Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho:

Như một lời tri ân...

Đầu tư công sức suốt ba năm để sáng tác, thêm tám năm chờ đợi, nhạc kịch Bài ca tình yêu của nhạc sĩ Doãn Nho mới có cơ hội đưa được tới công chúng. Ông trò chuyện cùng chúng tôi về tác phẩm cùng nhiều suy nghĩ, trăn trở bấy lâu về sức sống của sân khấu nhạc kịch (opera) ở Việt Nam. 
0:00 / 0:00
0:00
Như một lời tri ân...

Tâm huyết nghề nghiệp cùng sự thăng hoa cảm xúc

- Thưa ông, nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông cho đến nay vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng. Có một số tác phẩm nhạc kịch, hợp xướng đã được công diễn, nhưng số lượng ít ỏi so với ca khúc, có lẽ bởi các thể loại đó đòi hỏi nhiều công sức. Vì thế, không ít người bất ngờ khi tác phẩm opera Bài ca tình yêu của ông được công diễn, khi ông ở dấu mốc tuổi 90. Ông có thể chia sẻ đôi điều về hành trình ra đời của tác phẩm này?

- Tôi tốt nghiệp bậc đại học ngành Sáng tác-Lý luận, rồi sau đạt học vị tiến sĩ Nghệ thuật học tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô trước đây). Bởi thế, tôi mong muốn vận dụng những kiến thức được học của mình về âm nhạc bác học để sáng tác những tác phẩm mang tính hàn lâm, có giá trị, để lại cho thế hệ sau. Quá trình sáng tác đó là liên tục, trải dài qua nhiều thời kỳ.

Ý tưởng cho Bài ca tình yêu đến với tôi từ một bài viết trên báo Tiền phong, kể về một người lính anh hùng trong chiến tranh, từng bị địch bắt nhưng đã trốn thoát, trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trong thời gian anh bị địch bắt, bên ta đã tưởng anh hy sinh… Tác phẩm này là nơi mà tôi dồn tất cả tâm huyết nghề nghiệp cùng sự thăng hoa cảm xúc trong dòng suy nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tôi viết trong vòng ba năm, từ năm 2011 đến năm 2014. Có thể nói, Bài ca tình yêu như một lời tri ân những người lính đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc.

- Thưa ông, riêng về góc độ nghệ thuật, ông có thể chia sẻ thêm điều tâm đắc nhất của ông thể hiện trong tác phẩm này?

- Có lẽ, trước mắt, tôi chỉ dám nói rằng, Bài ca tình yêu có một vài điều thú vị: Mặc dù phải tuân thủ những yêu cầu tiêu chuẩn của phương Tây nhưng trong Bài ca tình yêu, tôi đã cố gắng khai thác những đặc thù của nghệ thuật dân tộc, như cải lương, tuồng, chèo. Tôi mong muốn có thể kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại; một vở nhạc kịch nhưng có cách thể hiện dung dị, đậm đặc màu sắc, âm hưởng của âm nhạc dân tộc để dễ nghe, dễ đi vào lòng người.

Tôi muốn nói thêm, đã nói đến sân khấu dân tộc thì không thể không nhắc tới màu sắc hài, bởi vì trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân ta vẫn tồn tại vẫn phát triển, một phần nhờ ở bản chất, bản tính lạc quan. Bà con mình thích đi xem chèo, tuồng, cải lương cũng một phần nhờ các vai hề. Nếu bạn để ý, trong Bài ca tình yêu, chất hài cũng gắn với hai nhân vật nam trong cảnh hành quân trước trận đánh. Đó là đoạn hát nói trên nền âm điệu ngũ cung của hai nhân vật Hùng và Dũng, khi đôi bạn truyền cho nhau kinh nghiệm "Việt hóa" một số câu tiếng Anh thông dụng, kiểu như "turn back" (tạm dịch nguyên nghĩa: quay lại) thành "quẫn bách". Vẻ bỡn cợt mang chất lính đem lại hiệu quả tương phản ngay trước cao trào bi hùng thể hiện trận đánh máu lửa.

Như một lời tri ân... ảnh 1
Cảnh trong vở opera Bài ca tình yêu. Ảnh: NVCC

Sự kỳ công đặt nền móng cho tinh thần sáng tạo

- Thưa ông, đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi vở nhạc kịch đầu tiên, Cô Sao (tác giả: nhạc sĩ Đỗ Nhuận) được dàn dựng và công diễn thành công nhưng đến nay, sân khấu nhạc kịch nói riêng ở nước ta lại đang ở giai đoạn thoái trào, đối diện khủng hoảng cả về đội ngũ và khán giả... Phải chăng, loại hình nghệ thuật hàn lâm này ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức?

- Cá nhân tôi thì không nghĩ vậy. Ở góc độ chuyên môn nghệ thuật, opera ở Việt Nam đã tiến bộ hơn trước rất nhiều.

