhận được đề nghị tăng phụ phí, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Chưa kể, từ việc tăng thời gian vận chuyển cũng kéo theo tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian giao, nhận hàng của nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Thúc đẩy hợp tác về logistics

Trong thư vừa gửi đến Chủ tịch Liên đoàn quốc tế Các Hiệp hội giao nhận (FIATA), Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, với vai trò của FIATA là cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, Việt Nam mong muốn Chủ tịch FIATA hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực, giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng.

Trong đó, Bộ trưởng đề xuất giải pháp của FIATA cho vấn đề có tính toàn cầu này. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng. Trong phạm vi ảnh hưởng của mình với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam. Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu. Ủy quyền cho các tổ chức Việt Nam tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ FIATA để góp phần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cao.

Trước những biến động của thị trường vận tải biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển. Các đơn vị của ngành hàng hải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp cảng biển, các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát chặt chẽ tình hình tắc nghẽn tại các bến cảng, tình hình cung cấp vỏ container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo định kỳ Cục Hàng hải Việt Nam để đưa ra các giải pháp kịp thời.

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển. Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò, tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thấp nhất tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Về phía Hiệp hội, ông Lê Quang Trung cho biết, các doanh nghiệp logistics cũng đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trong hoạt động vận tải nội địa, hay tìm ra một số phương thức vận chuyển khác như vận tải đường sắt, đường hàng không kết hợp đa phương thức…

Các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cũng đang tiếp tục đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành logistic, đồng thời hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ các ngành riêng biệt. “Trong 6 tháng cuối năm, với sự đồng hành của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics, vận tải và sản xuất trong việc điều chỉnh lại kế hoạch vận chuyển thì giá cước vận tại biển và các chi phí gián tiếp đang dần xu hướng giảm xuống”, ông Trung kỳ vọng.