Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Mài giũa “viên ngọc” Tam Giang

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được ví như “viên ngọc” trên bản đồ du lịch Huế nhưng cần “mài giũa” để phát huy hết tiềm năng, phát triển thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá cố đô…
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc sống bình dị trên phá Tam Giang.
Cuộc sống bình dị trên phá Tam Giang.

Trải nghiệm mới lạ ở Huế

“Woa, một điểm đến tuyệt vời mà vẫn chưa được đông đảo du khách biết đến. Mong phá Tam Giang được truyền thông mạnh mẽ hơn nữa”, đôi vợ chồng làm du lịch sinh thái ở tỉnh Lạng Sơn bày tỏ cảm xúc khi có trải nghiệm thú vị trên phá Tam Giang đoạn qua làng Ngư Mỹ Thạnh, đầm Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế).

Theo “Địa chí Thừa Thiên Huế” xuất bản năm 2005, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam dọc theo bờ biển, có chiều dài 68 km, tổng diện tích mặt nước 216 km2 và gồm 3 đầm, phá hợp thành là phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai. Giàu tài nguyên động, thực vật và được đánh giá phong phú nhất ở Đông Nam Á, Tam Giang - Cầu Hai có rất nhiều loài cá, chim, cò, phù du động, thực vật... Cùng nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, đầm phá này được du khách ví như “viên ngọc” quý của xứ Huế.

Trong khung cảnh yên bình ở làng Ngư Mỹ Thạnh, du khách được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, tham quan rừng ngập mặn, hóa thân thành ngư dân đổ nò, đạp trìa và chèo SUP ngắm bình minh, hoàng hôn, thưởng thức hải sản tươi ngon... “Mình thích ngắm vẻ đẹp lãng mạn khi ông mặt trời rực đỏ lấp ló phía chân trời. Mặt trời dần ngoi lên khỏi mặt nước sau giấc ngủ dài, bắt đầu chuyển mình để tia nắng đầu tiên dần rơi xuống mặt nước... Mình còn chứng kiến cảnh nhộn nhịp của phiên chợ nổi tràn đầy năng lượng ngày mới... Đến phá Tam Giang là trải nghiệm hoàn toàn mới lạ ở Huế để xem bức tranh thiên nhiên về cuộc sống yên ả nơi đầm phá...”, du khách Ngọc Hà cảm nhận.

Khai thác giá trị “viên ngọc” Tam Giang

Khoảng 7 nghìn ha ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được khai thác, bước đầu hình thành các tour du lịch sinh thái, loại hình du lịch cộng đồng và sản phẩm dịch vụ du lịch. Khoảng 3 năm trước, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi ra đời. HTX đã kết nối, tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm cho khách du lịch như đến làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh, trải nghiệm làm ngư dân, thưởng thức ẩm thực đầm phá… Du khách còn đến làng nghề, di tích lịch sử, thắng cảnh trên địa bàn. HTX duy trì các tour, tuyến như “2 ngày, 1 đêm”, “Một ngày trên phá Tam Giang”, thu hút nhiều du khách, trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng vùng đầm phá.

Nằm gần TP Huế và khai thác sản phẩm du lịch sớm hơn đầm Quảng Lợi, đầm Chuồn được nhiều du khách biết đến, nhất là trải nghiệm thưởng thức bánh khoái cá kình. Đều thuộc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hai đầm này mỗi nơi có thế mạnh đặc trưng để thu hút du khách. Hai mô hình gần giống nhau với các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa truyền thống dân gian, hệ ẩm thực đầm phá, đặc sản, các trải nghiệm du lịch cùng ngư dân..., chỉ có phương thức quản lý, vận hành du lịch khác nhau.

“Mô hình phát triển du lịch dịch vụ tại đầm Chuồn là doanh nghiệp kết hợp các hộ kinh doanh để khai thác du lịch, ngoài ra còn có các nhà hàng hải sản tạo nên các dịch vụ bổ trợ thu hút đông du khách. Còn ở đầm Quảng Lợi, hoạt động theo phương thức HTX du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi kết hợp du lịch cộng đồng để khai thác và phát triển sản phẩm du lịch đầm phá”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, lý giải.

“Mài giũa” thành “viên ngọc” quý

Vùng đầm phá đang hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng đặc trưng tại Quảng Công, Cồn Tộc, ven đầm Cầu Hai... gắn với cảnh quan đầm phá và văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, hình thành các tuyến du lịch, điểm du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; tuyến du lịch sinh thái biển và đầm phá Ô Lâu, Rú Chá... Sản phẩm du lịch lễ hội như cầu ngư, đua ghe... và lễ hội mới tổ chức ngày càng hiệu quả như “Thuận An biển gọi”, “Hương xưa làng cổ”... Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh nhận định, dù có nhiều chính sách, giải pháp được triển khai để phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nhưng nhìn tổng thể đến nay nhiều nhiệm vụ vẫn đang thực hiện và chưa hoàn thiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Bí thư Huyện ủy Quảng Điền: Hệ đầm phá Tam Giang thuộc địa phận Quảng Điền có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế. Ngoài những nghề khai thác thủy sản truyền thống của bà con, huyện cần tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên phá, cần nghiên cứu phương án khai thác tiềm năng diện tích rừng trồng để phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch để phát triển du lịch trên mặt nước từ bến đò Cồn Tộc đến thôn Ngư Mỹ Thạnh cũng như chú trọng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ trên phá, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phá Tam Giang.