Khơi dậy sức mạnh văn hóa:

Những chiếc trống quý ở Hương Ngải

Các chuyên gia vừa khảo sát và bước đầu đánh giá cao về nhóm cổ vật trống đồng, thạp đồng thời đại Đông Sơn, hiện đang thuộc sở hữu tư nhân, được lưu giữ tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà nghiên cứu khảo sát trống đồng ở Hương Ngải.
Các nhà nghiên cứu khảo sát trống đồng ở Hương Ngải.

1/“Hồi tôi còn bé, chung quanh mình toàn thấy nồi đồng, sành đồng to, rồi chum sành, đĩa sứ… Lớn lên thì thấy cứ mất đi dần, là vì đời sống khó khăn, bố mẹ tôi phải bán bớt. Lúc đó và cho đến lâu sau này, tôi cũng không biết đó là những đồ vật rất quý!” - anh Nguyễn Thái Hiền người xã Hương Ngải, Thạch Thất kể về những cổ vật đã không còn dấu vết trong nhà mình. Mẹ anh là người thuộc dòng họ Cấn ở Hương Ngải, qua đời năm 1979; bố anh vốn quê Đồng Tháp, là cán bộ tập kết ra bắc năm 1954, mất năm 1983. Ông bà để lại cho anh 1 chiếc trống đồng, giữ đến bây giờ.

Không theo nghề gì liên quan đến văn hóa, mà tập trung vào kinh doanh. Nhưng hình như trong thẳm sâu dòng suy nghĩ truyền qua thế hệ từ họ nội có ba đời làm thầy đồ và bên họ ngoại ngày xưa giữ nền nếp nhà cổ, nâng niu những món đồ quý, anh Hiền từng có lúc muốn bán chiếc trống chẳng biết từ đời nào ấy, vậy mà bận quá lại thôi.

Rồi duyên đưa thế nào, đi thi công qua những vùng này vùng khác, qua giới thiệu, anh sưu tầm về hai chiếc trống đồng nữa và một chiếc thạp đồng, lưu giữ trong nhà, chỉ để… nhìn cho đẹp. Để rồi, cũng đơn giản qua người quen giới thiệu, anh gặp GS Trịnh Sinh, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại kim khí - Viện Khảo cổ học, và mới đây là PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS, TS Bùi Văn Liêm, nguyên Phó Viện trưởng, anh Hiền càng hiểu thêm rằng, mình đang có một bộ cổ vật đặc sắc.

Những chiếc trống quý ở Hương Ngải ảnh 1

Chiếc thạp đồng trong bộ sưu tập ở Hương Ngải.

2/Nhóm các nhà khoa học vừa về khảo sát bộ trống, thạp đồng này với sự thú vị khi chiêm ngưỡng những cổ vật lành lặn mà theo đánh giá, hiện nay là rất hiếm. 3 chiếc trống với kích thước từ cỡ vừa đến lớn, với 3 ngôi sao - biểu tượng mặt trời lần lượt 10 cánh, 12 và 14 cánh. Chiếc nhỏ nhất mà gia đình anh Hiền lưu giữ từ thời các cụ có mầu xám, 2 chiếc sưu tầm sau lớn hơn, mầu xanh xám - dấu ấn thời gian phổ biến trên nhiều cổ vật đồ đồng lâu đời. Trên mặt, thân và tang 3 chiếc trống là chuỗi những hình ảnh khá sắc nét, thể hiện đa dạng đời sống người xưa với hình ảnh nhà có mái võng, người giã gạo, chèo thuyền, đi săn, người giao phối, cùng hình ảnh các loài vật như hươu, công, bồ nông, chó, biểu tượng chim lạc…, và các đường viền, hoa văn đẹp mắt thể hiện xen kẽ, đối xứng nhau.

Các chuyên gia đánh giá bước đầu: Chiếc thạp có kích thước nhỏ hơn thạp đồng Đào Thịnh - bảo vật quốc gia, tương đương thạp đồng Hợp Minh - bảo vật quốc gia. Những chiếc trống có sự lành lặn và từng cái có những nét đặc thù, khác so với nhiều chiếc trống khác trong văn hóa Đông Sơn. PGS, TS Tống Trung Tín cho rằng, nên quan tâm xây dựng các nội dung để chia sẻ về giá trị của các cổ vật này.

PGS, TS Bùi Văn Liêm chia sẻ, quan sát trống càng thấy tổ tiên thời Đông Sơn đúc trống không những có trình độ cao về mỹ thuật, kỹ thuật mà còn cả khoa học. Thực tế, các cổ vật thời Đông Sơn như trống, thạp bị mẻ hoặc vỡ thì trong đời sống có nhiều, còn lành lặn như vậy thì rất hiếm. Cần có hồ sơ với nội dung thuyết minh, phân tích, có phụ lục về bộ cổ vật này để lưu giữ, giới thiệu khi có khách đến tham quan.

3/Mong muốn nhóm cổ vật thuộc sở hữu của anh Nguyễn Thái Hiền có dịp được giới thiệu đến mọi người, các chuyên gia, giảng viên, sinh viên lĩnh vực bảo tàng, lịch sử, văn hóa cũng là ý nghĩ chung của nhiều người. Cùng với đó, GS, TS Trịnh Sinh cũng đề nghị chủ nhân cần có chế độ lưu giữ, bảo quản tốt hơn nhằm hạn chế thấp nhất những tác động của môi trường, thời tiết.

Anh Hiền chia sẻ thật tình, giữ gìn những cổ vật này thời gian qua, gia đình cũng trân trọng lắm. Công việc kinh doanh có những khi va vấp, nhưng hình như có những phúc lành để rồi mọi việc lại suôn sẻ, hanh thông. Anh cũng bộc bạch, nhiều người cũng đến xem trống, thạp. Mọi người quanh đây đến cũng chạm, sờ vào, nhiều người ngạc nhiên lắm khi ngắm các hiện vật. Nhưng giờ được các bác, các anh góp ý, gia đình cũng sẽ phải giữ gìn cẩn thận hơn những tinh hoa mà người xưa để lại.

GS, TS Trịnh Sinh cho rằng, như trường hợp anh Hiền, hiện có những cổ vật, bộ sưu tập cổ vật thuộc sở hữu tư nhân rất quý. Chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng thuộc ngành văn hóa, giáo dục, du lịch ở từng địa phương rất nên nghiên cứu phương thức hợp tác để họ có ý thức giữ gìn lâu dài. Tiếp theo đó, tạo điều kiện cho công chúng tham quan, tìm hiểu, học tập xã hội. Đó chính là sự phát huy thiết thực giá trị tài sản quý trong tay một người đến với mọi người.