Những luật sư của trẻ em

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh và các cộng sự của mình hay được mọi người gọi là “tấm lá chắn” cho trẻ em. Suốt 10 năm qua, họ miệt mài góp tiếng nói đưa nhiều vụ án xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em ra ánh sáng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật dọc miền đất nước để nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực bảo vệ trẻ em trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Chi hội Luật sư giới thiệu mô hình Phiên tòa giả định để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ảnh: CHI HỘI LUẬT SƯ CUNG CẤP
Chi hội Luật sư giới thiệu mô hình Phiên tòa giả định để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ảnh: CHI HỘI LUẬT SƯ CUNG CẤP

Tiếng nấc nghẹn giữa đêm

Ngồi tổng hợp số liệu hoạt động, bà Nữ thở phào nhẹ nhõm khi quay sang nhìn người cộng sự sắp bước qua tuổi 70 giống mình. Bà Nữ nói khẽ, kèm nụ cười hiền rằng, “Năm 2023, chi hội chúng ta không tiếp nhận vụ xâm hại trẻ em nào. Làm cả chục năm chỉ mong đến ngày này”. Bà Nữ kể, năm 2014, Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập với ba nhiệm vụ chính là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em. Một phòng trực của Chi hội Luật sư được bố trí tại Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp người dân đến tố cáo hoặc nhờ hỗ trợ về mặt pháp lý trong các vụ việc liên quan. Dù công việc luật sư rất bận nhưng mỗi ngày các hội viên đều tự nguyện chia nhau trực tại phòng để tiếp nhận thông tin.

Ban đầu, khi Chi hội Luật sư chưa có đường dây nóng, bà Nữ công khai luôn số điện thoại di động cá nhân để ai cần giúp sẽ liên hệ kịp thời. Nhiều đêm vừa chợp mắt sau ngày dài làm việc thì điện thoại liên tục đổ chuông. Bắt máy, bà Nữ nghẹn ngào khi đầu dây bên kia là giọng nói đầy hốt hoảng của người đàn bà lạ: “Cô ơi, cứu con gái của tôi với. Nó bị người ta hãm hiếp…”. Nói đến đó, người đàn bà nấc lên đầy đau khổ. Ngay lập tức, bà Nữ ngồi dậy, lấy bút giấy ghi lại thông tin và có những hướng dẫn bước đầu cho gia đình nạn nhân. Bao nhiêu năm làm nghề, bà Nữ vẫn không thôi ám ảnh với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Khi tiếp cận các vụ án mà nạn nhân là trẻ mới vài tuổi, lần nào bà cùng các cộng sự cũng vừa xem hồ sơ, hình ảnh giám định vừa khóc vì xót thương. Không ít đoạn video được gửi về, mới xem vài giây đầu, các nữ luật sư đã ôm nhau nức nở vì mọi thứ vượt quá sức tưởng tượng.

Về sau, Chi hội Luật sư bổ sung đường dây nóng và số lượng hội viên từ 12 sau thành 40 người, việc tiếp cận với các luật sư càng nhanh chóng hơn vì số ca trực tiếp nhận thông tin được gia tăng. Đó cũng là giai đoạn số vụ việc tăng với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều hôm bà Nữ nhìn cộng sự rồi buông tiếng thở dài. Thực tâm, những luật sư như bà chỉ mong phòng trực “vắng khách” để tập trung vào công tác tuyên truyền. Nhìn những đôi mắt ngấn nước, mỏi mệt, đau khổ, các luật sư như bị vắt kiệt năng lượng. Nhưng chưa khi nào họ chấp nhận bỏ cuộc vì biết rằng, ngoài kia biết bao đưa trẻ yếu thế đang cần pháp luật bảo vệ.

Khi gia đình nạn nhân đến cầu cứu, Chi hội Luật sư bắt tay ngay vào việc thu thập thông tin. Với những trường hợp thông tin chưa rõ ràng, các luật sư sẽ hướng dẫn người giám hộ cách nắm bắt chứng cứ cũng như những kênh liên hệ cần thiết cho quá trình hoàn thiện hồ sơ để sớm đưa vụ việc ra ánh sáng. Chỉ cần phía gia đình và trẻ em có yêu cầu cần giúp đỡ, Chi hội Luật sư sẽ đứng ra thực hiện nhiệm vụ của mình là can thiệp nhằm xử lý những hành vi phạm tội. Luật sư sẽ đi theo vụ việc để bảo vệ trẻ từ khâu điều tra, tố tụng cho đến ra tòa xét xử.

Chỉ mong trẻ được an toàn

Tính từ ngày tiếp nhận vụ án xâm hại tình dục đầu tiên, đến nay, TS, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên Thẩm phán TAND tối cao đã gắn bó với Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh được tròn ba năm. Suốt thời gian đó, cũng như luật sư Nữ, bà Vinh nhiều lần bật khóc khi nhìn thấy những đứa trẻ ngây thơ bị xâm hại, bạo hành. Bà chỉ mong làm sao các bậc cha mẹ, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và cả xã hội nắm rõ luật để bảo vệ trẻ trước những nguy cơ xâm hại, bạo hành thay vì ngậm ngùi giải quyết chuyện đã rồi. Vì khi thương tổn đã xảy ra, rất khó để đứa trẻ phát triển ổn định như trước kia.

