CHUYÊN ĐỀ: SÂN KHẤU SÁNG TẠO MỜI GỌI THIẾU NHI

Đa dạng thể loại sân khấu thiếu nhi

Sân khấu cho khán giả nhỏ đang khởi sắc về hình thức và phương pháp thể hiện, thể nghiệm. Các nghệ sĩ có sự chuyển biến cả về quan điểm làm nghệ thuật cho trẻ lẫn những nỗ lực làm mới, đầu tư ý tưởng, kịch bản, mỹ thuật, âm nhạc, vũ đạo… cho các vở diễn. Điều này được kỳ vọng sân khấu sẽ đạt được mục tiêu kéo trẻ em đến nhà hát và qua đó, làm tốt hơn chức năng giáo dục trong sự hài hòa với hiệu quả giải trí.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở “Trạm cứu hộ động vật”.
Cảnh trong vở “Trạm cứu hộ động vật”.

Sự đa dạng trong thể loại và lối diễn sáng tạo đã giúp nhiều sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút đông đảo khán giả nhí. Trong đó, cái mới và tính tương tác được ưu tiên, giúp người xem tham gia trực tiếp vào cốt truyện.

Luôn tự làm mới

Chính thức ra mắt cách đây 10 ngày, kịch thiếu nhi “Trạm cứu hộ động vật” (tác giả: Vương Huyền Cơ, biên tập và đạo diễn: Minh Quốc, Tuấn Kiệt) của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B luôn “sốt” vé.

Chọn cốt truyện đơn giản xoay quanh việc giáo dục trẻ chung tay giữ cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã và yêu thương muôn loài, vở kịch tạo được ấn tượng khi khéo léo kết hợp nhiều hình thức biểu diễn như nhạc kịch, ảo thuật, vũ đạo... Yếu tố mới chính là sự mạnh dạn đưa cải lương vào kịch ca nhạc như một hình thức thể nghiệm để “lắng nghe” cảm nhận, phản hồi của khán giả nhỏ tuổi.

Với thế mạnh về chọn lựa và phối nhạc, đạo diễn Minh Quốc đã cùng ê-kíp mang lại một phân đoạn cải lương vui nhộn khiến các em nhỏ hào hứng thưởng thức, hát theo. Chọn âm nhạc làm điểm nhấn, xuyên suốt vở kịch là rất nhiều câu hát thú vị do chính các nghệ sĩ Sân khấu nhỏ 5B sáng tác và biểu diễn. Lời hát được chọn lọc kỹ để truyền tải trọn vẹn thông điệp và dễ nhớ, dễ thuộc nhưng không quá khô khan, nhồi nhét kiến thức.

Tuy nhiên, các màn tương tác, cụ thể hóa vai trò của khán giả trong nhiều phân cảnh mới là điểm cộng sáng giá cho vở kịch thiếu nhi này. Không thưởng thức nghệ thuật một chiều, người xem trở thành một phần của vở kịch, góp tiếng nói dẫn đến nhiều thay đổi thú vị cho kịch bản. “Khi dựng vở, chúng tôi tạo ra rất nhiều khoảng trống để khán giả nhí tham gia vào câu chuyện và cùng các nhân vật tìm hướng giải quyết từng vấn đề cụ thể. Việc trở thành một phần của vở kịch khiến các em thích thú, từ đó đưa ra nhiều ý tưởng rất hay theo đúng cách nghĩ, cách làm của trẻ thơ. Quá trình tương tác, dẫn dắt người xem đòi hỏi diễn viên phải duyên dáng, biết tạo mảng miếng, gây bất ngờ. Kết thúc các đoạn “hóa thân”, trẻ tự rút ra được bài học cho bản thân mà người diễn không cần phải kể lể, nói quá nhiều. Nhờ vậy, thời lượng vở kịch khá dài (hơn 90 phút) nhưng khán giả nhí vẫn hào hứng từ đầu đến cuối”, đạo diễn cho hay.

