Chăm cổ thụ giữ hồn xanh

Góp không gian xanh cho Thủ đô, những cây cổ thụ còn được coi như nét văn hóa đặc trưng nơi nghìn năm văn hiến. Đó là những chứng tích thời gian, lịch sử, văn hóa gắn bó với bao thế hệ, là nơi gợi nhớ ký ức cộng đồng cần được gìn giữ.
0:00 / 0:00
0:00
Cây bồ đề hơn 200 tuổi trước cổng đình làng Quỳnh Đô.
Cây bồ đề hơn 200 tuổi trước cổng đình làng Quỳnh Đô.

Qua những đường phố lâu năm, không khó để nhìn thấy những bóng cây cổ thụ vững chãi mà uy nghiêm. Các tuyến phố ở trung tâm như Phan Đình Phùng và Trần Phú (quận Ba Đình) nổi bật với hàng cây sấu cổ thụ, tạo bóng mát và trở thành biểu tượng quen thuộc của Hà Nội. Hay cây hoa bún cổ tại Đình Thôn (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) mỗi dịp tháng 3 nở rộ, cây lộc vừng bên bờ hồ Hoàn Kiếm với hoa nở vào mùa thu, tạo nên cảnh đẹp lãng mạn. Tại các Công viên như Thống Nhất và vườn Bách Thảo có nhiều cây xà cừ cổ thụ, mang lại không gian xanh mát và trong lành. Ngoài ra loại cây quen thuộc trong tiềm thức của người Việt Nam như cây đa, cây đề, cây si…thường hiện diện ở các đình, chùa và làng quê cổ kính, như cây đa ở đình Ngọc Hà và cây đề ở chùa Một Cột, đã có tuổi thọ hàng trăm năm.

Cắt cây như cắt vào mình

Ai đã từng ngang qua chùa Xã Đàn (phường Nam Đồng, Đống Đa), hẳn đã từng thấy cây đại thụ trong sân chùa. Đó là cây hồng xiêm đã có từ lâu đời. Không ai biết cây đó chính xác bao nhiêu năm tuổi, các cụ trong làng bảo rằng, từ ngày còn bé đã thấy cây này rồi. Nếu có cơ hội trèo lên ngọn cây còn có thể nhìn thấy công viên gần đấy. Cây hồng xiêm bây giờ đã cao lớn đến mức không còn hái được quả trên cây, chỉ đành để rụng xuống mà tiếc. Khách đến xem ai cũng phải trầm trồ vì chưa từng thấy cây hồng xiêm nào to đến vậy. Cây hồng xiêm đã tồn tại qua nhiều năm, trở thành bóng mát lưu giữ bao kỷ niệm thơ ấu của các thế hệ và được người dân yêu quý, chăm sóc.

Cũng tại khu Kim Liên ấy, tồn tại hai cây hoa đại tuổi thọ ngót nghét cả trăm năm ở đền. Một thành viên trong Tiểu ban Quản lý đền Kim Liên (phường Phương Hoa, Đống Đa) cho hay: “Nếu ai đến xin tôi vỏ cây về ngâm rượu, tôi sẽ không cho. Với tôi, cắt vào cây như cắt vào da thịt của mình vậy, tôi coi cây như là tài sản của mình cần nâng niu và bảo vệ nó”. Theo suy nghĩ đó, vỏ cây ngâm rượu thì tốt thật, cho vỏ cây có thể thỏa mãn được nhu cầu của người xin nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến cây, lỡ cây bệnh, chết thì sẽ rất tiếc. Hơn nữa đây là cây của đền, nên việc xin vỏ cây cũng làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cây và khung cảnh của đền. Các thành viên Tiểu ban Quản lý đền luôn đặt hết công sức, tình cảm cho hai cây đại. Với họ, “tâm linh là đây”.

Tại đình Trung Tự (phường Phương Liên), chúng tôi được chiêm ngưỡng một cây thị đã hơn 300 năm tuổi. Cây cao có tán rộng, cành lá xum xuê, người dân ở nơi đây bảo nhau rằng, vỏ của cây thậm chí có thể làm thuốc chữa bệnh. Ông Hoàng Vũ, 63 tuổi, người dân sống ở ngõ Khâm Đức, Khâm Thiên cho biết: “Cây thị ở đình này, đã có từ rất lâu rồi, cứ mỗi dịp thờ cúng gì người dân lại đến đây thắp hương cho cả cái cây này, nghe nói chim không làm tổ ở đây vì cây thiêng”. Cây thị ở đình Trung Tự chẳng khác nào một biểu tượng tâm linh trấn giữ đình và mang bao nhiêu những ước vọng của người dân mỗi dịp lễ cúng. Vào năm 2022, cây thị cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Làm đẹp không gian huyền thoại

Về làng Cống Vị (phường Cống Vị, quận Ba Đình), ngay trước cửa đình có thể thấy một cây si được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” với thân rộng chừng hai người ôm. Theo ông Nguyễn Minh Chẩn, Trưởng ban Quản lý di tích đình làng Cống Vị cho biết, cây này đã lâu năm rồi, trải qua nhiều đợt mối mọt, thân đã bị mục. Ban quản lý phải thường xuyên chú ý, mua phân bón chôn sâu dưới gốc để nuôi rễ cây dài ra, đỡ lấy thân khỏi đổ. Cây gắn liền với đình từ những năm 1700, là chứng tích lịch sử còn sót lại có nhiều ý nghĩa quan trọng với làng Cống Vị.

