Lợi thế của loài chim triệu năm
Đà điểu xuất hiện trên Trái đất cách đây khoảng hơn 100 triệu năm, có khả năng thích nghi với điều kiện luôn biến động của môi trường, nhờ vậy chúng là loài chim lớn cuối cùng còn tồn tại đến ngày nay. Cơ dạ dày của chúng có thể nghiền nát các loại thức ăn thô xanh nên thức ăn dành cho đà điểu đơn giản, dễ nuôi, từ ngô, thóc, cám gạo… đến các loại thức ăn xanh và bèo tây... Đà điểu cũng dễ nuôi với phổ nhiệt rộng từ -30oC tới 40oC, chịu được kham khổ.
So với các loại gia súc, gia cầm nuôi lấy thịt khác như bò, lợn, gà, giống đà điểu có ít chất thải hơn và khả năng gây ô nhiễm môi trường rất thấp mà vẫn đem lại giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi đà điểu có năng suất cao hơn so các loại vật nuôi khác như bò, lợn, gà vịt. Mỗi năm một đà điểu mái sinh sản 25-30 con.
Sản lượng thịt một đà điểu mái có thể đạt khoảng 2,5-3 tấn mỗi năm so với bò hay trâu chỉ đẻ một con, sản lượng thịt khoảng 250kg/năm. Thời gian khai thác đà điểu mái có thể đạt từ 15-20 năm, khả năng sản xuất thịt hơi được 25-30 tấn, trong khi đó một đời lợn nái được 6,5-7,7 tấn hay một đời gà mái được 240-300kg thịt.
Nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng lớn có trong thịt đà điểu, 100 gam thịt có tới 22,9 gam protein nên mặc dù giá cao nhưng vẫn được mọi người sử dụng. Với sức chống chịu bệnh tật cao, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong quá trình phát triển và chế độ ăn giàu chất xơ với các phụ phẩm nông nghiệp, đà điểu đang được coi là nguồn thịt sạch của thế kỷ XXI, đôi khi giá thành cao và nguồn cung không đủ.
Từ hai quả trứng đà điểu đầu tiên…
Nhận thấy tiềm năng lớn của đà điểu, từ năm 1995, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) ấp hai quả trứng đà điểu Ostrich gửi từ Mỹ về và nở được hai con, nuôi phát triển. Năm 1996, Trung tâm tiếp tục được Bộ giao ấp 100 quả trứng đà điểu từ Zimbabwe và nở được 38 con. Trên cơ sở đó, từ năm 1997, Bộ đã phê duyệt thành lập Trạm nghiên cứu phát triển chăn nuôi đà điểu Ba Vì thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. 20 năm qua, trạm đã đưa ra số lượng lớn đà điểu giống, là địa chỉ cung cấp giống và chuyển giao công nghệ chăm sóc đà điểu trên cả nước. Với diện tích 12 ha, quy mô 500 mái đà điểu sinh sản, hiện trạm này có đầy đủ khu vực phục vụ nhân giống và cho ra thị trường những con giống đà điểu tốt. Theo Trạm trưởng – Ths Nguyễn Thị Hòa, trạm đang nuôi giữ đàn hạt nhân với quy mô hơn 500 đà điểu sinh sản để phục vụ nghiên cứu và sản xuất. Hằng năm, sản xuất và cung cấp 3.800-4.000 đà điểu giống các loại cho các cơ sở chăn nuôi đà điểu sinh sản và thương phẩm để sản xuất cung cấp nguồn thực phẩm cho xã hội.
Được biết hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã làm chủ được các quy trình chăn nuôi và ấp trứng đà điểu nên việc nuôi dưỡng thuận lợi, ấp nở đạt cao: 82% tỷ lệ nở/phôi; 86% con nở loại 1 đạt chất lượng tốt, đáp ứng đủ cho các hộ dân có nhu cầu chăn nuôi. Thời gian qua, các sản phẩm từ loài gia cầm này như thịt, giò hay trứng đã trở thành “thương hiệu” mới của mảnh đất Ba Vì. Hiện nay, chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mô hình chăn nuôi đà điểu đang được giữ ổn định về chất lượng và ngày càng mở rộng về số lượng trên địa bàn.
