Nhân rộng "3 hóa" trong khai thác than

Trong điều kiện diện khai thác ngày càng xuống sâu như hiện nay, các đơn vị ngành than đang đẩy mạnh đầu tư ứng dụng cơ giới hóa các dây chuyền sản xuất. Hướng đi này giúp các đơn vị cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu than cho thị trường, nhất là than phục vụ cho sản xuất điện.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền khai thác than lò chợ cơ giới hóa đồng bộ ở Công ty cổ phần Than Hà Lầm.
Dây chuyền khai thác than lò chợ cơ giới hóa đồng bộ ở Công ty cổ phần Than Hà Lầm.

Làm chủ công nghệ

Sau thời gian vận hành sản xuất, đến nay, cả hai lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của Công ty cổ phần Than Hà Lầm, gồm: lò chợ công suất 600 nghìn tấn/năm (đưa vào khai thác từ tháng 3/2015); lò chợ công suất 1,2 triệu tấn/năm (đưa vào khai thác từ tháng 11/2016) đều mang lại hiệu quả cao. Tổng sản lượng tính đến hết năm 2022 của lò chợ công suất 600 nghìn tấn/năm đã đạt 5,23 triệu tấn; lò chợ công suất 1,2 triệu tấn/năm đạt xấp xỉ 4,82 triệu tấn. Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, thực tế diện sản xuất của hai lò chợ cơ giới hóa đồng bộ ngày càng thu hẹp lại.

Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Than Hà Lầm cho biết: Để giải quyết vấn đề này, Công ty đang bắt đầu triển khai phương án kỹ thuật khai tầng xuống sâu dưới mức -300m đến -570m. Theo đó, Công ty đang huy động tối đa các máy, thiết bị đào lò tiên tiến, phù hợp từng công đoạn, điều kiện địa chất từng khu vực, để đẩy nhanh tiến độ đào lò. Dự kiến năm 2024, Công ty cổ phần Than Hà Lầm sẽ đưa lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ 300 nghìn tấn than vào hoạt động; đến năm 2025 đưa lò chợ cơ giới hóa vỉa dốc vào hoạt động.

Hiện nay, công nghệ khai thác than bằng lò chợ chống giữ giá khung và giá xích được áp dụng rộng rãi tại các đơn vị khai thác than hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV). Công suất trung bình của lò chợ áp dụng công nghệ này đạt 150 nghìn đến 180 nghìn tấn/năm. Sản lượng khai thác than từ các lò chợ chống giữ bằng giá khung, giá xích chiếm gần một nửa tổng sản lượng than hầm lò của TKV.

Giai đoạn 2011-2012, Công ty Than Mạo Khê triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ giá khung thủy lực ZHF1.600/16/24 tại một số lò chợ. Đến nay, công nghệ này đã được nhân rộng tới hầu hết lò chợ dài, ngang nghiêng, thay thế lò chợ chống giữ bằng cột thủy lực đơn và lò chợ giá thủy lực di động XDY. Điển hình như lò chợ vỉa 9BT. Đây là một trong ba lò chợ xuống sâu nằm trong dự án khai thác hầm lò dưới mức -150m, do Phân xưởng Khai thác 8 đảm nhận. Ông Nguyễn Duy Tùng - Quản đốc Phân xưởng này cho hay: Với đặc thù vỉa dày trên 4m, khi áp dụng công nghệ giá khung thủy lực ZHF1.600/16/24, ngoài việc khấu gương theo thiết kế kỹ thuật thì phần than sau giá khung được thu hồi tuyệt đối. Nhờ đó, sản lượng than của phân xưởng đạt 950-1.000 tấn/ngày và giảm đáng kể tỷ lệ tổn thất tài nguyên than.

Bứt phá trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên

Công ty Than Uông Bí là một trong những đơn vị sản xuất than hầm lò chủ lực của TKV trong sản xuất than (khoảng 2,5 triệu tấn/năm). Tháng 9/2022, Công ty đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào khai thác lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên tại khu vực cánh Tây, khu vực Hồng Thái, mỏ Tràng Bạch. Với kinh phí hơn 120 tỷ đồng, trang bị hệ thống 80 giàn chống, máng cào, máy khấu, trạm điện, trạm bơm dịch, hệ thống phun sương dập bụi... lò chợ này có công suất 250 nghìn tấn than/năm.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí cho biết: Công ty đang khai thác xuống độ sâu -150m, nơi có điều kiện địa chất phức tạp. Nếu triển khai thiết bị hạng nặng sẽ có rất nhiều trở ngại do đặc tính than mềm yếu, trụ mềm, vỉa dốc. Trong vài năm trở lại đây, Công ty đã mạnh dạn thay thế hệ thống lò chợ chống cột thủy lực đơn bằng các hệ thống lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm ZRY; lò chợ chống bằng giá thủy lực di động ZH; lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ. Nếu năm 2021, Công ty có 12 hệ thống lò chợ chống cột thủy lực đơn thì nay chỉ còn hai lò. "Năng suất lao động của công nhân tăng gấp ba lần, nhân lực khai thác giảm khoảng 30%, điều kiện làm việc và an toàn lao động được bảo đảm hơn. Đây là tiền đề để chúng tôi triển khai, đầu tư thêm các lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ trong thời gian tới, đặc biệt là dự án khai thác hầm lò khu Tân Yên-mỏ Đông Tràng Bạch (công suất 450 nghìn tấn/năm) đã được TKV thông qua và đang thực hiện công tác chuẩn bị để đưa vào khai thác", ông Hưng cho biết thêm.

Còn tại Công ty Than Dương Huy, tháng 5 vừa qua, công trình cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ lò chợ đầu tiên đã được gắn biển. Trong thời gian chạy căn chỉnh, lò chợ này đạt gần 38 nghìn tấn than (sản lượng thiết kế là 35 nghìn tấn/tháng). Năng suất tổng hợp đạt 19,05 tấn/công, tăng 12,7 tấn/công so công nghệ giá khung trong cùng điều kiện. Ông Nguyễn Chí Trưởng - Phó Giám đốc Công ty Than Dương Huy cho biết: Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, trong sáu tháng đầu năm 2023, công ty đã khai thác được gần 1,3 triệu tấn than (kế hoạch được giao 2,3 triệu tấn). Việc tăng năng suất đồng nghĩa với thu nhập của người lao động cũng sẽ được tăng lên. Ngoài ra, thời gian để chuyển diện đối với lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ ngắn hơn đáng kể so với công nghệ khác. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ này trong thực tiễn khai thác than hầm lò là hết sức cần thiết.

Đánh giá về hiệu quả của quá trình đẩy mạnh "3 hóa", gồm: cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, áp dụng công nghệ khai thác hiện đại của các đơn vị thành viên, đại diện lãnh đạo TKV khẳng định: Trong điều kiện khai thác hiện nay, đây là giải pháp hữu hiệu để giúp các đơn vị bứt phá trong sản xuất và phát triển bền vững, bảo đảm các tiêu chí mỏ sạch, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên.

"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương về việc bảo đảm cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện những tháng mùa khô, các đơn vị của TKV đang tích cực đẩy mạnh sản xuất. Trong tháng 6 và tháng 7 này, TKV sẽ điều chỉnh tăng sản lượng cấp cho các nhà máy nhiệt điện khoảng 180 nghìn tấn/tháng; theo đó, các nhà máy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 80 nghìn tấn/tháng, tăng 6% so tiến độ cam kết trong hợp đồng. Dự kiến cả năm 2023, sản lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện đạt 39,7 triệu tấn, tăng khoảng 15% so năm 2022", ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV cho biết.