Theo CNA, Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất mỹ phẩm, với giá trị sản xuất lên tới 8,5 tỷ USD trong năm tài chính gần đây nhất. Tuy nhiên, hằng năm, các công ty lớn trong ngành tại nước này thải bỏ khoảng 20.000 tấn mỹ phẩm, bao gồm rác thải sản xuất, hàng tồn kho dư thừa và các sản phẩm hết hạn sử dụng.
Ông Hisanori Tanaka, cựu nghiên cứu viên tại Công ty mỹ phẩm Kose cho biết, việc chứng kiến khối lượng rác thải khổng lồ trong ngành đã thôi thúc ông tìm cách tái chế những sản phẩm này. Năm 2019, ông thành lập Mangata, một công ty chuyên tái chế mỹ phẩm như phấn phủ và phấn mắt hết hạn hoặc không bán được, để sản xuất các sản phẩm như sơn, mực, acrylic, bản in và thậm chí bê-tông mầu sáng dùng trong xây dựng.
Công nghệ tái chế của Mangata tập trung vào việc loại bỏ các enzyme trong mỹ phẩm, sau đó chuyển hóa bột mỹ phẩm thành dạng sệt. Hỗn hợp này được trải đều lên các tấm ván và phơi khô trong ít nhất 3 ngày trước khi sẵn sàng để sử dụng như một loại sơn. Ông Tanaka khẳng định rằng, quy trình này không chỉ an toàn mà còn giảm thiểu các lo ngại về ô nhiễm và tiêu chuẩn vệ sinh.
Hiện tại, Mangata hợp tác với 16 thương hiệu mỹ phẩm để thu mua trực tiếp các sản phẩm bị thải bỏ từ nhà máy. Ông Tanaka cho biết: “Các công ty mỹ phẩm thường phải trả phí để xử lý lượng mỹ phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, khi chúng tôi mua lại những sản phẩm này, họ vừa giảm được chi phí xử lý, vừa góp phần vào một giải pháp bền vững. Đây thật sự là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi”.
Lấy cảm hứng từ tầm nhìn của Mangata, thương hiệu mỹ phẩm Kanebo và công ty in ấn Toppan đã tổ chức một sự kiện nghệ thuật tại Tokyo, sử dụng khoảng 10 tấn phấn mắt và phấn phủ đã được tái chế.
Từ một ngành công nghiệp tạo ra khối lượng rác thải khổng lồ, sáng kiến của Mangata mở ra hướng đi mới không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao nhận thức về tính bền vững trong sản xuất và tiêu dùng.