Điện Biên, những chứng nhân lịch sử

Trong không khí cả nước nô nức hướng về Điện Biên, chúng tôi đã đến dâng hương các nghĩa trang liệt sĩ, thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các di tích lịch sử và nhất là đã trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều câu chuyện ấn tượng và xúc động.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả bên mộ liệt sĩ Phan Đình Giót tại nghĩa trang A1.
Tác giả bên mộ liệt sĩ Phan Đình Giót tại nghĩa trang A1.

1/Chúng tôi đã vô cùng ngỡ ngàng khi tới thăm gia đình cụ chiến sĩ Điện Biên Lại Văn Năm, tại Đội chăn nuôi 2, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Nơi đây chính là một phần của cánh đồng Mường Thanh sau Chiến thắng Điện Biên đầy rẫy bom, mìn. Nhưng nào có hề gì? cụ Lại Văn Năm vốn là chiến sĩ công binh đánh Điện Biên nên bom, mìn rất ngán cụ.

Cụ Năm nhập ngũ năm 1952, vào Tiểu đoàn 34 Công binh, thuộc Đại đoàn 316, đảm đương trách nhiệm dò mìn để bộ đội đưa bộc phá vào tới tận lô-cốt đánh các cứ điểm trong từng đợt chiến dịch. Đại đội trưởng của cụ là Liêm Văn Lìm, người dân tộc Tày, với các đồng đội rất khâm phục sự “lỳ” của cụ Năm. Chiến sĩ công binh dò mìn để đưa bộc phá vào cửa mở thường rất gần với sự hy sinh. Là người mở tuyến dò đường trước sự canh gác ngặt nghèo của quân Pháp nơi các cứ điểm, cụ Lại Văn Năm đã có nhiều lần vào sinh ra tử mà đến hôm nay vẫn bình yên cũng là một câu chuyện lạ. Hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có gần 4.000 phần mộ khuyết danh mà cụ vẫn trụ vững đến hôm nay đúng là đặc biệt.

Cụ quê gốc ở xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau Chiến thắng Điện Biên, theo sự động viên lên xây dựng Tây Bắc của Đảng và Nhà nước, cụ đã tình nguyện đưa vợ con tới cánh đồng Mường Thanh. Trò chuyện với cụ mới thấy sự hóm hỉnh của vị lính già gan góc từng cùng đồng đội lấy thân mình đo bước chiến hào, đêm đêm vuốt mắt liệt sĩ không sờn lòng, không tiếc máu xương vì Tổ quốc. Cụ đang sống cùng vợ và các con tại xã Thanh Xương. Cụ bảo: “Bây giờ tôi lại thấy vắng vẻ hơn thời Điện Biên. Thanh niên trong thôn xóm do mưu sinh đều đi làm ăn xa hết, thành ra chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ. Các cụ cựu chiến binh Điện Biên chúng tôi vẫn nhóm họp với nhau theo hướng dẫn của anh Vũ Văn Tám là lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên. Việc gì chúng tôi cũng sẵn sàng. Ở đây có cựu chiến binh Điện Biên tuổi đã suýt soát 100 vẫn hăng hái công việc. Xã Thanh Xương chúng tôi có các cụ: Quàng Văn Song, sinh năm 1933; Nguyễn Văn Khả, sinh năm 1930; Lê Ngọc Trác, sinh năm 1932; Mai Sỹ Tư, sinh năm 1933; Hoàng Văn Khá, sinh năm 1932; Nguyễn Văn Kỷ, sinh năm 1932; Trần Quang Hữu, sinh năm 1930; Nguyễn Văn Chứa, sinh năm 1930; Lê Văn Chư, sinh năm 1930, đều là chiến sĩ Đại đoàn 316, sau chiến dịch Điện Biên nghe theo tiếng gọi của Đảng lên đây xây dựng nông trường, lâm trường. Rồi cứ thế chúng tôi ở một mạch đến hôm nay, ông sinh cha, cha sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt nội ngoại vui vẻ lắm”.

Trong buổi sáng, chúng tôi được ông Vũ Văn Tám, lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên dẫn sang nhà cụ Lê Ngọc Trác, năm nay đã bước vào tuổi 93. Cụ cùng cụ bà Nguyễn Thị Tâm đã đợi chúng tôi từ lúc tờ mờ sáng. Cụ bảo ngày trước chiến sĩ Điện Biên chuyên đánh trận ban đêm, mỗi lúc tờ mờ sáng là thu quân rút vào rừng theo đường hầm hào, nay vẫn còn nguyên nết ấy. Cụ Trác quê ở Nghệ An, huyện Con Cuông, nơi tiếp giáp nước bạn Lào, từ bé đã quen việc đi rừng nên khi vào Đại đoàn 316 chủ công đánh Điện Biên chính là đã phát huy được sở trường của cụ. Cụ luôn xung phong ở tuyến đầu, bất chấp đạn bom khiến đôi tai bị điếc đặc từ bấy đến giờ. Huân huy chương nhiều lắm, cụ nhớ nhớ quên quên nhưng khi nhắc về đồng đội hy sinh, đôi mắt đục mờ bỗng ri rỉ từng giọt nước mắt. Cụ như nói với chính mình: “Bom đạn mấy tầng thịt xương đồng đội hòa lẫn bùn khét lẹt. Trời đất xám xịt, đêm đêm đỏ ngầu bom đạn, đồng đội bên tôi đều đã hy sinh không ai nói một lời, sau này là những ngôi mộ chưa có tuổi tên…”.

