Theo Reuters, cảnh sát Nam Phi bắt đầu bao vây khu hầm mỏ ở Stilfontein vào tháng 8/2024 trong khuôn khổ chiến dịch truy quét khai thác mỏ bất hợp pháp. Từ tháng 11 năm ngoái, chính quyền đã bắt đầu cắt nguồn cung cấp thực phẩm và nước, nhằm buộc những thợ mỏ phải trở lên mặt đất. Cảnh sát cho biết, những người thợ mỏ có thể ra ngoài nhưng nhiều người tiếp tục lẩn trốn vì sợ bị bắt.
Bộ trưởng Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Nam Phi, ông Gwede Mantashe nhấn mạnh, chiến dịch bao vây mỏ Stilfontein là cần thiết để chống lại hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp. Ông Mantashe ước tính, việc khai thác trái phép ở những khu mỏ bỏ hoang trên cả nước có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nam Phi hàng tỷ USD trong những năm qua.
Thị trấn Stilfontein cách Thủ đô Johannesburg khoảng 150 km, nằm ở khu vực từng có trữ lượng vàng lớn ở Nam Phi. Hiện nay hầu hết các công ty đã đóng cửa những khu hầm mỏ không còn lợi nhuận. Tuy nhiên, tại đây những hoạt động khai thác trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến, do những người khai thác không chính thức xâm nhập để cố gắng tìm kiếm các mỏ quặng và vàng vụn còn sót lại.
Những người khai thác này không có giấy phép, có thể là người nhập cư từ các quốc gia châu Phi khác. Nhiều nhóm thợ mỏ đông người thường mang theo thức ăn, nước, máy phát điện và các thiết bị khác để đi sâu vào hầm mỏ trong nhiều ngày. Một phụ nữ 26 tuổi sống gần Stilfontein cho biết, chồng cô đã xuống mỏ vào tháng 6 và cô nhận được tin tức gần đây nhất là vào tháng 8 năm ngoái.
Cuối năm 2024, lực lượng chức năng tại đây đã thực hiện cưỡng chế buộc những người thợ mỏ phải ra ngoài. Giới chức cho biết, sẽ không gửi thực phẩm và đồ tiếp tế vì họ là tội phạm, đồng thời nói thêm rằng những người sống sót sẽ phải đối mặt các cáo buộc khai thác mỏ trái phép, xâm phạm trái phép và vi phạm Luật Di trú. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải phản đối từ phía cộng đồng địa phương và thân nhân những người thợ mỏ. Họ cho rằng, chiến dịch truy quét cần nhằm đến những kẻ đầu sỏ các băng đảng, những đối tượng thu lời từ việc buôn bán người tị nạn và tổ chức khai thác trái phép có tổ chức, hơn là hướng tới những cá nhân thợ mỏ.
Do đó, chính quyền địa phương đã phải tạm dừng chiến dịch cưỡng chế gây tranh cãi nói trên và tiếp tục cho phép gửi thực phẩm, nước và thuốc men xuống cho thợ mỏ một lần nữa. Mặc dù vậy, tình trạng dưới những hầm mỏ cho thấy vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt do lo sợ bị bắt, hoặc sức khỏe quá yếu nên kẹt lại dưới hầm.
Trong tình hình đó, giới chức Nam Phi đã bắt đầu triển khai nỗ lực cứu hộ và giải cứu một số thợ mỏ sống sót trong hai tháng qua. Đại diện Bộ Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Nam Phi cho biết, kế hoạch cứu hộ đang được tiến hành tại mỏ nhưng có thể mất nhiều tuần để giải cứu những người sống sót và đưa tất cả các thi thể ra ngoài. Hiện nay, hoạt động giải cứu không huy động nhân viên cứu hộ chính thức xuống sâu dưới lòng đất vì lo ngại nguy hiểm. Thay vào đó, họ thả những lồng sắt xuống cửa hầm theo khung giờ nhất định trong ngày. Đồng thời, vận động những người tình nguyện trong cộng đồng quen thuộc với thợ mỏ xuống cùng.
Chiến dịch của lực lượng chức năng Nam Phi tại Stilfontein là một phần trong kế hoạch trấn áp trên toàn quốc đối với các băng nhóm khai thác mỏ trái phép được gọi là “zama zamas”, vốn từ lâu đã là một vấn đề gây đau đầu ở quốc gia này. Chính phủ ước tính có khoảng 6.000 mỏ bị bỏ hoang và gần 1 tỷ USD bị thất thoát hằng năm do khai thác bất hợp pháp.