Ra đến phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ), chúng tôi bắt gặp một cây si hơn 250 năm tuổi, cũng được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”. Ông Trương Tiến Hồi, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ chia sẻ: “Cây si ở chính giữa sân ở phủ tồn tại gần 300 năm. Chúng tôi không dám chăm bón nhiều sợ cây tốt quá ăn hết ra hồ. Thỉnh thoảng, phun thuốc muỗi, thuốc rệp tránh cây bị bệnh”. Tại sân phủ, bên cạnh cây si cổ còn có cây vối lâu năm, đã bị rỗng một phần ở giữa. Để bảo đảm an toàn cho người đến lễ phủ, ban quản lý đã dựng những thanh xà để chống đỡ cây.

Những cây cổ thụ tồn tại lâu đời, là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân. “Mình phải bảo tồn những cây quý. Nếu không giữ gìn, những khu di tích không còn cây cổ thụ. Các cụ đã có câu “Cây đa, giếng nước, sân đình”. Phải làm sao đó để giữ trong làng còn cây. Cây cổ thụ như mang cả linh hồn của di tích, xóm làng”, ông Trương Tiến Hồi, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ.

Với ban quản lý, cây si không chỉ là bóng che mát mà cây còn giúp phủ Tây Hồ trở nên đẹp và uy nghi hơn. Đặc biệt, cây si là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài chim như chim sẻ, chào mào, bồ câu..., không phải do phủ nuôi mà chúng sinh sống hoàn toàn tự nhiên. Mỗi buổi sáng, được nghe tiếng chim hót, tận hưởng bầu không khí trong lành từ cây xanh bên hồ Tây huyền thoại, với nhiều người, là điều tuyệt vời!

Chăm cổ thụ giữ hồn xanh ảnh 1

Cây si hơn 250 tuổi ở phủ Tây Hồ.

Nhắc nhớ về cội nguồn

Công viên Thống Nhất đã đi cùng với năm tháng thăng trầm của bao thế hệ. Cây đa Bác Hồ trồng năm 1960 vẫn sừng sững hằng ngày tỏa bóng mát cho người dân mỗi khi qua đây. Anh Nguyễn Sĩ Thắng, trú tại phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) mỗi cuối tuần đều đưa gia đình ra công viên chơi, cây đa ở đây đã trở thành nơi để gia đình nhỏ nghỉ chân, nói chuyện và cũng là cách để anh dạy con về lịch sử dân tộc. Anh cho hay: “Các con rất hứng thú khi nhìn thấy cành lá xum xuê trên thân cây”.

Về những vùng ngoại thành Hà Nội, chúng tôi ấn tượng với cây bồ đề hơn 200 năm tuổi trước cửa đình làng Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trải qua những năm mưa bom, bão đạn từ chiến tranh nhưng cây bồ đề vẫn “đứng yên” tồn tại và phát triển đến ngày nay. Kể về cây đại thụ, bác Đỗ Kim Thanh, thành viên Ban quản lý đình làng Quỳnh Đô cho hay: “Vào những đợt tháng Giêng, tháng Hai, khi đình làng tổ chức lễ hội cũng là lúc cây bồ đề thay lá, đâm ra những chồi non rất đẹp nên được mọi người tới chiêm ngưỡng và chụp ảnh”. Tồn tại đã nhiều năm qua, cây bồ đề luôn được Ban quản lý cũng như người dân nơi đây kính trọng và bảo vệ và chăm sóc “cụ bồ đề”. Vì cây bồ đề được trồng ở ngoài mặt đường nên hằng tuần luôn có một nhóm dọn rác và chăm sóc cây bồ đề giúp khu vực chung quanh cây trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.

Các cây cổ thụ là tài sản quý giá với người chăm sóc nói riêng và là “báu vật” được người dân nâng niu và tôn trọng. Chúng không chỉ đơn thuần là bóng mát xanh của thành phố mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa và tâm linh nơi đây. Việc gìn giữ và bảo tồn cây cổ thụ là nghĩa vụ, trách nhiệm và thể hiện lòng trân trọng nét văn hóa lịch sử lâu đời. Đằng sau những cây cổ thụ là những người dành tâm huyết và công sức để chăm sóc, mong cho hình bóng, vẻ đẹp của cây tiếp tục là biểu tượng của sự bình yên, là nơi hướng về tình cảm của các thế hệ, như một lời nhắc nhớ về nguồn cội cho những lớp người hôm nay và mai sau.