Dùng xáng cạp để hút bùn trên tàu cổ vật
Sau khi được phát hiện tại vùng biển Dung Quất, đầu năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phê duyệt Phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất. Theo phương án được phê duyệt, mục tiêu nghiên cứu và khai quật tàu cổ Dung Quất nhằm thu thập các hiện vật chuyên chở trên tàu, vật dụng của thủy thủ đoàn và xác tàu đắm để gìn giữ, bảo quản, nghiên cứu, phát huy giá trị, góp phần phục vụ tham quan, nghiên cứu, phát triển du lịch văn hóa và kinh tế xã hội trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, đây là lần đầu khai quật ở vùng biển Dung Quất nên bước đầu sẽ khảo sát, sau đó hút cát bề mặt tốn thời gian khoảng 10 ngày. Tiếp đến sẽ đánh giá hiện trạng, định vị tọa độ. “Việc định vị khảo cổ học sẽ tốn thời gian khá lâu, bởi đó là cách thể hiện hiện trạng khảo cổ cả quá trình về sau”, ông Đoàn giải thích. Sau khi làm các thủ tục ban đầu, sẽ tiến hành căn ô và bóc từng khoang cổ vật, ngâm bảo quản, từ đó làm cơ sở để phục chế khảo cổ, hoặc dùng hệ thống phao đưa lên tháo dỡ và chở về nơi bảo quản.
Tuy nhiên trên thực tế, việc khai quật cổ vật lại không như phương án phê duyệt nhằm bảo vệ cổ vật. Để đẩy nhanh tiến độ, đầu năm 2019 sau hơn một tháng chính thức khai quật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đề nghị Công ty TNHH MTV Hào Hưng (Công ty Hào Hưng - đơn vị phát hiện tàu đắm) thuê… máy xáng cạp thay thế máy hút cát để giải phóng lớp bùn sình bao phủ bề mặt thân tàu cổ.
Ông Lê Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty Hào Hưng cho biết, khi nhận được đề nghị dùng máy xáng cạp giải phóng bùn, trục vớt cổ vật, lo lắng vì nguy cơ bể, vỡ cổ vật là rất lớn. “Chúng tôi được bên bảo tàng thuê máy móc, thiết bị để phục vụ khai quật. Họ yêu cầu sao thì chúng tôi làm vậy nhưng khi họ muốn thuê xáng cạp chúng tôi thấy không ổn. Công ty yêu cầu bên bảo tàng phải tự chịu trách nhiệm nếu trong quá trình khai quật tàu cổ mà có bể, vỡ. Đồng thời cũng khuyến cáo bên bảo tàng là hết sức cẩn trọng khi khai quật bằng xáng cạp”, ông Lý khẳng định.
Anh N.T, công nhân làm việc tại khu vực cảng cho biết, đơn vị thi công dùng xáng cạp vớt bùn đất từ khu vực tàu cổ lên xà-lan. “Họ móc bùn bên dưới khu vực tàu đắm. Nhiều lần lẫn trong đó là các mảnh vỡ gốm sứ, sau đó thì có người đi lượm rửa rồi bỏ vô thùng. Tôi ngạc nhiên khi cổ vật lại trục vớt như vậy”, anh T. băn khoăn.
Cổ vật chứa trong container phơi mưa nắng
Trước đó, tháng 7-2017, khi thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu ở cảng Hào Hưng thuộc Khu kinh tế Dung Quất, đơn vị thi công phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ dưới biển. Qua khảo sát, cơ quan chức năng đã phát hiện xác một tàu cổ, dài khoảng 20 - 30 m, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm. Địa điểm phát hiện tàu cổ đắm cách bờ khoảng 6 - 7 m, ở độ sâu khoảng 9 m. Kiểm tra thực địa, các chuyên gia phát hiện nhiều hiện vật như chén, đĩa, bát với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau, có niên đại khoảng thế kỷ 15. Trước những giá trị cổ vật trong tàu đắm, Bộ VHTT&DL quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi khai quật với kinh phí 48,4 tỷ đồng.
Thế nhưng sau một thời gian khai quật tàu và cổ vật, kết quả thu được đa phần là mảnh vỡ, xác tàu không thể phục dựng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia thu thập được gần 10.000 tiêu bản, chủ yếu là bát, đĩa, bình, lọ… với dòng men chủ yếu là đồ sứ hoa lam. Hiện vật đa phần trong tình trạng vỡ mảnh. Một số tiêu bản có nhiều mảnh vỡ, có thể gắn chắp, phục dựng nguyên dáng.
Ngành chức năng nhận định, hiện vật phân bố phía ngoài cầu cảng bị vỡ, vung ra từ tàu cổ do quá trình xây dựng cầu cảng; xác tàu bị cọc bê-tông đóng phá, mặt cầu cảng chồng đè phía trên. Xác tàu nằm trong gầm cầu cảng đang thi công, rất khó nghiên cứu và trục vớt. Do đó, chỉ thu được một số mảnh gỗ, thanh đà, đinh sắt.
Ông Lê Văn Lý cho biết, công ty tham gia khai quật tàu đắm theo sự chỉ đạo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. “Trước khi khai quật, các cơ quan chức năng phải khảo sát, đánh giá hiện trạng rồi mới lên phương án khai quật với chi phí hơn 48 tỷ đồng. Từ khi phát hiện tàu cổ và báo cáo cơ quan chức năng, chúng tôi không hề đụng chạm gì đến khu vực phát hiện tàu cổ. Khi kết quả khai quật không như mong đợi, họ còn đổ lỗi do quá trình thi công chúng tôi gây ra là không đúng”, ông Lý nói.
Cho đến nay, số cổ vật khai quật từ tàu đắm được chứa trong container tiếp tục phơi mưa nắng. Phía bên trong cầu cảng của Công ty Hào Hưng, hai container chứa gần 10.000 hiện vật toàn bộ cổ vật để cách vị trí khai quật tàu cổ khoảng 50 m và được khóa, niêm phong cẩn trọng. Bên trong container, nhiều thùng chứa cổ vật được đóng gói, niêm phong. Hơn 10.000 hiện vật bỏ trong container phơi nắng ở cảng nhiều tháng qua.
Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương phối hợp, hỗ trợ những công việc liên quan, còn chịu trách nhiệm về khai quật cổ vật nguyên vẹn hay mảnh vỡ là do Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Sau khi khai quật tất cả cổ vật phải được đưa về Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi để bảo quản, phân loại theo đúng Luật Di sản. Tuy nhiên, Công ty Hào Hưng không hợp tác, không cho đưa cổ vật ra ngoài khu vực khai quật.
“Bên Công ty Hào Hưng cho rằng, đơn vị chủ trì khai quật chưa thanh toán hết tiền thuê máy móc cho đơn vị tham gia nên họ vẫn giữ cổ vật. Như vậy là họ không thực hiện đúng Luật Di sản”, đại diện Sở VHTT&DL Quảng Ngãi cho hay.
Phát hiện tàu đắm cùng cổ vật niên đại từ nhiều thế kỷ trước có giá trị khảo cổ, phục vụ nghiên cứu lĩnh vực khảo cổ học, góp phần bổ sung tư liệu và nhận thức mới về lịch sử gốm sứ và lịch sử giao thương trên vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế khai quật tàu cổ bị đắm tại Dung Quất chỉ thu được phần lớn là mảnh vỡ đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ chính xác của công tác khảo sát, đánh giá trước đó của các chuyên gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia để chi nguồn ngân sách 48,4 tỷ đồng có lãng phí hay không?