Indonesia chính thức gia nhập BRICS

Chính phủ Brazil - quốc gia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2025 - ra tuyên bố cho biết, Indonesia sẽ chính thức gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ, qua đó tiếp tục mở rộng nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS ở Nga năm 2024. Ảnh: AP
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS ở Nga năm 2024. Ảnh: AP

Cam kết hợp tác sâu rộng ở khu vực nam bán cầu

Chính phủ Brazil cho biết, các nước thành viên đã nhất trí kết nạp Indonesia trong một phần của nỗ lực mở rộng khối, vốn được thông qua ban đầu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023 ở Johannesburg (Nam Phi). Theo Brazil, nỗ lực của Indonesia đã được BRICS “bật đèn xanh” vào năm 2023, song quốc gia Đông Nam Á đề nghị gia nhập khối sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Tuyên bố của Chính phủ Brazil nhấn mạnh: “Indonesia chia sẻ với các thành viên khác trong nhóm quan điểm hỗ trợ công cuộc cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác sâu rộng ở khu vực nam bán cầu”.

Ngày 7/1, Bộ Ngoại giao Indonesia ra thông cáo báo chí nhấn mạnh việc Indonesia trở thành thành viên của nhóm BRICS là một bước đi chiến lược, nhằm tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát triển bền vững. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, trước đây đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS nhằm nâng cao sức mạnh cho các nước mới nổi và thúc đẩy hơn nữa lợi ích của khu vực nam bán cầu.

Là một nền kinh tế đang phát triển và đa dạng, Indonesia cam kết đóng góp tích cực cho chương trình nghị sự BRICS, bao gồm thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế, hợp tác công nghệ, phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng. Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, BRICS là một nền tảng quan trọng để Indonesia thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, bảo đảm tiếng nói và nguyện vọng của các nước nam bán cầu được lắng nghe và đại diện trong quá trình ra quyết định toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới công bằng, hòa bình và thịnh vượng.

Mục tiêu thu hút 805 tỷ USD vốn đầu tư

Việc Indonesia chính thức gia nhập BRICS diễn ra trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Chính sách Đầu tư và Hạ nguồn của Indonesia, ông Rosan Roelani, đã đưa ra kỳ vọng nước này sẽ nhận được 805,73 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2025-2029. Các khoản đầu tư vào Indonesia được dự báo sẽ tạo ra nhiều việc làm tốt hơn đồng thời giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này.

Bộ trưởng Roelani nhấn mạnh rằng, Chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu đầu tư 117,78 tỷ USD trong năm nay trong khi dự kiến mục tiêu đầu tư 211,02 tỷ USD vào năm 2029 khi Indonesia kỳ vọng đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế là 8%. Bộ trưởng Roelani cho biết, ông đã thảo luận với Tổng thống Indonesia về các chiến lược để tăng mức đóng góp từ các dự án đầu tư vào GDP của Indonesia, hiện ở mức 24-25%.

Chuyến thăm làm việc của Bộ trưởng Rosan Roelani tới Trung Quốc cuối tháng 12/2024 đã mang lại các thỏa thuận đầu tư với tổng giá trị 7,46 tỷ USD từ 4 công ty Trung Quốc. Ngoài ra, Indonesia cũng kỳ vọng thu hút nguồn đầu tư lớn từ Tập đoàn công nghệ khổng lồ Apple của Mỹ.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, Indonesia chuẩn bị cấp hàng tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ và lao động di cư. Bộ trưởng Điều phối trao quyền cho cộng đồng Muhaimin Iskandar tuyên bố rằng, Chính phủ Indonesia có kế hoạch cung cấp khoản tài trợ cho vay lên tới 1,29 tỷ USD cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cùng các bên tham gia nền kinh tế sáng tạo và người lao động nhập cư.

Khoản tài trợ này nhằm mục đích thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn và cung cấp sự thuận lợi về tài chính cho các đối tượng nói trên. Chính phủ Indonesia sẽ tạo ra một chương trình cho vay đặc biệt, với lãi suất rất thấp cho người lao động nhập cư Indonesia, mang lại những hiệu quả không chỉ cho nền kinh tế mà đạt được cả những lợi ích về xã hội.