Đó là Khu bảo tồn biển Hòn Mun ở vịnh Nha Trang, điểm du lịch nổi tiếng thế giới, mệnh danh là chốn thiên đường đáy biển, được Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đánh giá là khu vực đa dạng sinh học biển bậc nhất ở Việt Nam. Đặc biệt ở đây rất phong phú về san hô, cùng các sinh vật biển nhiệt đới.
Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, sau khi khảo sát và được các nhà hải dương học thế giới đánh giá cao, Viện Hải dương Nha Trang đã xúc tiến thành lập “Công viên biển” vào năm 1993. Tới năm 2001 thì nâng cấp thành Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Gọi là Hòn (đảo) Mun nhưng thực tế đây là quần thể biển rộng lớn có diện tích khoảng 160 km2, bao gồm 38 km2 mặt đất (đảo) và 122 km2 mặt nước bao gồm các đảo: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm và Hòn Ngọc. Với giá trị to lớn và vô giá đó, kể từ khi trở thành Khu bảo tồn biển Hòn Mun, nơi đây thu hút hàng vạn du khách khắp nơi tới thăm, lặn biển để thưởng thức khám phá.
Vượt sóng gió bảo vệ biển suốt đêm
Anh Đặng Thành Nhiệm, thuyền trưởng tàu tuần tra của Ban quản lý vịnh Nha Trang, người có thâm niên 14 năm lái tàu canh giữ Khu bảo tồn biển Hòn Mun cho biết, dù đã quá quen thuộc những luồng lạch, mùa sóng gió nhưng mỗi hành trình là một thử thách. Bởi ngay tại thời điểm này, khi đã sang hè nhưng biển nơi đây vẫn còn những con sóng lớn bất ngờ cao từ 2, 3 m chồm ngang, đảo dọc như muốn nuốt chửng con tàu bé nhỏ tuần tra. Với đêm tối mịt mù như đêm nay thì càng khó khăn hơn.
Vậy vì sao phải tuần tra vào ban tối? Anh Nguyễn Đình Khuyển, thành viên tuần tra cho biết, vào ban tối có rất nhiều những người đánh cá trộm xâm nhập. Về quy định thì khu bảo tồn, đặc biệt là vùng lõi sẽ cấm tuyệt đối không được đánh bắt, khai thác. Tuy nhiên, do nơi đây có lượng cá lớn và đặc chủng với nhiều loài cá có giá trị như cá mú, cá bè chang, cá tà ma, cá mó xanh nên nhiều ngư dân vẫn lén lút xâm nhập, đánh bắt. Anh Khuyển nói thêm, họ phần lớn là những người đánh cá nhỏ, chỉ loanh quanh đánh bắt quanh bờ gần lộng và ban đêm là thời điểm thuận lợi nhất để tiến hành. Nếu như các vùng khác rất ít cá thì nơi đây thật sự là vựa cá, trong đó có nhiều loại cá rạn nên đánh “ngon ăn”. Do vậy, tuần tra ban đêm là chủ chốt.
Thuyền trưởng Nhiệm buồn rầu nói thêm, ngoài đánh bắt thông thường thì tệ nhất là có tàu sử dụng loại đánh bắt hủy diệt như lưới vét, siết điện và cả dùng thuốc nổ! Nếu để xảy ra thì thật sự là thảm họa về môi sinh nơi này. Rất tiếc ý thức của nhiều người dân đánh cá vẫn không thay đổi suốt bao năm qua dù luật pháp ngày nay so với trước đã chặt chẽ và nghiêm khắc rất nhiều. Vì thế, việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn vẫn là việc làm hữu hiệu để bảo vệ khu bảo tồn.