Khi viết vở opera đầu tiên của Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã cố gắng chuyển thể các quy tắc tối thiểu của nhạc kịch hàn lâm phương Tây một cách khéo léo để làm sao phù hợp với âm sắc tiếng Việt và tâm lý thưởng thức sân khấu của người Việt Nam. Những vở opera được trình làng tiếp theo, như Bên bờ Krông Pa của Nhật Lai (năm 1968), Người tạc tượng (sáng tác năm 1971) của Đỗ Nhuận, Tiếng đàn Thạch Sanh của Đức Minh (năm 1985), Người giữ cồn của Ca Lê Thuần (năm 2014), Lá đỏ của Đỗ Hồng Quân (năm 2016) và gần đây nhất là Khát vọng Đam Săn (năm 2021) của Nguyễn Cường,… cũng đều là những tác phẩm được đầu tư dàn dựng công phu, đặc sắc, có ngôn ngữ riêng.

- Nhưng nếu nhìn từ góc độ đời sống, có lẽ ta cũng thấy là tần suất xuất hiện trên sân khấu của opera là rất thấp và không dành cho quảng đại công chúng, thưa ông?

- (Trầm tư) Đúng là có nhiều yếu tố chi phối: đội ngũ sáng tác, khán giả và nghệ sĩ phải được đào tạo bài bản, nhất là nguồn kinh phí để dàn dựng tác phẩm. Phải nói opera là loại hình kén khán giả, trong khi để hoàn thành khâu dàn dựng và trình diễn một tác phẩm lại rất công phu và tốn kém. Bài ca tình yêu đã được viết xong từ lâu nhưng do lận đận vì kinh phí dàn dựng nên không kịp công diễn vào năm 2014, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, dự kiến biểu diễn năm 2018, dịp tôi tròn 85 tuổi, cũng không thành...

Một thí dụ khác, việc tập luyện diễn ra trên sân khấu của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nhưng biểu diễn thì lại ở sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội; điều này dẫn đến nhiều thay đổi từ vị trí của diễn viên đến quá trình tập kết, chuẩn bị trang phục, đạo cụ... Tất cả đòi hỏi công tác chỉ huy phải thật sự khoa học, nhanh nhạy để gần 200 diễn viên cùng tiếp cận được sân khấu mới. Với số lượng lớn người tham gia như vậy, chỉ riêng việc phân bổ thời gian tập luyện đã khó, chưa kể trong vở này, còn có một số em học sinh phổ thông đóng vai các em nhỏ ở làng quê, nên thời gian tập luyện càng phải linh hoạt để vẫn bảo đảm được lịch học của nhóm diễn viên đặc biệt này.

Đặc biệt, opera cần giọng hát thật đồng thời với diễn xuất thật nên chúng tôi phải rất cân nhắc để chọn được diễn viên thể hiện tốt bản chất của opera.

- Bên cạnh vấn đề kinh phí dành cho nghệ thuật hàn lâm vốn là câu chuyện dài chưa có hồi kết, còn những vấn đề nào mà theo ông, cần được chú trọng để những bộ môn như opera có thể phát triển tốt hơn nữa ở nước ta?

- Khi nghe bạn hỏi câu này, tôi liền nhớ đến thầy tôi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Bí quyết mà ông gợi mở cho tôi là phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn của mình, cùng với nắm bắt được tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng. Thầy Đỗ Nhuận rất đúng khi ông tự làm lấy ca từ trong Cô Sao, Người tạc tượng, Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Riêng với vở Cô Sao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận không chỉ là tác giả kịch bản mà tham gia cả vào các khâu đạo diễn, phục trang, ánh sáng,… Chính sự kỳ công của ông đã góp phần đặt nền móng cho sự sáng tạo tiếp theo của các thế hệ nhạc sĩ. Nói vậy vì tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố gần gũi với thẩm mỹ và thói quen truyền thống trong thưởng thức nghệ thuật sân khấu nói chung của công chúng để ngay từ chủ quan phía người sáng tác, ta đã có ý thức đầy đủ về việc đưa nghệ thuật này đến gần công chúng của ta hơn.

Ngoài ra, chúng ta phải tập trung vào công tác đào tạo nói chung, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự phát triển một nền âm nhạc mang tính chuyên nghiệp, để từ đó làm nền tảng cho sự phát triển sáng tác opera.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho năm nay bước sang tuổi 90. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, như Tiến bước dưới quân kỳ, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Chiếc khăn piêu cũng như nhiều sáng tác âm nhạc hàn lâm, như hợp xướng Sóng Cửa Tùng (năm 1956-1967), giao hưởng Chiếnthắng (năm 1975-1976), thanh xướng kịch Từ Hoa Lư đến Thăng Long-Bài ca dời đô (năm 2010). Vở nhạc kịch Bài ca tình yêu của ông do Bộ Quốc phòng đầu tư dàn dựng, công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào hai ngày 21 và 22/12/2022, đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.