Tù binh Điện Biên Phủ biết ơn Bộ đội Cụ Hồ

Ngày 7/5/1954, ông Kỳ Thu cùng các giám thị của Trại tù binh số 1 được giao nhiệm vụ lên Điện Biên tiếp nhận hàng binh Pháp sau chiến thắng. Chúng tôi có dịp nghe ông chia sẻ những kỷ niệm quý giá đó.
0:00 / 0:00
0:00
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Ông Kỳ Thu tên thật Nguyễn Hữu Đông, vốn là học sinh Hà Nội, vào quân đội từ năm 1947. Sau chiến thắng Biên giới 1950 ông được điều về làm chỉ huy trưởng Trại tù binh số 1, bao gồm các sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ và các binh chủng khác…

Chiều 7/5/1954, ông Kỳ Thu và đội tiền phương của trại có mặt dưới chân dãy núi Him Lam tiếp nhận tàn quân Pháp kéo ra hàng từng đoàn dài. Đồng chí Trần Quang Cơ, phụ trách tù binh sĩ quan gồm tướng De Castries và các sĩ quan sừng sỏ trong bộ tham mưu thì tiếp nhận ở điểm khác. Dưới sự điều khiển của loa phóng thanh, tù binh Âu Phi từ trong các hầm ngầm cố thủ chui ra, leo qua các ngọn đồi phía bắc theo lệnh các chiến sĩ áp giải.

Mặt trời đã lặn sau rặng núi nhưng đoàn tù binh vẫn ùn ùn kéo tới địa điểm tập kết tưởng như không bao giờ dứt. Một trận chiến đấu mới bắt đầu. Nuôi hơn một vạn tù binh, chữa chạy và chăm sóc thương binh, bệnh binh, phân chia tù binh theo quốc tịch để quản lý… Đứng trên gò cao, ông Kỳ Thu chụm hai bàn tay lên miệng hô to: Tập hợp, Âu bên phải, Phi bên trái.

Đoàn tù binh xúm xít chuyển động theo mệnh lệnh. Ông Kỳ Thu vẫy hai tên tù binh khỏe mạnh nói: 2 anh lên đây tạm làm chỉ huy các bạn anh theo mệnh lệnh tôi. Rõ chưa? Hai tù binh rập nghiêm gót giày: Tuân lệnh.

Ông Kỳ Thu ra lệnh tiếp: Hãy tập trung theo từng kíp Âu riêng, Phi riêng. Mỗi kíp 50 người và tự chọn trưởng kíp. Trưởng kíp chịu trách nhiệm về số người trong kíp để lĩnh khẩu phần cơm và thức ăn của kíp mình. Cứ 10 kíp theo bộ đội áp giải đến khu vực chỉ định trong cánh rừng này để nghỉ đêm nay.

Buổi tối ông Kỳ Thu cùng tổ bảo vệ cầm đèn pin đi kiểm tra khu rừng già nằm sát con đường 41. Ngành hậu cần của chúng ta đã phục vụ chu đáo, mỗi tù binh một nắm cơm to và thịt trâu kho mặn. Trước khi ăn, tù binh được phép xuống con suối ở bìa rừng tắm rửa và giờ đây mặc dù sương đêm lành lạnh, chúng ngủ ngon lành trên đống cỏ dại hoặc đống lá khô. Những tù binh bị thương nặng được đội bảo vệ thu xếp cho ngủ trong lán bỏ trống của các đơn vị đã rút đi.

Xuất phát từ chính sách khoan hồng, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã phóng thích ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ 858 thương binh gồm 21 quốc tịch, 624 người Âu, 150 người Phi, 84 người Việt, trong đó 11 sĩ quan, 183 hạ sĩ quan, 664 lính. Rất tiếc, còn nhiều thương, bệnh binh được cứu chữa tại Điện Biên nhưng không được quân đội viễn chinh Pháp chấp nhận. Và như vậy tại mặt trận Điên Biên còn hàng trăm lính Pháp và Âu Phi cần được tiếp tục cứu chữa. Bộ Chỉ huy mặt trận đã ra lệnh đưa họ về một trại tù thương ở vùng Tuần Giáo nằm sát con đường 41, chia thành nhiều khoa điều trị các vết thương, các loại bệnh. Một đội ngũ các cán bộ y tế chuyên môn giỏi được rút ra từ các binh đoàn chủ lực điều động về trại tù thương, cùng một số tù binh là bác sĩ quân y Pháp. Họ khẩn trương bắt tay ngay vào việc chăm sóc, điều trị tù thương với một chế độ ăn uống hợp lý theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Viên quan tư - thầy thuốc Gơ-rô-uyn, được tham gia cứu chữa tù thương đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho biết: “Những thương binh được đưa ra khỏi nơi trú ẩn sụp đổ và đưa tới 4 địa điểm khác nhau được che chắn dưới rất nhiều tấm dù căng trên các cọc tre.

Cả một tiểu đoàn quân đội nhân dân đã làm việc đó. Các bếp nấu ăn được tổ chức với những đầu bếp do quân đội cung cấp và lần đầu tiên từ nhiều tuần lễ nay, thương binh được ăn súp nóng.

Chúng tôi cũng được giúp đỡ về thuốc men và dụng cụ băng bó.

Cuối cùng một nhóm bác sĩ quân đội đã đến chăm sóc chúng tôi rất chu đáo.

Lòng biết ơn của chúng tôi và thương binh đối với Quân đội nhân dân Việt ở Điện Biên Phủ thật là sâu nặng, chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều đó”.