Tuần tra đáy biển, gom thiên địch và dọn rác
Nếu như trên mặt nước phải ngăn chặn hành vi đánh bắt, hay phá hoại do con người gây ra thì dưới đáy khu bảo tồn cũng cần giữ gìn nghiêm ngặt hơn như: không cho thả neo chìm, hạn chế số người lặn biển và cả quy định một số vị trí không cho người xâm nhập. Những việc này nhằm bảo tồn các sinh vật đang tái sinh hay những rạn san hô đang có nguy cơ bị hủy hoại. Tất nhiên với các du khách thì càng phải hạn chế thải rác trực tiếp xuống nước.
Tuy nhiên, do dòng hải lưu ngầm tầng đáy nên biển Hòn Mun vẫn bị rác đổ tới. Rác thải, nhất là các loại lưới rách, đồ nhựa... cực kỳ nguy hiểm cho các loài thủy sinh như rùa biển, cá có ngạnh hoặc san hô. Theo anh Quang Tuệ, Hội lặn biển Nha Trang thì tất cả thành viên ở Nha Trang hay những du khách lặn biển, kể cả người nước ngoài đều được tuyên truyền về ý thức bảo vệ đáy biển, rạn san hô trước sự xâm hại của rác. Thường xuyên có chương trình “vệ sinh viên” dọn rác. Một thành viên khác của Hội, anh Sơn Hải cho biết thêm, tình trạng rác biển rất đáng ngại, vì thế việc mỗi khi đi lặn đều sẵn sàng đem theo túi lưới để gom rác được coi như việc làm hiển nhiên. Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng thường xuyên tổ chức cho tình nguyện viên cùng nhân viên của mình cùng đi dọn vệ sinh đáy biển.
Cùng với rác thì có một điều hết sức đáng ngại đó là nạn “cầu gai”. Đây là sinh vật biển có tính đối nghịch với san hô, bởi cầu gai chuyên xâm lấn ăn thịt san hô sống, nếu cầu gai phát triển mạnh thì rạn san hô sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Mà rạn san hô chết thì dẫn đến rất nhiều loài thủy sinh như cá, tôm, cua hay mất nơi cư trú sẽ bỏ đi. Do vậy, những người thuộc khu bảo tồn thường xuyên phát động chiến dịch đi thu gom cầu gai bảo vệ san hô.
“Công viên” phải xanh và bình an
Theo anh Nguyễn Thành Tài, tổ trưởng lặn biển thì nơi đây đã an toàn hơn cho các sinh vật biển khi hai năm qua lượng du khách giảm và nạn săn bắt được ngăn chặn triệt để. Nhờ đó, “thủy cung” đang hồi sinh mạnh mẽ. Anh Tài khoe các clip, hình ảnh từng đàn cá lớn bơi lội, trong đó có những con cá lớn từ vài ký tới cả chục kg, đó là tín hiệu rất mừng. Chưa kể có nhiều loại thủy sản di cư tới sinh sống như cá hồng, cá ngừ, cá bò và cả cá heo. Huấn luyện viên lặn biển Mai Hoàng Kiên Kha cùng ê-kíp đã quay và chụp được những bức ảnh rất đẹp và kỳ ảo từ đáy biển Hòn Mun. Theo anh Kha, nơi đây thật sự phải bảo vệ, bởi vô cùng quý giá về môi trường biển.
TS Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Hải dương học Nha Trang, một trong những người đề xuất, xúc tiến biến khu biển Hòn Mun thành “Công viên biển” đầu thập niên 90 thế kỷ trước cho rằng, để trở thành khu bảo tồn biển đã khó nhưng giữ gìn càng khó hơn. Do vậy, Ban quản lý vịnh cần tích cực hơn nữa và mọi người đều phải chung tay bảo vệ biển Hòn Mun. PGS, TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học biển Việt Nam cho rằng, Nha Trang sống, tồn tại, phát triển chính là nhờ biển mà Khu bảo tồn biển Hòn Mun là linh hồn của vịnh Nha Trang, là giá đỡ cho Nha Trang hưng thịnh. Nên nơi này thật sự là vô giá. Do đó, việc bảo vệ tuyệt đối cho “khu vườn quốc gia” này là cực kỳ quan trọng.