CHUYÊN ĐỀ: SÂN KHẤU SÁNG TẠO MỜI GỌI THIẾU NHI

Không dễ làm sân khấu cho thiếu nhi

Từng có thời gian sân khấu dành cho thiếu nhi “được” góp ý là khô khan, sáo mòn, nặng về những bài học đạo đức. Có thể nói, nội dung và mục đích giáo dục là tốt, nhưng cách thể hiện hoặc một chiều, thiếu tương tác, hoặc đơn giản, thiếu đầu tư về đạo cụ như trang phục, trang trí và thiết bị, công nghệ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh phụ trợ cũng làm giảm sức hút của các tiểu phẩm, vở diễn.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội và khán giả nhỏ giao lưu trong một buổi diễn sân khấu học đường. Ảnh: NHÀ HÁT CUNG CẤP
Nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội và khán giả nhỏ giao lưu trong một buổi diễn sân khấu học đường. Ảnh: NHÀ HÁT CUNG CẤP

Một trong những bộ môn nghệ thuật cổ truyền hấp dẫn được nhiều thế hệ khán giả nhỏ là rối nước với các trò rối sinh động về đời sống nông thôn, qua thể hiện của các quân rối ngộ nghĩnh. Nhưng thực tế, việc diễn mãi các trò rối trong nhiều chục năm trời cũng khó lòng mời gọi được trẻ em trở lại nhà hát hay các điểm diễn nhiều lần. Kể cả rối cạn với nhiều kỹ thuật đa dạng như rối dây, rối que, rối tay… và những vở diễn khai thác từ cổ tích, truyền thuyết, truyện nước ngoài…, thì sau những năm tháng “được” làm món ăn tinh thần cho thiếu nhi, cũng không được chuộng bằng rối nước và cũng bị các loại hình giải trí hiện đại, các show truyền hình, phim ảnh và mạng xã hội cạnh tranh gay gắt.

Từ những hạn chế trong cách nghĩ, cách làm, cách thể hiện, đề tài, nội dung…, đứng trước những đòi hỏi của thế hệ khán giả nhỏ với “phông” thẩm mỹ có nhiều thay đổi, sân khấu cho thiếu nhi những năm gần đây đang nỗ lực sáng tạo, biến chuyển. Các nhà hát, đạo diễn, ê-kíp làm âm nhạc, âm thanh, hình ảnh, trang trí và nghệ sĩ biểu diễn đã quan sát, bắt nhịp với đời sống văn hóa, giải trí hiện đại, với những sắc màu đa dạng của ca múa nhạc thiếu nhi, thời trang, phim hoạt hình..., coi đó như những cơ hội để tham khảo, khai thác nhằm “làm mới”, làm phong phú thêm cho sân khấu phục vụ thiếu nhi.

Còn phải kể đến dòng chảy “trở về dân gian”, khai thác truyền thống và tìm chỗ dựa trong văn học. Đó là khi những tích truyện cổ, những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới được kịch bản hóa đưa lên sân khấu. Trong đó có việc dàn dựng một số trích đoạn văn học trong sách giáo khoa để phục vụ các trường học, nhờ sự phát huy của phong trào sân khấu học đường và chủ trương đổi mới cách dạy và học môn văn.

Môi trường và các điều kiện xúc tác đó góp phần làm cho sân khấu phục vụ thiếu nhi được chú trọng đầu tư quy mô, công phu, chu đáo hơn. Và có lẽ, quan niệm về việc làm nghệ thuật phục vụ các “thượng đế nhí” cũng đang thay đổi. Không thể coi thường, đánh giá thấp đối tượng thưởng thức ở độ tuổi thiếu nhi về tâm sinh lý, “gu” thẩm mỹ. Không thể cho rằng, dựng và diễn cho trẻ con xem thì… “phiên phiến thôi”, “thế nào cũng được”, “cho gì xem nấy”. Chính bởi sự khác biệt, đặc thù trong suy nghĩ, tâm hồn, tâm sinh lý trẻ thơ mà những “người lớn” càng nhận rõ hơn: Làm cho các em hứng thú với các tác phẩm sân khấu thật sự không dễ dàng, đòi hỏi sự nghiên cứu, đầu tư và kể cả thử nghiệm cho những “món ăn” phù hợp.

Nhiều thay đổi và nét mới, khác hôm nay trên sân khấu cho… “trẻ con” là những vận động tích cực trên hành trình đáp ứng đời sống tinh thần, bồi đắp tâm hồn thế hệ “măng non mới”. Tất nhiên, không khỏi có những hạn chế trong sáng tạo và cả những bất cập mới, những lạm dụng, những sự “làm màu” thái quá. Nhưng những gì còn nhiều sạn sẽ nhận được sự góp ý, điều chỉnh. Điều quan trọng hàng đầu là các nghệ sĩ đang lắng nghe trẻ em nhiều hơn để nghệ thuật có thể làm bạn với các em một cách thân mật, gần gũi và vui tươi nhất.