Nhóm bếp sẻ chia

Nhẹ nhàng đặt thùng hộp đựng thức ăn trên hai chiếc bàn inox lớn ở góc sân, chị Lê Tường Vy (giảng viên Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh) quay sang dặn dò cho từng nhóm sinh viên: “Rau rửa nhiều nước, gói canh thì nhớ cột chặt, làm gì cũng phải đeo bao tay cho sạch, chiên cá nhớ nhỏ lửa và thay dầu mới liên tục. Mình tập trung làm để các bệnh nhi có cơm sớm không phải đợi chờ quá lâu sẽ mệt”. Hôm nay thứ tư, Bếp sẻ chia của chị sẽ dành tặng rất nhiều suất cơm, súp, yến chưng đến bệnh nhi đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Chuẩn bị suất ăn cho bệnh nhi và thân nhân Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị suất ăn cho bệnh nhi và thân nhân Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.

May mắn vì được cho đi

Trong khoảnh sân ngập nắng, hơn chục sinh viên chia từng tốp nhỏ hoàn tất những công đoạn còn lại của khâu chuẩn bị suất ăn. Bếp nấu thứ tư, từ chiều đến tối thứ ba hằng tuần đã rộn ràng tiếng cười nói. Sau giờ học, sinh viên lại theo chân cô về nhà sơ chế sẵn thức ăn và chuẩn bị những vật dụng cần thiết. Bệnh viện cách khu vực chế biến của bếp rất xa nên để cơm cháo đến đúng bữa trưa, mọi thứ phải kết thúc trước 10 giờ sáng.

Rửa xong phần rau vừa sơ chế kỹ càng, Trương Thảo Nguyên (sinh viên Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh) lau khô tay, chuyển sang gói canh cho kịp giờ xe xuất phát. Nguyên quê ở Đà Nẵng, vào TP Hồ Chí Minh được hai năm nay. Cách đây mấy tháng, trong tiết đầu tiên của môn Luật Hình sự, nghe cô Vy kể về Bếp sẻ chia, Nguyên và một số bạn trong lớp ngay lập tức nhắn tin xin được đồng hành. Vậy là thứ tư hằng tuần, Nguyên chạy xe đến nhà cô, xắn tay áo tập làm các món ăn mới mẻ. Lúc còn ở quê, Nguyên được mẹ cưng, chỉ lo học hành thật giỏi, chẳng cần đụng đến chuyện bếp núc. Vậy nên, ban đầu tới phụ cô Vy, việc nào với Nguyên cũng lạ. May mà cô hướng dẫn tận tình chứ không la hay chọc ghẹo.

Nguyên kể, từ ngày em làm tình nguyện viên tại Bếp sẻ chia đến nay, chưa khi nào thực đơn lặp lại. Cô sinh viên vui vì học thêm cách làm bao nhiêu món mới. Nguyên chưa đứng bếp, chủ yếu phụ sơ chế nguyên liệu. Nhưng vậy là Nguyên thấy hài lòng vì được chung tay làm điều ý nghĩa. Nguyên chia sẻ, nhà Nguyên ở Đà Nẵng có mở hai quán chay. Cô cũng theo ba mẹ phụ phân phát mỗi khi làm cơm tặng chùa, nhưng Nguyên chưa biết nấu nướng. Tham gia Bếp sẻ chia, Nguyên vừa học cách nấu, vừa được chia sẻ với mọi người: “Cô kỹ tính lắm, dặn dò tụi em từng chút. Món nào cô nấu cũng ngon, bệnh nhi và thân nhân rất thích”.

“Cô ơi, con ăn hết rồi nè. Cô ơi, cho con xin thêm phần để chiều ăn nha!”. Nghe tiếng nói rộn ràng của một bệnh nhi trong sảnh nhận suất ăn ở bệnh viện, chị Vy vội đến bên xoa đầu hỏi thăm. Biết tụi nhỏ mê cháo và súp, bữa nào ghé chị cũng ưu tiên các món này. Mấy năm liền gắn bó ở Bệnh viện Nhi đồng, chị Vy nhớ nhiều gương mặt thân quen. Không ít bệnh nhi và thân nhân đã xem chị là người nhà, thường nhắn tin tâm sự, sẻ chia hoặc lâu lâu lại gửi một tin nhắn cảm ơn đong đầy thương yêu.“Cháo, súp cô Vy” thành món ăn ưa thích của rất nhiều bệnh nhi. Có những bé khi Bếp sẻ chia đến phát cứ đợi ở sảnh, chơi một hồi mới chịu về phòng. Phát các suất ăn đến tận tay người nhà bệnh nhi và dọn dẹp đâu vào đó, chị Vy cùng học trò dành chút thời gian còn lại ghé các phòng bệnh hỏi thăm xem mọi người ăn có ngon miệng không.

Chính những lần ghé thăm như thế, chị lại nghe nhiều chuyện buồn, chuyện khổ của các gia đình bệnh nhi đặc biệt rồi tìm cách hỗ trợ thêm. Khi thì chuyến xe đưa đón bệnh nhi nhập viện/về nhà hay chiếc máy thở cho những ca bệnh yếu, lúc lại vận động lắp tay chân giả cho bệnh nhi ung thư xương… Những thương yêu cứ vậy được nối dài suốt bốn năm nay. “Hôm nào phát xong quay về nhà tôi cũng mệt rã rời. Nhưng đang nằm nghỉ, nhận được tin nhắn “Cô Vy ơi, cháo ngon quá!”, kèm theo hình ảnh cái tô sạch trơn, tự dưng thấy khỏe liền. Hay như bữa kia nhận được tin nhắn của một bệnh nhi “Cô ơi, nhờ có chân giả mà con được đến trường rồi”, nghe rơm rớm nước mắt”, chị Vy tâm tư. “Buồn nhất là có những bạn ăn cháo của bếp chỉ một thời gian thì qua đời. Bố mẹ các em mỗi lần nhớ con đều gọi cho tôi. Những lúc đó chỉ biết động viên, an ủi vì mình cũng rất nặng lòng”, chị kể.