Sân khấu Sen Việt cũng tạo được bất ngờ khi mạnh dạn lồng ghép nhiều cái mới trong vở nhạc kịch “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (tác giả: Nguyên Phương, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt). Chọn đề tài lịch sử với nhân vật quen thuộc Trần Quốc Toản, NSƯT Lê Nguyên Đạt đặt ra yêu cầu làm sao để người xem, đặc biệt là các em học sinh cảm nhận rõ sự mới lạ trong những điều thân quen. Các thông tin lịch sử, bài học cho trẻ được tinh gọn để không quá khô khan. Thời lượng còn lại được ưu tiên cho sự sáng tạo trong âm nhạc. Với vở kịch này, NSƯT Võ Thanh Liêm đã hòa âm, phối khí cho gần 50 bài Lý dân ca Nam Bộ, tạo nên màu sắc mới, hiện đại và sinh động hơn để thu hút khán giả trẻ nhưng vẫn giữ được sự gần gũi của âm nhạc truyền thống.

Trò chuyện cùng khán giả nhí

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết, trước hoặc sau mỗi suất diễn, Sân khấu Sen Việt luôn dành vài chục phút để khán giả tương tác, giao lưu với các nghệ sĩ, diễn viên. Mọi thứ không chỉ dừng lại ở việc tặng hoa, chụp hình lưu niệm mà ở đây, nội dung vở nhạc kịch tiếp tục được đem ra đào sâu, phân tích. Anh cùng ê-kíp sân khấu khuyến khích các em học sinh, sinh viên mạnh dạn góp ý cho vở kịch cả về nội dung và diễn xuất, cảnh trí, âm nhạc… “Việc lắng nghe phản hồi của người xem giúp chúng tôi kịp thời có những thay đổi, bổ sung cho suất diễn tiếp theo, giúp mọi thứ hoàn thiện và hấp dẫn hơn. Điều khiến tôi tâm đắc nhất khi triển khai vở nhạc kịch này chính là sự thích thú của khán giả trẻ với một đề tài thường bị hiểu là nhàm chán, khó tiếp cận. Các em không chỉ chăm chú thưởng thức mà còn đưa ra khá nhiều thắc mắc và yêu cầu chúng tôi giải đáp, hướng dẫn thêm. Với tôi, đó là thành công của một vở kịch”, đạo diễn Lê Nguyên Đạt phấn khởi nói.

Kịch mục của Sân khấu Sen Việt từ mùa hè này sẽ bổ sung thêm các vở diễn xoay quanh nội dung giáo dục lịch sử và các vấn đề xã hội gắn liền với giới học sinh, sinh viên. Việc đầu tư chỉn chu cho “ngân hàng vở diễn” phục vụ khán giả nhỏ tuổi sẽ giúp các trường học có thêm chọn lựa khi tổ chức hoạt động ngoại khóa. Sen Việt quyết định chọn lối đi khó vì muốn từng bước gầy dựng lớp khán giả tương lai cho loại hình nghệ thuật truyền thống: cải lương.

Lắng nghe người xem và làm mới mình sau mỗi suất diễn cũng là hướng đi của Sân khấu Ban Mai để đến thật gần với khán giả nhỏ tuổi. Theo đạo diễn Bảo Chu, Giám đốc Sân khấu Ban Mai, cái khó khi diễn kịch cho thiếu nhi không phải là hát múa, tạo điểm nhấn mà làm sao cho trẻ nắm được bài học cụ thể sau khi xem và ứng dụng ngay vào cuộc sống. Muốn vậy, việc xây dựng kịch bản, lựa chọn tình tiết, truyền tải thông điệp phải thật khéo léo. Cùng với đó là âm nhạc, trang phục, cách diễn xuất sao cho thật cuốn hút, đúng tâm lý trẻ thơ. Với vở kịch mới nhất mang tên “Colora - Xứ sở rực rỡ”, Sân khấu Ban Mai tiếp tục thực hiện đúng mục tiêu đề ra từ đầu: giáo dục trẻ bằng nghệ thuật đa thể nghiệm. Bên cạnh việc duy trì độ hoành tráng về số lượng diễn viên, phục trang đẹp mắt, âm nhạc độc đáo, nhiều cái mới cũng được sân khấu đầu tư cho vở kịch này như tự tay thực hiện cảnh trí bằng rác thải nhựa, thêm nhiều loại hình biểu diễn đưa vào sân khấu kịch, tạo sân chơi về bảo vệ môi trường cho trẻ trước mỗi suất diễn, mở không gian để khán giả nhí tập làm diễn viên...