Sàng lọc trứng. |
Sản phẩm đa dạng từ đà điểu
Tại nhiều xã của huyện Ba Vì (Hà Nội) như Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại... đang phát triển mô hình chăn nuôi đà điểu với hơn 200 hộ nuôi, quy mô hàng chục nghìn con. Theo đánh giá, nếu phát triển số lượng lớn thì hiệu quả kinh tế từ nuôi đà điểu cao hơn nhiều lần so các loại cây, con giống truyền thống.
Nuôi đà điểu cần diện tích chăn nuôi rộng và chuồng trại khô ráo. Theo Ths Nguyễn Khắc Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, để đà điểu có thể phát triển bình thường, khỏe mạnh, diện tích nuôi cần tới 50m2/con, sân chơi cần chiều rộng 10-15m và chiều dài cần đạt 50-60m để cho đà điểu chạy với tốc độ cao, sân chơi phải trồng cây làm bóng mát để chúng có chỗ trú khi nắng gắt.
Trang trại ông Ngô Quang Nam (thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa) hiện đang có khoảng hơn 300 con, là một trong những hộ chăn nuôi đà điểu từ những ngày đầu tiên. Ông chia sẻ, trung bình mỗi tháng gia đình thịt từ 50-60 con phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đà điểu nuôi 10-12 tháng có thể đạt trọng lượng lên tới hơn 100kg với giá bán thịt tinh dao động từ 250-300 nghìn đồng/kg. Thịt đà điểu chủ yếu được cung cấp dịp Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao và cũng là thời điểm đà điểu đủ độ tuổi đạt chất lượng cả về thịt và diện tích tấm da. Theo đó, lợi nhuận đem về có thể đạt từ 1-3 triệu đồng/con.
Nếu khéo léo để lấy ra phần ruột của quả trứng đà điểu để lại phần vỏ gần như nguyên vẹn thì có thể dùng vỏ trứng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, xương, tiết đà điểu đã được chế biến thành thực phẩm chức năng bổ dưỡng và mỡ đà điểu còn được dùng cho công nghệ chế biến mỹ phẩm dưỡng da.
Đà điểu là một trong số ít loài hầu hết các bộ phận đều có tác dụng với con người. Một điều thú vị là bộ da đà điểu có giá trị kinh tế cao - một trong những chất liệu da xa xỉ tương đương da cá sấu. Theo giá thị trường, 1m2 da đà điểu có giá bán lên tới gần 10 triệu đồng. Có điều, dù công nghệ thuộc da của nước ta cũng tiên tiến và có thể sản xuất được các sản phẩm từ da đà điểu, nhưng chất lượng vẫn chưa cao. Vì vậy, hầu hết các sản phẩm này đều được các thương lái từ nước ngoài thu mua.
Ngoài ra, bộ lông cũng đem lại kinh tế cao với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng một bộ, tùy vào chất lượng và độ bóng mượt, có thể sử dụng làm một số loại trang sức hoặc nguyên liệu ngành may mặc. Với bản chất không tích điện nên lông đà điểu còn được dùng để làm bàn chải lau chùi những thiết bị điện tử, vi tính ứng dụng trong ngành công nghệ tin học.
Tuy nhiên, là loài chim lớn, mặc dù dễ ăn uống, song điều kiện nuôi nhốt không phải gia đình nông dân nào cũng có thể đáp ứng. Bên cạnh đó, giá thành cho đà điểu giống là không rẻ, khoảng 1,5 triệu đồng/con, thời gian chăm nuôi trung bình tới 10-12 tháng mới có thể làm thịt nên vốn đầu tư ban đầu cũng lớn.
Bù lại, nhờ lợi nhuận cao nên mô hình nuôi đà điểu được rất nhiều người dân tại Ba Vì hưởng ứng. Từ đó, chuỗi liên kết từ công đoạn sản xuất đến tiêu thụ cũng được hình thành và các chế phẩm từ đà điểu đã trở thành sản phẩm mũi nhọn, vừa phục vụ ẩm thực, vừa kết hợp du lịch địa phương, tạo cơ hội việc làm, gia tăng nguồn thu nhập và giúp du khách có nhiều trải nghiệm mới khi đến với Ba Vì.
Vậy là, sau hơn 20 năm nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất, chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam và tiêu biểu là tại Ba Vì đã trở thành ngành hàng mới có nhiều tiềm năng về sản phẩm, mang lại kế sinh nhai cho người dân.