Chi hội Luật sư hoạt động được vài tháng, các luật sư nghĩ ngay đến việc tổ chức những phiên tòa giả định và đẩy mạnh chương trình tuyên truyền tại cơ sở để nâng cao nhận thức về pháp luật liên quan đến trẻ em cho cộng đồng. Chi hội Luật sư triển khai mô hình phiên tòa giả định tại hệ thống các trường học, các khu nhà trọ ở Thành phố Hồ Chí Minh và sau này lan tỏa đến hàng chục tỉnh, thành từ bắc vào nam. Căn cứ hồ sơ của các vụ án có thật, bà Nữ, bà Vinh cùng nhiều hội viên khác ngồi lại cùng nhau để biên soạn, thay đổi nội dung tạo nên kịch bản mới cho từng phiên tòa giả định. “Thông qua hình ảnh, sự việc sinh động của một vụ án, người xem hiểu nhanh và nhớ lâu hơn các nội dung mà chúng tôi muốn tuyên truyền. Kịch bản cho mỗi phiên tòa giả định bên cạnh việc bảo đảm các điều luật thì cần cải biên sao cho phù hợp với thực tế và quan trọng là phải thật bình dân, không nhàm chán hay khó hiểu. Kịch bản cần phù hợp với từng không gian chúng tôi đến tuyên truyền. Sau phiên tòa giả định, chúng tôi còn có loạt bài viết, những cuộc phỏng vấn làm sao nói rõ các quy định pháp luật để trẻ em và những người liên quan nắm được vấn đề thông qua từng vụ án cụ thể. Từ đó người lớn biết cách bảo vệ trẻ và trẻ tự biết cách bảo vệ chính mình. Điều chúng tôi tâm đắc là thời gian qua đã làm rất tốt công tác tuyên truyền và được mọi người tin tưởng tìm đến khi có chuyện cần giúp”, bà Vinh chia sẻ.

Khi đến với học sinh, sinh viên, kịch bản các phiên tòa giả định chủ yếu được xây dựng dựa trên những vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường, bạo hành, bóc lột sức lao động, ma túy, gây rối trật tự công cộng… Còn khi đến tuyên truyền cho công nhân, người lao động tại các xóm trọ hoặc tiếp xúc với phụ nữ các tỉnh thành, Chi hội Luật sư xoáy sâu vào những nội dung nhận biết hành vi xâm hại, bạo hành đối với trẻ để mọi người biết cách giúp các em phòng ngừa hoặc đâu là kênh cần tiếp cận khi vụ việc xảy ra. Các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này được chia sẻ thông qua từng vụ án cụ thể giúp việc tiếp nhận thông tin trở nên gần gũi hơn. Khác với hồ sơ các vụ án diễn ra trong thực tế, kịch bản của phiên tòa giả định tập trung vào yếu tố giáo dục thông qua việc diễn giải nhiều khái niệm cần thiết và truyền đi thông điệp cụ thể.

Sau mỗi phiên tòa giả định thường là buổi tuyên truyền, hướng dẫn và trả lời thắc mắc của người xem. Tại đây, bà Nữ, bà Vinh cùng nhiều luật sư trong chi hội được nghe các em học sinh trải lòng và nhờ hỗ trợ, can thiệp. Không ít vụ việc được phát hiện từ những buổi tuyên truyền tại cơ sở. Từ hành trình lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ các gia đình giành lẽ phải cho trẻ em trong nhiều vụ xâm hại, bạo hành, Chi hội Luật sư đã đưa ra ý kiến đóng góp thay đổi luật. Coi trọng tính “thân thiện” trong giai đoạn điều tra các vụ án xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, Chi hội Luật sư đề xuất phải có điều tra viên nữ bên cạnh luật sư nữ nhằm giúp bị hại ổn định tâm lý, cung cấp đầy đủ thông tin. Việc mở rộng quyền giám hộ cho trẻ trong các vụ án thuộc lĩnh vực này cũng có sự lên tiếng của Chi hội Luật sư trong thời gian dài. Cùng với đó là những đề xuất cụ thể trong việc bảo vệ hình ảnh, thông tin trẻ trong các vụ án hoặc giới hạn người tham dự các phiên tòa xử kín nhằm bảo đảm quyền lợi cao nhất cho trẻ…

Từ ngày số trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục mà Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh gửi lên “Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc” nhờ nuôi dưỡng, chăm sóc giảm hẳn, bà Nữ và cộng sự mừng lắm. Bà Nữ luôn đặt niềm tin vào sự tử tế ở đời rằng, khi nhận thức về pháp luật của cộng đồng phát triển, các khung hình phạt ngày càng tăng nặng, những vụ việc đáng tiếc sẽ giảm đi để cuộc sống của trẻ em an toàn, hạnh phúc như xã hội mong cầu.

Suốt 10 năm “đi cãi” miễn phí cho trẻ em bị xâm hại, bạo hành và tuyên truyền pháp luật đến cộng đồng, Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh nhận về rất nhiều giải thưởng lớn. Mới đây, Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tập thể duy nhất được trao giải thưởng KOVA lần thứ 21 ở hạng mục Sống đẹp. Thế nhưng, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ lại cho rằng, hơn cả những giải thưởng, bằng khen, món quà lớn nhất khiến bà và các cộng sự cảm thấy ấm áp chính là sự thay đổi tích cực từ cộng đồng để ngày càng nhiều trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đúng cách.