Những “bóng hồng” đóng góp cho phát triển bền vững

Là một trong 17 cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại triển lãm ảnh “17 gương mặt hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Hồng Biotech, tự hào giới thiệu dự án “biến rác thành tiền”, được ghi nhận góp phần giải quyết sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và đóng góp cho bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ khai mạc triển lãm.
Lễ khai mạc triển lãm.

Những gương mặt hành động

Cách đây bảy năm, vào năm 2015, bà Trịnh Thị Hồng đã phát triển mô hình xử lý rác thải hữu cơ được ủ lên men thành chất tẩy rửa an toàn. Doanh nghiệp nhỏ sản xuất chế phẩm sinh học Minh Hồng Biotech không chỉ giải bài toán tái chế rác thành công, mà còn đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp giúp phụ nữ khởi nghiệp với những mô hình sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Bà Hồng hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP Đà Nẵng, đồng thời trở thành cố vấn cho nhiều mô hình khởi nghiệp với kinh nghiệm độc đáo của mình. Gần đây, bà đã đồng hành cùng các nhóm phụ nữ khởi nghiệp phát triển thêm các sản phẩm mới từ quá trình trồng và khai thác quả có múi, hạn chế rác thải và đóng góp cho kinh tế tuần hoàn. Bà là một trong 10 cá nhân được trao giải “Phụ nữ Việt Nam” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 2019.

Một “bóng hồng” quen thuộc khác là bà Nguyễn Phương Nga. Bà từng là Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ (nhiệm kỳ 2014-2018). Trong thời gian đó, bà đã đóng góp tiếng nói trong tiến trình các thành viên LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2015. Trên cương vị Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (nhiệm kỳ 2019-2023), Đại sứ Phương Nga đã tích cực thúc đẩy các sáng kiến thực hiện SDG, nhất là bình đẳng giới, giảm đói nghèo, thúc đẩy vai trò phụ nữ, hòa bình và an ninh...

Đồng thời, bà tham gia, đóng góp tại cơ quan của LHQ và các diễn đàn đa phương liên quan, giúp phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững. Thông qua những hoạt động ngoại giao, đối ngoại sôi nổi của mình, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng góp phần truyền tải rõ thông điệp về các ưu tiên của Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế ở cả các khuôn khổ song phương và trên các diễn đàn đa phương.

Họ là hai trong số 17 gương mặt phụ nữ Việt Nam đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm doanh nhân, nhà đổi mới sáng tạo, nhà khoa học, cán bộ gìn giữ hòa bình, nhà ngoại giao… Những nỗ lực bền bỉ của bà Hồng, Đại sứ Nguyễn Phương Nga và các nhân vật khác đã có đóng góp tích cực triển khai nhiều hoạt động, chương trình, sáng kiến trong và ngoài nước. Họ được ghi nhận là tấm gương sáng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các tầng lớp phụ nữ và xã hội, góp phần nâng cao nhận thức chung về SDG và bình đẳng giới.

Sáng kiến “17 gương mặt hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva (UNOG), bà Tatiana Valovaya khởi xướng, nhằm ghi nhận và khuyến khích phụ nữ trên toàn thế giới tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thực hiện SDG. Sáng kiến bao gồm chuỗi triển lãm về các gương mặt hành động của phụ nữ đóng góp cho SDG ở 17 nước trên thế giới và một triển lãm chung tại Geneva (Thụy Sĩ) trong năm 2024, nhân dịp LHQ hoàn thành trùng tu di tích lịch sử Palais des Nations trong khuôn viên Trụ sở UNOG.

Những “bóng hồng” đóng góp cho phát triển bền vững ảnh 1

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Bức tranh chung của phụ nữ Việt Nam

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc triển lãm, bà Tatiana Valovaya hoan nghênh sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Sáng kiến “17 gương mặt hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững”. Tổng Giám đốc UNOG nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của những câu chuyện tại triển lãm chính là sự phản ánh sinh động vai trò tiên phong của phụ nữ trong việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà Valovaya đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời bà cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, triển lãm là dịp tôn vinh và khuyến khích phụ nữ Việt Nam đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội cũng như trong việc thúc đẩy đạt được SDG. “Triển lãm là một bức tranh chung đại diện cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam đang hằng ngày nỗ lực xây dựng gia đình, cộng đồng ấm no, hạnh phúc, cũng như đóng góp cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững”, bà Hằng chia sẻ.

Triển lãm ảnh “17 gương mặt hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững” diễn ra từ ngày 20 đến 24/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), do Bộ Ngoại giao cùng UNOG phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội Trao quyền cho phụ nữ Thụy Sĩ tổ chức, nhằm tôn vinh những người có đóng góp đặc biệt vì các mục tiêu phát triển bền vững.

2023 là năm bản lề trên lộ trình thực hiện các mục tiêu SDG được khởi xướng từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Thế giới đã đi được nửa chặng đường, song các mục tiêu hiện nay gặp phải nhiều trở ngại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột cũng như biến đổi khí hậu... Những thách thức toàn cầu này khiến cho việc thực hiện SDG trở nên khó khăn và đặt ra yêu cầu bảo vệ các mục tiêu đã đạt được, đặc biệt là mục tiêu về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.

“Nếu tiếp tục tiến độ như hiện nay thì 300 năm nữa chúng ta mới đạt được mục tiêu bình đẳng giới trên toàn cầu, tức là ít nhất bốn thế hệ phụ nữ và trẻ em gái nữa. Đó là một khoảng thời gian rất dài với nhiều phụ nữ và trẻ em gái còn phải đối mặt bất công, bạo lực”, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ các mục tiêu SDG.

Bà Tamesis cho rằng, 17 gương mặt tại triển lãm đang tạo ra nguồn cảm hứng cho các hành động cụ thể không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Bà nhắc lại sự tham gia của phụ nữ là chìa khóa để Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời nhấn mạnh giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững chính là tích cực đầu tư cho bình đẳng giới. “Sự đầu tư cho bình đẳng giới là một trong những hành động mạnh mẽ nhất để thúc đẩy phát triển bền vững. Những đóng góp đa dạng của phụ nữ Việt Nam trong Triển lãm cũng cho thấy rằng, chúng ta cần đa dạng hóa hành động vì mục tiêu SDG”, bà Tamesis phát biểu.