Lo ngại về tương lai bất ổn

Trong báo cáo vừa công bố, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo: Thế giới đối mặt “kỷ nguyên khủng hoảng mới” với trẻ em, khi biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và xung đột làm gián đoạn cuộc sống và hạn chế tương lai của trẻ. LHQ thúc giục các quốc gia hành động để giảm tác động của khủng hoảng, bảo đảm quyền của trẻ em tiếp cận hỗ trợ cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương trong các cuộc xung đột. Ảnh: AP
Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương trong các cuộc xung đột. Ảnh: AP

Thách thức đan xen và phức tạp

Với tên gọi “Triển vọng năm 2025: Xây dựng hệ thống phục hồi cho tương lai của trẻ em”, báo cáo của UNICEF chỉ rõ những xu hướng chính tác động tới trẻ em toàn cầu, khuyến cáo các quốc gia có biện pháp ứng phó và giảm tác động của khủng hoảng.

Theo UNICEF, xung đột vũ trang tiếp tục tạo rủi ro nghiêm trọng đối với cuộc sống, quyền và phúc lợi của trẻ em. Hơn 473 triệu trẻ em trên toàn cầu, tức cứ 6 trẻ có một em hiện sống ở nơi có xung đột. Tỷ lệ trẻ em chịu ảnh hưởng xung đột đã tăng gần gấp đôi, từ 10% vào thập niên 90 thế kỷ trước lên 19% hiện nay. Trong xung đột, pháp luật quốc tế bảo vệ dân thường bị phớt lờ, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự như trường học và bệnh viện trở nên phổ biến, trẻ em phải di dời và đối mặt nạn đói, dịch bệnh và suy giảm sức khỏe tâm lý.

Trong khi đó, chính phủ các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc tài trợ các khoản đầu tư quan trọng cho trẻ em, do tăng trưởng kinh tế chậm, nợ công tăng, các nguồn thu thuế và viện trợ phát triển không đủ. Theo UNICEF, gần 400 triệu trẻ em sống ở các nước đang gặp khó khăn về nợ công và con số này còn tăng. Chi phí trả nợ “bóp nghẹt” các khoản đầu tư thiết yếu cho trẻ em.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày một tồi tệ, UNICEF đánh giá trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những tác động đến sự phát triển, sức khỏe, giáo dục và hạnh phúc của trẻ có thể kéo dài và khó có thể đảo ngược.

Tiến bộ nhanh chóng của công nghệ mới nổi tiếp tục định hình mọi lĩnh vực cuộc sống của trẻ em. Song, sự bất bình đẳng vẫn là rào cản lớn để bảo đảm mọi trẻ em được tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng kỹ thuật số.

Quyền trẻ em phải được đặt lên hàng đầu

UNICEF chỉ rõ, các cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu, xung đột và bất ổn kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, phản ánh một thế giới trong đó căng thẳng địa-chính trị và cạnh tranh giữa các nước gia tăng, có thể cản trở hợp tác và thực hiện các giải pháp. Nêu rõ mục tiêu xây dựng hệ thống phục hồi, bảo đảm tương lai cho trẻ em, báo cáo về triển vọng với trẻ em năm 2025 yêu cầu tăng cường các hệ thống quốc gia được thiết kế để giảm thiểu tác động của khủng hoảng và bảo đảm trẻ em có quyền tiếp cận sự hỗ trợ cần thiết.

Nhấn mạnh những cuộc khủng hoảng mới sẽ tiếp tục thách thức tương lai của nền quản trị toàn cầu, UNICEF nhận định trong năm 2025, các quốc gia và thể chế quốc tế phải giải quyết câu hỏi quan trọng là liệu khuôn khổ đa phương toàn cầu có đủ gắn kết và hiệu quả để thống nhất phản ứng trước những thách thức chung, hay tiếp tục chia rẽ, dẫn đến nguy cơ mất đi hành động tập thể.

Mục tiêu lớn nhất UNICEF đặt ra vẫn là nỗ lực bảo vệ quyền và hạnh phúc của trẻ em trên toàn thế giới. Báo cáo kết luận, việc áp dụng và thúc đẩy các hệ thống nhằm cải thiện cuộc sống và triển vọng của trẻ em là điều quan trọng. Các hệ thống này phải thể hiện các nguyên tắc về hòa nhập, công bằng và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là bảo đảm rằng quyền và nhu cầu của trẻ em phải luôn được đặt lên hàng đầu. Các phương pháp tiếp cận phải mang tính hệ thống để xây dựng khả năng phục hồi trong mọi lĩnh vực cuộc sống của trẻ em.

Điều quan trọng nữa, không chỉ ứng phó và giải quyết những thách thức toàn cầu hiện tại, các hệ thống còn phải dự đoán và chuẩn bị cho những gì sắp tới có thể tác động tới quyền, phúc lợi và tương lai của trẻ toàn cầu.