Nhiều nước châu Âu tăng cường an ninh

Mối lo khủng bố nổi lên tại châu Âu sau vụ tấn công tại phòng hòa nhạc thuộc Trung tâm thương mại Crocus ở ngoại ô Thủ đô Moscow của Nga. Nhiều nước gấp rút triển khai các biện pháp tăng cường an ninh, thậm chí nâng cảnh báo nguy cơ khủng bố lên mức cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Pháp tăng cường tuần tra tại Thủ đô Paris. Ảnh: AFP
Cảnh sát Pháp tăng cường tuần tra tại Thủ đô Paris. Ảnh: AFP

Cảnh báo khủng bố

Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên cấp độ “tấn công khẩn cấp”. Đây là mức cao nhất và chỉ được kích hoạt khi xảy ra tấn công ở Pháp hoặc nước ngoài và đe dọa khủng bố được đánh giá hiện hữu. Thông báo sau cuộc họp với giới chức an ninh hôm 24/3, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nêu rõ: Quyết định dựa trên mối đe dọa an ninh Pháp đang đối mặt và sau khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thừa nhận thực hiện vụ tấn công ở Nga.

Pháp cũng tăng cường lực lượng cho “Chiến dịch Sentinelle”, đơn vị phụ trách giải quyết các mối đe dọa khủng bố. Khoảng 4.000 binh sĩ được điều động bổ sung và chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh tại các địa điểm công cộng, như nhà ga, nhà hát, cơ sở tôn giáo...

Trước đó, ngay sau vụ tấn công tại nhà hát phòng hòa nhạc Crocus City Hall ở Moscow của Nga, Italy tuyên bố cảnh báo an ninh ở mức cao nhất.

Chưa nâng lên mức cao nhất, song Bỉ duy trì mức cảnh báo được áp dụng sau vụ tấn công ở Thủ đô Brussels hồi tháng 10/2023. Cơ quan Phối hợp và Phân tích mối đe dọa (OCAM) của Bỉ đánh giá đe dọa khủng bố ở nước này ở mức 3 trên thang 4 cấp, tương đương nguy cơ “có thể xảy ra vụ việc nghiêm trọng”.

Theo Cơ quan An ninh và Tình báo Đan Mạch (PET), nước này đối mặt rủi ro ngày càng tăng từ chủ nghĩa khủng bố cả trong và ngoài nước, do xung đột ở Dải Gaza và sau các vụ đốt kinh Koran của người Hồi giáo ở Đan Mạch. PET đánh giá mức đe dọa khủng bố tại Đan Mạch là “nghiêm trọng”, tức là mức 4 trên thang 5 cấp.

Đức cũng cảnh báo đe dọa khủng bố ở mức cao. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nhận định nguy cơ vẫn cao, cả trước khi xảy ra vụ khủng bố ở Nga vừa qua. Mức đe dọa tại Anh được đánh giá ở mức 3 trong hệ thống 5 cấp.

Siết chặt an ninh

Một loạt nước tăng cường lực lượng an ninh và siết chặt kiểm soát tại những nơi tập trung đông người. Từ cuối tuần trước, Bộ Nội vụ Serbia tuyên bố tăng cường các biện pháp an ninh tại địa điểm công cộng, gồm cả các trung tâm thương mại. Cảnh sát đã được triển khai tại các điểm mua sắm.

Bộ Nội vụ Italy yêu cầu cảnh sát tăng cường hoạt động giám sát trong dịp lễ Phục sinh, nhất là tại các nhà ga, sân bay, địa điểm văn hóa, tôn giáo... Lực lượng an ninh và tình báo Italy cũng giám sát các hoạt động trên internet nhằm phát hiện sớm nguy cơ rủi ro.

Đức cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới mang tính tạm thời, nhằm bảo đảm an ninh trong thời gian diễn ra Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2024 vào mùa hè tới. Bộ Nội vụ Đức nhận định, tổ chức nhánh của IS ở Afghanistan có tên ISIS-K vẫn là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Đức.

Trong khi đó, Cảnh sát Tây Ban Nha thông báo đã bắt giữ một nghi phạm có hành vi kích động khủng bố. Đối tượng cũng bị cáo buộc “có mối liên hệ sâu rộng” với các thành viên IS.

Nhiều nước châu Âu tiếp tục cảnh báo nguy cơ khủng bố từ IS. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25/3 cho biết, nguồn tin tình báo tiết lộ rằng, một nhánh của IS thừa nhận đã lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công tại Moscow. Nhóm này cũng từng dự định tấn công trên lãnh thổ Pháp.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhận định, các vụ khủng bố tương tự vụ tấn công tại Nga vừa qua có thể xảy ra ở các nước khác, nơi IS hoạt động hoặc có các “nhóm chân rết”.

Đến nay, Nga chưa bình luận về thông tin IS thừa nhận thực hiện vụ tấn công ở Moscow. Nga kêu gọi các nước hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.