Nơi ngày xưa máu nhuộm chiến hào

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tướng De Castries và binh lính của ông ta gọi A1 bằng cái tên mỹ miều “Eliane 2”, nhưng với bộ đội và nhân dân Việt Nam thì A1 mãi là cái tên thiêng liêng, gần gũi...
0:00 / 0:00
0:00
Hai cây phượng vĩ trên đồi A1 lại thắp lửa như thúc giục người về mỗi dịp hè. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Hai cây phượng vĩ trên đồi A1 lại thắp lửa như thúc giục người về mỗi dịp hè. Ảnh: THÀNH ĐẠT

70 năm đã trôi qua, trên đồi A1 vẫn còn đó những hàng dây thép gai, hầm hào công sự, lô-cốt cây đa cụt và hố bộc phá là dấu tích của khối nổ gần nghìn cân. Bên con đường nhỏ trên đỉnh đồi, năm lại năm cứ tầm cuối tháng 4 và suốt tháng 5, hai cây phượng vĩ lại đơm bông rực rỡ cả một khoảng trời. Chính ở tại nơi ấy, máu các anh đã nhuộm từng thước đất này…

Cùng đồng đội đi tìm đồng đội, người chiến sĩ Trương Sỹ Trì, thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 không ngăn nổi dòng nước mắt . Chỉ về dãy hàng rào dây thép gai, các đoạn hầm hào trên đồi A1, giọng như lạc đi, ông Trì khẽ nói: Đơn vị tôi được giao đào hào trên đồi A1, đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất nằm trong hệ thống phòng ngự phía đông của Mường Thanh cùng với C1, C2, D, E tạo thành bức tường thành vững chắc, “cánh cửa” then chốt che chở cho trung tâm Tập đoàn cứ điểm của Pháp. A1 lại là cao điểm cuối cùng về phía nam khu đông gần đường sang Sở Chỉ huy của tướng De Castries. Do vậy nếu quân ta chiếm được A1 thì các cứ điểm C1, C2 bị uy hiếp mạnh, đồng thời ngăn chặn được quân Pháp cơ động từ trung tâm ra phản kích, tạo điều kiện để quân ta triển khai tiếp cận làm bàn đạp phát triển vào trung tâm…

Cùng ông Trì và đoàn chiến sĩ Điện Biên thăm lại đồi A1 vào chiều một ngày tháng 4 vừa qua, tôi đã thấy những tròng mắt cảm thương ngân ngấn lệ, những cựu chiến binh bước chậm như chẳng muốn rời. Nhìn những hàng cây xanh mướt, thảm cỏ lạc phủ kín trên triền đồi, các cựu chiến binh, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa cũng phần nào thấy thỏa lòng hơn khi họ hiểu “đồng đội ở lại được yên giấc trên thảm cỏ mềm”. Mỗi ngày mỗi giờ qua, trong từng vuông đất trên khuôn viên đồi A1 - chiến trường đỏ lửa năm xưa thì nay ngày ngày đều có bàn tay chăm bón từng hàng cây, thảm cỏ với tấm lòng biết ơn và tri ân sâu sắc. Như điều chị Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên tâm sự thì “việc hôm nay có thể làm là mong mỏi của chúng em được phần nào đắp ân nghĩa ân tình, để các bác, các ông ở lại trên đất này không cảm giác lẻ loi…”.

Bất giác cặp từ “lẻ loi” khiến tôi nhớ con số gần 50 nghìn người đã về thăm A1 vừa qua. Mà trong dòng người về thăm có phần lớn là cựu chiến binh, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ khắp mọi miền. Ai cũng ngỡ ngàng, ai cũng an lòng với khung cảnh của A1 ngày mới. Ở nơi ấy, còn nguyên các dấu tích của trận chiến “quyết tử” để Tổ quốc quyết sinh nhưng hôm nay A1 đã là điểm đón người về đỏ thắm những sắc hoa, như dòng chữ “A1 - BÙN, MÁU VÀ HOA” uy nghiêm trên đỉnh đồi mà thế hệ trẻ Điện Biên mỗi ngày đều chỉnh trang, chăm chút…!