Chúng tôi chỉ biết ngồi lặng im. Bên cạnh vợ người chiến sĩ Điện Biên quê gốc Vụ Bản, Nam Định cũng lặng im dùng khăn châm chấm mắt.

2/Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, ngay sau chiến thắng, nhiều chiến sĩ pháo binh, công binh, thông tin, bộ binh chuyển thành cán bộ, công nhân, nông dân, trực tiếp tham gia lao động sản xuất xây dựng quê hương mới vùng Tây Bắc, trong đó có Điện Biên. Thấm thoắt đã 70 năm, các thế hệ nối nhau ăn ở, trưởng thành trên quê hương mới. Gia đình cụ Nguyễn Văn Khả quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương, chiến sĩ Điện Biên thuộc Đại đoàn 316 trực tiếp đánh đợt 3 trong chiến dịch, sau chiến thắng đã trở lại làm công nhân nông trường tại cánh đồng Mường Thanh, nay thuộc Đội chăn nuôi 2, xã Thanh Xương. Cụ có 6 người con là Nguyễn Thế Khương, Nguyễn Thị Thoa, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Văn Hoàn, đều là những cán bộ, đảng viên tham gia công tác, nay 5 người đã nghỉ hưu. Các cháu, chắt của cụ Nguyễn Văn Khả đều đang làm việc, học tập, sinh sống trên mảnh đất này.

Điện Biên, những chứng nhân lịch sử ảnh 1

Tác giả trò chuyện với cụ Nguyễn Văn Khả.

Rời nhà cụ Nguyễn Văn Khả, đoàn công tác đã gặp một câu chuyện rất xúc động tại Nghĩa trang quốc gia Đồi A1. Thật tình cờ, chúng tôi được gặp con gái người chiến sĩ Điện Biên, đó là chị Nguyễn Thị Nhung con cụ Nguyễn Văn Khả. Chị Nhung vừa nghỉ hưu sau hơn 30 năm làm công việc quản trang tại nghĩa trang này. Chị cho biết, nghĩa trang có 645 ngôi mộ thì chỉ có 53 phần mộ có tên. Nghĩa trang Độc Lập với 2.432 phần mộ cũng chỉ có 229 ngôi mộ có tên. Đặc biệt, nghĩa trang Him Lam có 896 phần mộ đều là những liệt sĩ khuyết danh đã cống hiến máu xương mình cho Tổ quốc. Chúng tôi ai nấy đều sững người trước những con số chị đưa ra.

Đại tá Trần Đức Sinh, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên nói với chúng tôi: “Luôn hết sức xúc động và vô cùng thiêng liêng mỗi khi chúng ta đến với các nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên. Nhiều lúc tôi đã đặt ra câu hỏi, tại sao lại có nhiều phần mộ liệt sĩ khuyết danh đến thế? Các cụ chiến sĩ Điện Biên người trước nối người sau hy sinh mà rất nhiều phần mộ không hề có tuổi, tên, thậm chí là quê quán, càng cho chúng ta sự xúc động tột cùng, sự cảm phục không giấy mực nào có thể viết ra hết được. Bản thân gia đình tôi cũng có một người bác ruột là liệt sĩ Điện Biên là Trần Hữu Ngung. Bác tôi hy sinh theo giấy báo tử ghi ngày 31/3/1954, tại Đông Khe Chít - Mường Thanh, trong đợt 2 của chiến dịch. Bác tôi nằm trong số hàng nghìn nấm mộ khuyết danh, đến nay tôi vẫn chưa tìm được chính xác bác nằm ở đâu trong đó? Quê của bác và gia đình tôi ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hiện nay đó cũng là nơi thờ tự bác. Trước khi vào bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên, bác tôi đã có vợ và cô con gái nhỏ Trần Thị Thiệp, sau này làm công nhân nhà máy giấy Bãi Bằng, nay đã nghỉ hưu. Mỗi khi tới nghĩa trang viếng các ngôi mộ còn khuyết danh, tôi đều không cầm được nước mắt, chỉ biết lặng lẽ đi về khu tưởng niệm ghi tên các liệt sĩ, dùng khăn lau từng nét chữ tên tuổi của bác mình”.

Chúng tôi ai nấy đều lặng đi.

3/Điện Biên hôm nay và không chỉ hôm nay luôn rợp cờ đỏ sao vàng, sóng sánh sắc mầu hoa mơ, hoa mận, hoa ban tươi thắm. Thiếu nữ Điện Biên 19 sắc tộc Thái, Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Dáy, Mạ… cùng chung lời ca tiếng hát lại vừa riêng mỗi sắc vóc, tập quán, phong tục tự nghìn đời của mỗi tộc người. Mà sao Điện Biên vẫn như sông suối hòa về một mối đầy đặn, thảo thơm, nghĩa tình biển mẹ? Một Điện Biên không chỉ là thước đo lòng dũng cảm, chí căm thù, mà luôn còn đó, một Điện Biên mềm mại đến khôn cùng, biết nặng nhẹ, biết nhẫn nhịn và hy sinh, biết cúi xuống như bông lúa mẩy cánh đồng Mường Thanh nghìn năm tuổi. Chúng tôi, những thế hệ sinh sau chiến thắng Điện Biên tới nay đã gần ba phần tư thế kỷ sao vẫn thấy Điện Biên như mới tinh sương, như còn nghe tiếng pháo gầm, lửa cháy âm âm từ lòng đất.

Bảy mươi năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ! Bảy mươi năm ấy cũng là bảy mươi năm dân tộc ta, nhân dân ta, người chiến sĩ chúng ta đã và đang viết tiếp những trang vàng lịch sử của mình.