Yêu thương từ “nồi cháo nhỏ”

Năm 2019, sau vài lần ghé thăm bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Vy quyết định trích tiền lương, rủ thêm vài người bạn cuối tuần nhóm bếp nấu nồi cháo dinh dưỡng trao tặng các em nhỏ. Chị đâu ngờ, nồi cháo với 50 suất ngày ấy chẳng lâu sau trở thành mối duyên kết nối chị với nhiều bạn bè gần xa, cùng chung tay để những phần ăn cho bệnh nhi ngày càng tăng về chất lượng lẫn số lượng. Đến nay, mỗi tuần Bếp sẻ chia của chị dành tặng bệnh nhi ung thư và thân nhân gần 300 phần cháo, súp, nhiều phần cơm chất lượng, yến chưng, món ăn nhẹ, trái cây, bánh sữa… Nhà hảo tâm ban đầu là người thân, bạn bè, sau toàn người lạ gửi gắm tấm lòng, nhờ chị sẻ chia tận tay người bệnh. Nhiều người thắc mắc vì sao bếp không nấu thứ Bảy. Nhưng chọn nhóm bếp vào giữa tuần thay vì ngày nghỉ, mục đích của chị Vy là cố gắng để trao được thật nhiều suất ăn cho bệnh nhi, do cuối tuần khá nhiều em xuất viện.

Bếp vận hành hơn một năm, mọi thứ vào nếp thì dịch Covid-19 xuất hiện. Khi đó, một vài sinh viên ở nhờ lại nhà chị, cô trò tiếp tục duy trì bếp và bổ sung thêm nhiều đầu việc phát sinh. Trong suốt mùa dịch, đặc biệt là giai đoạn khắp nơi “giăng dây”, ngoài cung cấp suất ăn cho bệnh nhi ung thư, Bếp sẻ chia còn gửi tặng nhiều phần ăn đến đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện. Ngoài ra, từ nguồn tiền mạnh thường quân gửi về, bếp còn tìm mua và cung cấp dụng cụ bảo hộ y tế, phân bổ nhiều chuyến xe đưa các bệnh nhi về nhà, hỗ trợ nhiều sinh viên khó khăn…

Nhớ lại những ngày thành phố giãn cách xã hội kéo dài, dù nhân lực giảm hơn 60%, Bếp sẻ chia vẫn miệt mài làm việc, hầu như không có thời gian nghỉ. Công suất hoạt động tăng gấp chục lần với rất nhiều phần việc trái tay. Chị Vy và sinh viên luôn động viên, hỗ trợ nhau để giúp được càng nhiều người càng tốt. “Không hiểu sao giai đoạn đó, trò chưa tiêm mũi vaccine nào, cô mới tiêm một mũi mà cô trò mặc đồ bảo hộ y tế đi khắp nơi làm đủ việc mọi người cần. Giai đoạn cao điểm, chúng tôi chỉ còn bốn người làm chính, vài hàng xóm hỗ trợ thêm nhưng có đội ngũ tình nguyện viên ở khắp các phường, xã nên các suất ăn, phần quà hỗ trợ vẫn đến được nơi cần đến dù xa xôi, cách trở cỡ nào”, chị Vy nhớ lại.

Suốt giai đoạn dịch bệnh, dù không có mấy thời gian nghỉ ngơi nhưng chỉ cần nghe ai đó nhắn tin cảm ơn, động viên, bao mỏi mệt tan biến hết. Có lần, chị nghe nhóm bác sĩ từ ngoài bắc hỗ trợ chống dịch kể thèm món thịt heo giả cầy. Dịch bủa vây, nguyên liệu nấu nướng thiếu thốn đủ thứ, thịt heo thì có thể mua được nhưng trong những ngày giãn cách, gừng riềng không biết lấy đâu. Vậy mà thông qua mạng lưới kết nối, chị Vy cũng nhờ được bà con hàng xóm đi nhổ giúp. Bao nhiêu người chung tay, cuối cùng có đủ nồi giả cầy đậm tình thương yêu gửi tặng các bác sĩ.

Nhìn lại hành trình đã qua, chị Vy nói không ngờ Bếp sẻ chia được thương yêu và phát triển đến ngày hôm nay. Ban đầu, khi tự bỏ tiền túi nhóm bếp, chị nghĩ chắc cao lắm vận hành được một năm. Nhưng khi chia sẻ câu chuyện mình đang làm và cả những ước muốn cho bệnh nhi ung thư lên mạng xã hội, chị nhận về quá nhiều sự đồng hành, tiếp sức. Chị Vy nói, không dừng lại ở việc cung cấp các suất ăn, thời gian tới, nhóm của chị sẽ khảo sát nhu cầu thực tế của nhiều bệnh nhi để bổ sung thêm các phương án hỗ trợ thiết thực. Mong ước lớn nhất vẫn là trao đi yêu thương để giảm bớt phần nào gánh nặng, nỗi đau mà những mảnh đời kém may mắn đang gánh chịu.